
Người phụ nữ giơ biểu ngữ "bình đẳng cho tất cả" khi tham gia sự kiện về giới tính.
Khi tình cờ thấy trên giá một hiệu sách ở đâu đó ở Việt Nam bản dịch tiếng Việt cuốn truyện “The Reader” của Bernhard Schlink tôi đã không ngần ngại mua ngay. Câu chuyện kể về cuộc tình của một phụ nữ 36 tuổi và cậu bé 15 tuổi vào thời quân Đức quốc xã còn đang sát hại người Do Thái. Truyện đã được chuyển thành phim do Kate Winslet đóng vai chính, đoạt 5 giải thưởng lớn năm 2009. Kate Winslet giành giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Hai nhân vật trong truyện chênh nhau 21 tuổi. Tôi muốn biết dịch giả Lê Quang đã cho họ dùng các đại từ gì trong tiếng Việt khi nói chuyện với nhau. Có lẽ đó là một trong những thử thách của việc dịch cuốn truyện. Các từ xưng hô giữa hai người chuyển biến theo những thay đổi không thể đoán trước được trong mối quan hệ của họ. Lúc đầu dựa theo tuổi tác, dịch giả cho họ dùng cặp từ xưng hô “cô - cháu”. Sau khi hai người bị cuốn hút vào một mối quan hệ nam nữ ma mị, khốc liệt, vừa nhục dục vừa tình cảm, dịch giả cho họ chuyển thành “anh - em”, như trong bất kỳ một quan hệ nam nữ nào. Ở giai đoạn họ đã mê đắm nhau bất chấp, sẽ rất lố bịch nếu tiếp tục để họ dùng các từ xưng hô “cô – cháu”.
Việc dịch giả cân nhắc chọn lựa đại từ nhân xưng như vậy cho thấy từ ngữ xưng hô trước hết có nhiệm vụ phản ánh mối quan hệ giữa người nói và người nghe hơn là các thứ khác, ở trường hợp này là tuổi tác.
Dường như độc giả cũng không lấy làm phiền lòng hay thắc mắc vì cách xưng hô xóa mờ ranh giới tuổi tác hết sức lớn này, nhất là khi nhân vật nam mới 15 tuổi. Độc giả đang bị bận rộn cuốn vào câu chuyện tình tréo ngoe, lạ lẫm, bi thương... Cũng có thể độc giả Việt “cho qua” khi đọc những “anh”, “em” ở đây vì họ hiểu đây là bản dịch. Nếu đôi tình nhân này là người Việt, có lẽ cặp từ “anh - em” sẽ gây phản cảm đối với người đọc. Điều này cho thấy thái độ phê phán còn tùy thuộc vào nhiều thứ khác, như hoàn cảnh xã hội, dân tộc, văn hóa, hay ngôn ngữ.
Ở Việt Nam, chuyện xưng hô giữa vợ chồng truyền thống (khác giới) tưởng lúc nào cũng bình thường, dễ dàng. Thật ra trong quá khứ chưa xa lắm, vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, nó không hề đơn giản chút nào. Nam Cao cho thấy cái khó khăn này, nhất là ở những cặp vợ chồng trẻ chưa có con, như hai nhân vật trong truyện ngắn “Rình Trộm” đăng năm 1943, in lại trong “Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao”. Từ xưng hô có thể làm ngượng ngùng không phải chỉ ở người nói mà còn ở người nghe, và cả sự đánh giá của những người xung quanh nữa.
Tuy vậy họ cũng bắt chước người ta, gọi nhau bằng “thày nó”, “u mày”, cho nó ngộ chơi. Mới đầu là sự nhại đùa. Mãi mãi thành quen. Bây giờ muốn bỏ thì không bỏ được. Vả lại bỏ, thì gọi nhau bằng gì được? Ở nhà quê, vợ chồng chưa có con, khó có tiếng mà gọi nhau lắm nhé. Cậu cậu, mợ mợ… thì ra lối tỉnh; mặc màn tà lồng ộp nghĩa là cái váy, mà gọi nhau thế thì người ta cười đến chết! Mình mình, tôi tôi là lối Sài Gòn, mấy thằng cha đi cao su về, cố nhập cảng nhưng chẳng ai theo. Còn anh ơi? Với em ơi! Thì chỉ khi nào hờ nhau thì người ta mới dùng đến cho văn vẻ. Vậy thì gọi nhau bằng gì được? Hạng mày mày, tao tao là nhiều nhất; nhưng đó là những cặp vợ chồng ngày nào cũng phải chửi nhau một lần… (2003:217).
Theo miêu tả này thì “anh - em” khi ấy chỉ dùng những lúc ve vãn, “hờ nhau”, không thích hợp ở những lúc bình thường.
Nhiều năm trước tôi đã quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng giới tính thể hiện trong ngôn ngữ. Tôi hân hạnh đóng góp chương về tiếng Việt trong cuốn sách về những vấn đề liên quan đến giới tính của 44 ngôn ngữ trên thế giới do Hellinger và Busmann biên tập, xuất bản ở Hà Lan năm 2002.* Tôi trình bày những khó khăn trong việc chọn lựa từ xưng hô ở nhiều trường hợp đặc biệt, khá oái oăm, những hoàn cảnh được xem là không bình thường theo quy ước xã hội, ví dụ như chồng nhỏ hơn vợ nhiều tuổi, bạn trai cũ trở thành học trò, v.v..
Trong quan hệ đôi lứa giữa người khác phái, người đàn ông thường ít nhiều hơn vợ về tuổi tác. Chẳng những thế, họ còn là người được xem là mạnh mẽ hơn về cơ bắp, về khả năng kiếm được việc làm. Người đàn ông có trách nhiệm bảo bọc và nuôi gia đình. Cho nên một cách tự nhiên, họ là “anh”.
Khi người chồng nhỏ hơn vợ vài tuổi, tất cả những điều ấy không thay đổi. Trường hợp này, nếu không dùng tên riêng hoặc những đại từ không phân biệt giới tính hay ngôi thứ, như “mình” và “tôi”, thì họ dùng cặp từ “anh-em” với nhau. Không ai thấy chuyện vợ lớn tuổi hơn chồng nhưng xưng gọi “anh-em” với chồng là trái khoáy, là đáng cười. Ở đây, ngôn ngữ học xã hội nhìn thấy vai trò truyền thống của người đàn ông trong quan hệ đôi lứa mạnh hơn, đến mức xóa đi cái nghĩa cụ thể của thứ bậc theo tuổi tác: “anh” không còn nét nghĩa “lớn tuổi hơn” nữa.
Trường hợp bạn trai cũ trở thành học trò thì khó xử hơn nhiều. Trong lớp học, gọi bạn gái cũ là “cô” không sao, vì cô trong tiếng Việt bao gồm cả việc gọi người trẻ hơn hoặc cô giáo của mình. Nhưng người con trai xưng như thế nào cho ổn? “Em” thì ngại ngùng, “mình” thì không được, mà “tôi” cũng không xong vì học trò xưng “tôi” với thầy cô vẫn bị người Việt xem là không lễ độ. Cho nên khi buộc phải trao đổi với cô giáo trong lớp học, người nam đành phải nói trống không. Ngoài lớp học, quan hệ thầy-trò không còn, thì họ quay lại quan hệ bạn bè cũ, “anh-em” lại được dùng tự nhiên. Điều này càng chứng tỏ rằng vẫn những con người ấy, nhưng mối quan hệ đa dạng của họ quyết định việc chọn lựa từ xưng hô cho mỗi hoàn cảnh.
Các ví dụ ở trên cho thấy chức năng của từ xưng hô là phản ánh các mối quan hệ. Các mối quan hệ này đến lượt chúng, lại chịu sự quy định, đánh giá của xã hội (ví dụ đoạn trích từ Nam Cao).
Trong chương sách in năm 2002, có một mảng tôi đã không hề chạm tới, đó là cách xưng hô giữa những cặp đồng giới, đặc biệt là giữa phụ nữ.
Khi một sinh viên trong lớp hỏi những người đồng giới ở Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, chẳng hạn như khi họ nói “I love you”, tôi mới lúng túng và thấy rằng mình hoàn toàn mù tịt. Và tôi bắt đầu tìm hiểu về đề tài này.
Tôi mua những cuốn sách nói về người đồng giới hoặc do chính người đồng giới ở Việt Nam viết, như “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn 2002, “Bóng”, tự truyện do Hoàng Nguyên và Đoan Trang của nhóm Domino chấp bút viết năm 2008. Các từ xưng hô trong ấy thật đa dạng nhưng là giữa hai người nam. Nếu muốn, họ vẫn dùng cặp “anh-em” một cách bình thường như giữa các đôi khác phái. Họ may mắn không phải đối diện với vấn đề hóc búa của từ xưng hô khi chạm vào các định nghĩa về giới tính.
Việc xưng hô giữa các cặp đồng giới nữ là một câu chuyện chưa có tiền lệ. Trong tiếng Việt, ngoại trừ vài từ như “bác”, “em” và "cậu" - một từ thường được dùng ở miền Bắc giữa bạn bè - thì các từ thân thuộc dùng để xưng hô như ông, bà, anh, chị, dì, cậu, v.v. đều chỉ rõ giới tính. Các đại từ nhân xưng thứ thiệt của tiếng Việt như “tao, mày, bay, nó, chúng bay” rất ít ỏi, không mang đặc trưng giới tính, và được dùng với thái độ cực đoan, thứ bậc: hoặc yêu thân - bề trên hoặc khinh ghét - bề dưới. Cho nên các từ này không thích hợp để dùng trong quan hệ đôi lứa.
Tuy đối thoại giữa các cặp khác giới đôi khi phức tạp, nhưng chưa oái oăm đến mức vượt qua hàng rào giới tính, cái người ta thường cho rằng thuộc về sinh lý, tức là việc sinh ra với cơ thể là nam hay nữ là không thay đổi được. Từ xưng hô phản ánh giới tính nghiêm ngặt đó. Chẳng hạn trong hoàn cảnh bình thường, không ai gọi một người phụ nữ bằng “chú”, hoặc một người nam bằng “chị”.
Quãng 10 hay 15 năm trước, nhờ một người quen lúc ấy là Tổng biên tập một tờ báo lớn ở Sài Gòn giới thiệu, tôi gặp một phóng viên chuyên viết về đề tài người đồng tính. Chúng tôi đi uống cà phê và nói chuyện để chị biết tôi quan tâm điều gì, rồi chị đưa tôi đi gặp một nhóm bạn trẻ ở một câu lạc bộ sinh hoạt riêng của họ. Tôi chỉ muốn tìm hiểu việc xưng hô giữa các cặp là nữ. Trong khi người đồng tính nam có cái may mắn là họ có thể dùng “anh - em” xưng hô với nhau, người đồng tính nữ không lẽ sẽ dùng cặp tương xứng “chị - em”? Trong tiếng Việt, cặp từ này thường chỉ dùng trong quan hệ thân thuộc, hoặc được xem như thân thuộc. Mà hàng ngày tiếp xúc thì không thể cứ nói trống không với nhau.
Và tôi như té nhào một cách thú vị trước một thực tế ngôn ngữ không hề thấp thoáng trong cảm thức của những người quen lối suy nghĩ theo kiểu “hiển nhiên”. Trong quan hệ giữa hai người đồng giới nữ, họ dùng cặp từ “anh – em”. Thường thì người nào mạnh mẽ hơn về khả năng tài chính, hoặc về sức mạnh cơ bắp, hoặc về tính cách, thì người ấy là “anh”.
Những cặp này cho biết họ chỉ dùng cách xưng hô ấy khi không có người khác chứng kiến. Chúng ta hiểu lý do vì sao. Họ ngại bị cười nhạo, phê phán vì cách dùng ngôn ngữ “phá rào” giới tính này. Tuy nhiên cũng tùy từng trường hợp, không phải cặp nào cũng cần phân định rạch ròi vai trò “anh - em” trong quan hệ.
Khi mà người vợ lớn tuổi hơn vẫn gọi chồng bằng “anh” thì quan hệ vợ - chồng, một khế ước xã hội, đã mạnh hơn quan hệ tuổi tác, một đặc trưng sinh học. Cũng như vậy, việc một người nữ gọi người nữ khác là “anh” cũng cho thấy vai trò cá nhân trong quan hệ đôi lứa ở đây đã mạnh hơn giới tính, đặc điểm sinh học của cá nhân ấy (gender overrides sex).
Vì sao khi nghe một người vợ hơn chồng dăm bảy tuổi dùng “anh - em” ngọt ngào, cùng với thái độ tương kính nhau đúng mực, ai cũng thấy không có gì phải băn khoăn, nhưng khi nghe một người con gái gọi một người phụ nữ khác bằng “anh” thì họ lại có thái độ, nhẹ cũng là trố mắt?
Ngành nghiên cứu về Giới tính và Ngôn ngữ (Gender and Language), không ngừng tìm tòi, phát triển và hoàn thiện lý thuyết để có thể giải thích được tốt nhất, bao quát nhất các hiện tượng ngôn ngữ liên quan đến giới tính. Họ đi từ Lý thuyết Khiếm khuyết (Deficit) mà công trình kinh điển của Lakoff 1973 đã đặt nền móng (Language and Women’s Place, Language in Society, 2:1, pp. 45-80, Cambridge University Press). Lý thuyết này cho rằng phụ nữ thường lễ độ, ít chửi thề v.v. và nói nhiều hơn nam giới là do các khiếm khuyết về giới tính. Sau đó, lý thuyết Thống trị (Dominance) cho rằng do phụ nữ trong gia đình và xã hội không có quyền lực như nam giới, nên họ phải nhẹ nhàng, dễ thương, lễ phép... để bù lại, hòng tìm chỗ đứng trong xã hội. Tiếp đến, lý thuyết Khác biệt (Difference) giải thích sự khác nhau giữa nam và nữ không phải do khiếm khuyết hay bị chèn ép, mà là họ thuộc về hai tiểu văn hóa khác nhau. Họ được nuôi dạy từ nhỏ, trong cách nói năng, ăn mặc, đi đứng, mục tiêu cuộc sống, v.v., là con gái phải thế nào, con trai phải ra sao. Phụ nữ bị đối xử và phán xét khác nam giới không phải vì họ sinh ra là nữ giới, mà vì xã hội đã phân cho họ những vai trò không bình đẳng đó. Những nhà nghiên cứu theo lý thuyết này cho rằng việc tiếp xúc giữa cá nhân là bình đẳng về mặt xã hội, nhưng các quan hệ xã hội mà trong đó các cá nhân tiếp xúc lại không bình đẳng, như vợ mắng chồng bị phê phán nghiêm khắc hơn chồng mắng vợ.
Tất cả những lý thuyết trên đều có điểm bị phê phán. Cách tiếp cận được nhiều nhà nghiên cứu hiện nay chấp nhận là một cách tiếp cận “động”, xem giới tính (gender) là một thực thể xã hội, được xây dựng từ các quan hệ chồng chéo nhiều chiều, không ngừng thay đổi. Ngôn ngữ giới tính không do đặc điểm sinh học quyết định (như sinh ra cơ thể là nam, nữ hay một giới tính thứ ba), mà là sản phẩm do xã hội tạo thành. Aires 1996 (Men and Women in Interaction: Reconsidering the Differences. Oxford: Oxford University Press) cho thấy giới tính chiếm chưa đến 5% nguyên nhân các biến thể trong cư xử xã hội. Lý thuyết này đã giúp chúng tôi giải thích được nhiều trường hợp xưng hô “mày - tao” giữa các cặp vợ chồng khác giới người Việt (**).
Việc chọn lựa từ xưng hô nào là quyết định của những cá nhân ở trong các mối quan hệ ấy. Ở Hoa kỳ, nơi luật pháp thừa nhận hôn nhân đồng giới, khi nói về bạn đời người đồng tính dùng “vợ tôi” nếu là hai người nữ, hoặc “chồng tôi” nếu là hai người nam. Điều này đã trở thành quen thuộc với người nghe.
Thái độ lắng nghe đúng đắn nhất là hiểu các từ xưng hô đang nói về ai và trong quan hệ gì. Chứ không phải đang nghe vợ chồng khác giới hay cặp đôi đồng giới, cũng không quan tâm đến những thứ như chồng hay vợ lớn tuổi hơn. Thậm chí, một sự kêu gọi “thông cảm” cho các cách xưng hô “lạ lẫm” của người đồng giới cũng đã ngầm biểu hiện một thái độ kỳ thị. Người ta chỉ cần hiểu biết, không cần sự đồng cảm hay thương hại.
(*) Pham, A.H. 2002. “Gender in addressing and self-reference in Vietnamese”, in Gender Across Languages: the linguistic representation of women and men, Vol 2, 281-312, edited by Marlis Hellinger and Hadumod Bussmann (eds). Amsterdam: John Benjamins.
(**) Pham, Andrea Hoa và Andrew Nguyen. 2021 “Biến thể ngôn ngữ xã hội trong thái độ đánh giá việc dùng đại từ nhân xưng giữa các cặp vợ chồng Việt Nam”. Manuscript.