| Hotline: 0983.970.780

Kịch bản ít tồi tệ nhất cho Syria

Thứ Tư 07/10/2015 , 15:31 (GMT+7)

Với sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria, viễn cảnh Assad rời đi ngày càng khó xảy ra. Tuy vậy, đây chưa hẳn đã là điều xấu.

Tuần trước, thủ tướng Anh phát biểu rằng Tổng Thống Syria Bashar Al-Assad  sẽ không thể trốn khỏi luật pháp quốc tế và rằng giải pháp cho tình hình hiện nay tại Syria là Assad phải ra đi trong một cuộc chuyển giao quyền lực, mặc dù không phải ngay lập tức nhưng Assad sẽ phải rời đi.

Qua đó có thể thấy, với sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria, viễn cảnh Assad rời đi ngày càng khó xảy ra. Tuy vậy, đây chưa hẳn đã là điều xấu.

Để tìm hiểu tại sao một người cầm quyền như Assad, không còn được sự ủng hộ của người dân (chỉ kiểm soát khoảng 40% lãnh thổ), bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng (Red Cross và UN) lại có thể là giải pháp cho chảo lửa Syria, chúng tôi cho rằng có 3 tình huống dễ xảy ra nhất.

Đó là: Assad bị truất ngôi, phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn giành chiến thắng; các phe tham chiến bất phân thắng bại, tình thế giằng co như hiện nay kéo dài; và cuối cùng là Assad giành chiến thắng cuối cùng.

Assad thất bại

Đây là phương án và cũng là chính sách mà phương Tây đã theo đuổi từ gần 2 năm nay. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trên bề mặt quân sự khi các nước thành viên NATO với Mỹ đi đầu đã liên tục hộ trợ vũ trang cho lực lượng nổi dậy chống lại Assad.

Tuy vậy, hiệu quả của chính sách này thì chưa thấy đâu. Chỉ biết là nhóm chiến binh 'ôn hoà' đầu tiên được Mỹ trực tiếp đào tạo và trang bị vũ khí đã mất 1/4 số vũ khí của mình vào tay Al-Nusra Front (có liên hệ với Al-Qaeda).

Nhật báo của NATO phiên bản Canada còn đưa ra con số đáng báo động hơn là hiện chỉ còn khoảng '4 hoặc 5 binh sĩ gì đó' được trang bị bởi Mỹ còn chiến đấu tại Syria.

Số còn lại hoặc đã gia nhập các phe khủng bố hoặc bị tiêu diệt. Với qui mô 500 triệu USD để đào tạo một đội quân thân phương Tây gồm 5.000 người, 'chiến sách' này đã thất bại hoàn toàn.

Tuy vậy, hãy giả định trong trường hợp Mỹ và NATO tìm được một cách khác để lật đổ Assad, có nhiều lí do để tin là Syria sẽ trở thành một Libya thứ hai nhiều hơn là một đất nước trên đường đến dân chủ.

4 năm trước, khi Gaddafi bị kéo lê trên đường phố Sirte, có lẽ Washington sẽ không thể mường tượng được viễn cảnh chỉ vài tháng sau, các 'chiến binh tự do của Libya' xông vào Sứ quán Mỹ và hành quyết đại sứ.

Bản thân Libya trở thành một nhà nước thất bại với các nhóm phiến quân tranh đấu lẫn nhau.

Không hiểu là nếu như lật đổ xong Assad thì Mỹ sẽ dựa vào ai để tiếp quản Syria?

Hồi đầu năm nay, nhà phân tích quân sự người Syria Kalam Amal đã thẳng thắn cho rằng 'không có cái gọi là phe đối lập ôn hoà ở Syria'.

FSA, cụm từ thường dùng để chỉ liên minh lực lượng đối lập tại Syria có bao gồm cả các nhóm cực đoan đã từng hợp tác với ISIS. Trong trường hợp Assad bị lật đổ, Syria sẽ trở thành 'miền đất hứa với khủng bố cực đoan' tồi tệ hơn những gì đang diễn ra hiện nay.

Bất phân thắng bại

Đây cũng là trường hợp dễ xảy ra nhất, ít ra là cho đến đầu tuần trước. Có lẽ không có nhiều để nói nhiều về kịch bản này khi mà chúng ta đã và đang chứng kiến kịch bản này trong xuốt 4 năm rưỡi qua.

Các cáo buộc vi phạm nhân quyền từ tất cả các bên. Nhà nước Hồi Giáo tiếp tục kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn vắt ngang sang Iraq. Dân thường vô tội bị mắc kẹt giữa làn bom đạn của các bên tham chiến, gia tăng thương vong. Dòng người tị nạn tiếp tục đổ sang các nước láng giềng và trên các cuộc hành trình nguy hiểm đến châu Âu.

Đây là kịch bản mà không ai mong muốn. Nó không có lợi cho bất kì ai, ngoại trừ những tên buôn người và các tổ chức cực đoan. Khi mà châu Âu vẫn đang quanh co chưa đưa được một giải pháp đồng bộ cho cuộc khủng hoảng tị nạn, một lượng lớn người tị nạn trong một thời gian dài có thể khiến các nước châu Âu không kịp ứng phó.

Assad tại vị

Theo như một câu nói trong giới chính trị, đây là giải pháp 'ít tồi tệ nhất'.

Thủ tướng Cameron nói đúng khi cho rằng Assad sẽ phải giải trình những cáo buộc vi phạm nhân quyền của mình nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, Obama và Cameron có lẽ đã không khôn ngoan khi cho rằng Assad không phải là giải pháp cho Syria mà là chính Assad là nguồn gốc vấn đề.

Tổng Thư Kí UN Ban Ki Moon gần đây phát biểu rằng 'bất kì giải pháp nào trong cuộc nội chiến tại Syria thì Assad phải được bao gồm trong đó'. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem những gì sẽ xảy ra trong kịch bản này.

Điều dễ nhận thấy nhất là sự can thiệp của Nga có thể sẽ là quân bài quyết định trong kịch bản này.

Với sự can thiệp của vũ khí hiện đại của Nga từ trên không và hỗ trợ quân sự trên bộ từ Iran và Hezbollah, Assad có lợi thế rất lớn để phá vỡ thế giằng co và giành lại các vùng đất đã mất.

Thực tế, Mỹ và đồng minh đã gián tiếp 'bắt tay' với lực lượng thân Assad kể từ khi bắt đầu không kích từ năm ngoái khi mà liên minh của Mỹ tránh không tấn công vào các địa điểm của Assad.

Một vật cản lớn để kịch bản này có thể xảy ra là sự can thiệp của Ảrập Xêút. Trong một cuộc gặp cấp cao hồi tháng 8 tại Moscow, Riyadh và Moscow đã không thể đi đến một thoả thuận chung về Syria.

Gần đây nhất, Riyadh tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của mình là Assad không phải và không thể là giải pháp cho cuộc nội chiến.

Điều này là dễ hiểu khi mà Ảrập Xêút xem Assad là một cánh tay quyền lực của Iran, đất nước Hồi giáo dòng Shiite và 'kẻ thù khu vực' của Vương Quốc. Sự tại vị của Assad sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực khu vực của Riyadh.

Tất cả sẽ phải tuỳ thuộc vào Mỹ để trấn an đồng minh của mình rằng liên minh Shiite Iran-Syria-Hezbollah (nếu có thể vượt qua cuộc nội chiến) sẽ không đe doạ lớn đến an ninh của Vương Quốc.

Không có giải pháp 'tốt' nào cho cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên trong 3 giải pháp đã nêu trên thì kịch bản số 3 là kịch bản ít tồi tệ nhất.

Một Lybia thứ hai ở Trung Đông chắc chắn là điều không ai muốn xảy ra và thế giằng co kéo dài sẽ kéo dài con số thương vong và cuộc khủng hoảng tị nạn.

Chấm dứt cuộc nội chiến sắp kéo dài sang năm thứ 5 bằng một giải pháp chính trị phải là trọng tâm lúc này. Bashar Al-Assad không phải là thiên thần nhưng ông là giải pháp hữu hiệu nhất trong trường hợp này và khi mà Obama và đồng minh nhận ra điều này càng sớm sẽ càng tốt.

HUY ANH (Từ Manchester, Anh)

Xem thêm
EU đẩy mạnh sáng kiến hướng đến kinh tế tuần hoàn

Ủy ban châu Âu vừa công bố loạt sáng kiến mới, là bước chuẩn bị cho việc ban hành Đạo luật Kinh tế tuần hoàn vào năm 2026.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất