| Hotline: 0983.970.780

Không tránh khỏi mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu

Thứ Ba 10/11/2009 , 10:32 (GMT+7)

Tôi biết rồi chắc chắn là sẽ có chuyện. Nhưng biết mà vẫn không tránh khỏi mới là đau.

Hình ảnh như thế này là ước mơ của tôi (Ảnh minh họa)

Chị Dạ Hương kính mến!

Tôi biết rồi thì mẹ chồng nàng dâu nào cũng có chuyện như thói thường là vậy. Nhưng biết mà vẫn không tránh khỏi mới là đau.

Chị ạ, tôi là người phụ nữ viên chức, bằng cấp không cao nhưng cũng đủ để cùng chồng làm việc, xoay xở nuôi con khôn lớn và nói chuyện phải trái, nói chuyện thánh hiền răn dạy con cái. Chồng tôi là bộ đội phục viên, nghỉ hưu đã nhiều năm nay, siêng năng, cần cù, chân chỉ. Chúng tôi có một căn hộ ở mặt tiền phố nhỏ, tôi bán ăn sáng, chồng bán tạp hóa cho dân phố, ngoài lương hưu, thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Chồng tôi còn làm thêm nhiều việc phụ nữa như nuôi ong mật trên sân thượng, nuôi giấm bỏ mối cho những ki - ốt có người thích giấm nuôi thủ công.. v..v... Nhờ hai vợ chồng căn cơ nên hai con trai của tôi lớn lên trong yên ổn, chí thú, chịu khó. Khi con trai lớn vào đại học chúng tôi mừng như mình được đổi đời, thôi, bố quân nhân, mẹ chỉ là cán bộ trung cấp, con hơn cha mới đúng nhà có phúc, phải không chị? Khi anh nó cưới vợ thì đứa thứ hai cũng đỗ đại học, còn vui mừng nào hơn?

Con dâu tôi là kỹ sư kinh tế, cán bộ một ngân hàng có tiếng, lương rất cao. Tôi biết nếu đem ra so thì con trai của chúng tôi trình độ không thua kém vợ nhưng nó là kỹ sư cầu đường, nay đây mai đó, thu nhập cao nhưng tiền bạc rắc vào chuyện đi lại và ăn ở tự lực. Đàn ông xa nhà mà chị, ai gói gém, ai chăm sóc, ai tiết kiệm cho. Cũng chính vì con tôi hay đi vắng nên chúng tôi mới giữ dâu và cháu nội ở chung để tiện bề giúp đỡ. Mâu thuẫn có phải bắt đầu từ việc không tư riêng này không, tôi không biết nữa. Chỉ biết là chúng tôi có công mấy thì dâu con cũng không hài lòng.

Nhiều lúc tôi thấy như nó ỷ tiền, đôi khi lại thấy nó không muốn chúng tôi can dự nhiều vào chuyện ăn uống và dạy dỗ con trai của nó. Nhưng cháu đã biết gì, mới 5 tuổi, thử hỏi 5 năm nay không có ông bà thì nó vứt con nó ở đâu, hay lại phải nhờ bà ngoại, hay phó thác cho ô - sin hở chị? Khoảng 6 tháng nay nó đưa về một bà giúp việc mặt lạnh như tiền, khiến không khí gia đình rất ngột ngạt.

Chúng tôi thường ít khi nói chuyện nhà với con trai mỗi khi nó về qua. Nhà không rộng, thêm người làm, con trai nhỏ của chúng tôi đã xin vào ký túc xá ở. Nó nói nó muốn tự do, chừng nào thèm ăn quá thì cuối tuần về. Cái chính là nó muốn chúng tôi có điều kiện để tưng tiu cháu nội, niềm vui tuổi già của chúng tôi. Nhưng rồi tôi thấy mình không còn là bà chủ nữa mà đã chuyển vai trò cho cô con dâu lắm tiền này. Chúng tôi muốn nghe ý kiến của chị về những giải pháp có lợi cho cả hai bên để chúng tôi có một đại gia đình hạnh phúc.

Xin phép chị tôi không nêu tên và địa chỉ

Chị thân mến!

Tôi hay nghĩ ngợi về chuyện mẹ chồng nàng dâu mặc dù cô con dâu duy nhất của tôi ở xa tôi gần 200 cây số. Tại sao chúng ta quá nặng lòng với vấn đề này? Sự thật khắc nghiệt hay đó là do nỗi ám ảnh truyền đời? Sao ở các nước văn minh tây phương con người không mất tâm sức lắm về việc mẹ chồng với con dâu?

Tôi có người mợ sống ở Paris có con dâu người Pháp. Bà đã 90 tuổi mà vẫn ở một mình trong căn hộ giữa trung tâm, mỗi tuần con trai bà đến với bà một ngày. Có nói gì bà cũng không chịu về ở với con và dâu. Vậy đó, họ chọn sự tự do tuyệt đối. Tôi cũng biết nhiều gia đình Việt Nam ta 3 thế hệ chung nhà, mẹ và dâu như hai người bạn, rất ăn ý hòa hợp. Đó là nhờ bà mẹ góa từng là cán bộ, có lương hưu, không phải ăn bám, nhờ con dâu thuần nội trợ, tề gia, nội tướng, khiến bà hài lòng mà nữ quyền của cô này cũng không ghê gớm. Tôi cũng không xa lạ gì cảnh nàng dâu tấn bố mẹ chồng vào một góc, như hai kẻ ăn hại. Nói chung thiên hình vạn cảnh, có tại cả đôi bên mà cũng có khi tại may rủi nữa. Tôi thấy chuyện có dâu giống với chuyện đi mua sầu riêng, ngửi thì nghe thơm nhưng về bóc ra mới biết bên trong thế nào.

Tôi nghĩ, nhà anh chị không đủ rộng như cô dâu muốn thiết kế cuộc sống của người hiện đại: tức nhà phải có nhiều tầng ít phải chạm mặt nhau và nhất thiết phải có chỗ để nuôi người giúp việc. Và chắc chắn vì lương cao và có khi gia thế bên cô ta cũng cao nên mới đòi hỏi như thế. Nếu đấy là một cô dâu hiền, một con người quan niệm vững chắc về hôn nhân, nhà chồng và tiền bạc thì đã không có những biểu hiện khiến chị khó nói ra. Dân gian có câu, dâu nào chả chua, có điều mình có chịu được chua hay không mà thôi.

Có những gia đình dần dần được cha mẹ chồng trao quyền cho dâu nhưng chắc chắn đó phải là nàng dâu ngọt, dâu hiền, dâu đức độ. Nếu anh chị còn khỏe mạnh thì nên cho con dâu ra riêng (ở được gần nhau thì tiện) và mình chỉ chăm chút từ xa, khi cần. Cô ta sẽ sống như bao người, đi làm, con cái có người giúp việc phụ lo, lúc con đau ốm thì có ông bà để nhờ vả, vậy là đủ. Khi đã thử năm sáu năm nay mà con dâu của chị vẫn không thể hòa hợp với mình thì nên tính sớm. Anh chị còn con trai út, hãy lo cho nó và biết đâu lại sống được với con dâu tương lai này. Bằng không nữa thì lại ra riêng, tìm một chỗ nào đó vừa túi tiền mà cũng vừa để con nó ở bên cạnh mình, thế là vẹn vẻ, đúng không chị?

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Người tiêu dùng thông minh và nhà sản xuất thông thái

Người tiêu dùng thông minh dường như là một mỹ danh hơi khiên cưỡng, nếu cộng đồng không có hành động cần thiết để hình thành những nhà sản xuất thông thái.

Sản nghiệp riêng sa sút làm sao góp tài sản chung hôn nhân?

Sản nghiệp riêng của mỗi người luôn là một yếu tố đáng cân nhắc kỹ lưỡng, khi mong muốn có được cuộc hôn nhân thực sự xứng đôi vừa lứa.

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất