| Hotline: 0983.970.780

Hoa mắt vì vàng bạc châu báu

Thứ Ba 05/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

Bạn sẽ hoa cả mắt vì những tấm thảm kiểu Hồi, những “cây đèn thần” và đèn treo đủ hình thù nạm đá lấp lánh, những hộp đựng đồ trang sức óng ánh, những khung ảnh khảm bạc, những bát đĩa “Nghìn lẻ một đêm” sặc sỡ.../ Istanbul! Istanbul!

Thực ra trục đại lộ Ordu (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) không chỉ có một tên. Trục đường dài chia làm ba chặng lần lượt là đại lộ Millet, Ordu và Divanyolu. Càng về phía bờ biển Sừng Vàng tức Divanyolu thì không khí càng sầm uất.

Bạn sẽ hoa cả mắt vì những tấm thảm kiểu Hồi, những “cây đèn thần” và đèn treo đủ hình thù nạm đá lấp lánh, những hộp đựng đồ trang sức óng ánh, những khung ảnh khảm bạc, những bát đĩa “Nghìn lẻ một đêm” sặc sỡ đủ sắc màu bày bán trong hàng ngàn tiệm đồ lưu niệm sắp hàng ở mặt đường.

Vào khu chợ Grand Bazaar (chỉ mở cửa đến chập tối), còn thêm một thứ gây lóa mắt nữa là vàng. Các tiệm kim hoàn ở nơi nào trên thế giới cũng chỉ bày đồ trang sức điểm xuyết trong những tủ kính kín đáo bên trong tiệm, và nếu không ở những trung tâm thương mại lớn thì cũng cách biệt trong một quầy hàng sang trọng.

Còn người Thổ bày vàng trong tiệm bình dân ngoài chợ, lại còn chất kín những ô kính lớn phô ra mặt tiền để ai cũng được thấy rõ mà thèm muốn.

Những bộ complex có trọng lượng vài cây vàng xếp lúc lỉu như mẹt ở chùa Hương. Mà dễ có đến hàng trăm tiệm vàng giăng hàng như vậy, đến nỗi một cậu trong nhóm chúng tôi tưởng vàng giả, vàng nhái, vàng mỹ ký. Tôi bảo vàng thật trăm phần trăm. Chúng tôi cãi vã kịch liệt giữa chợ. Người này chê người kia nhà quê không biết nhìn vàng.

Sau điên tiết lên, phải cá cược bằng cách vờ vào mua hàng và hỏi giá bộ complex có kiểu dáng sành điệu nhất. Người bán hàng niềm nở chào đón khách sộp bằng giá hời 6.800 euro một món hàng và cho xem hết thứ nọ đến thứ kia, món nào cũng vài ngàn euro.

Tôi đóng vai người phiên dịch, bảo cậu bạn tôi muốn mua chiếc nhẫn Ruby này để tặng bạn gái, nhưng cậu ta chê mặt đá bị sứt sẹo, cô bạn gái ở nhà sẽ không hài lòng. Mắt liếc nhìn người cá cược một cách giễu cợt đắc thắng, tôi bỏ ra ngoài mặc cậu ta hứng nỗi ngượng với người bán hàng vì chẳng chóng thì chày ông ta sẽ hiểu được cậu rỗng túi thế nào.

Tôi nháy mắt khuyên cậu với một vẻ đáng ghét nhất có thể tạo ra được: Nếu người ta hỏi “Where are you from?” thì cứ bảo “I’m from China” nhé. Tội vạ đâu Trung Quốc chịu.

Ừ thôi hiểu lầm cũng phải, có ở đâu người ta bày vàng cả mớ như thế. Nhà mình nghèo nên một chiếc nhẫn bé xíu đã quý, nhìn người xứ Thổ chất vàng như núi lại cứ ngỡ họ lừa mình. Ở thành phố này, mọi thứ vẫn cứ giữ nguyên như thời đế chế Ottoman còn ngự trị, cái thuở những đoàn lạc đà chở các nữ nô xinh đẹp xuyên qua lãnh thổ Ba Tư, Ai Cập, Ả Rập, cái thời mà các thương nhân Ý cần mẫn đi theo con đường tơ lụa từ bờ Địa Trung Hải rồi ghé qua Thổ Nhĩ Kỳ trên đường thiên lý tới Hàng Châu.

Thuở châu Âu vẫn còn heo hút, cư dân thưa thớt, vàng ngọc thừa ế, nay dân số tăng đột biến, vàng được dùng để đầu cơ mà dân ngồi chợ Bazaar vẫn bày vàng như cả ngàn năm trước. Ngay cả ông lão đánh giày ở Istanbul cũng rất cổ xưa với chiếc gile và mũ chỏm thêu chỉ vàng. Chiếc bàn đánh giày đồ sộ sơn nhũ đựng bộ dụng cụ bằng đồng kỳ lạ.

Ông ta còn cắm thêm hai lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ tí xíu nữa. Quả là một ông lão đánh giày của nhà vua. Khách hàng nào được ngự trên chiếc ghế cao ngất như quầy bar, chân đặt lên dụng cụ bằng đồng bóng loáng cũng tưởng đâu mình là Sultan của Ottoman.

Grand Bazaar là một trong những khu chợ lớn nhất và cổ xưa nhất thế giới (được xây dựng từ năm 1455-1460) với nhiều cổng vào, 61 đường chợ và 3.000 cửa hàng, lưu lượng khách mỗi ngày có khi lên tới 400.000 nên ít ai tìm được lối ra trùng với lối đã vào. Khu chợ này càng thêm nổi tiếng khi xuất hiện trong một bộ phim của điệp viên 007.

Ở Istanbul cũng còn nhiều chợ cổ khác. Ngay lối vào căn hộ mà tôi thuê tạm gần đường Ordu cũng có một Bazaar với những ki ốt cổ xưa lùm lùm bằng đá, giờ được ốp kính vào cho phù hợp với dân kẻ chợ hiện đại. Những sân trong huyền bí được tận dụng làm nơi bán cà phê nhưng vẫn giữ nguyên không khí của một thời xưa cũ. Muốn biết người Thổ thế kỷ 15 buôn bán thế nào và không khí ra sao thì rất nên thử vào các Bazaar.

Một thứ rất nên mua khi đến Thổ Nhĩ Kỳ là đồ da. Da Thổ được xuất đi khắp châu Âu. Người Thổ may đồ da đẹp hơn người Ấn Độ và bán rẻ hơn người Trung Quốc. Áo da có màu sắc đa dạng và giày da nhẹ bỗng như giày vải bán nhiều ở các tiệm mặt phố Ordu.

Cũng giống như Ấn Độ, đến Thổ Nhĩ Kỳ tôi ít gặp phụ nữ. Phụ nữ chẳng có việc gì mà phải ra đường. Buôn bán, kiếm tiền đã có đàn ông lo.

Mua sắm thì thời trang có mỗi vài kiểu dành cho người Hồi, hà cớ gì phải mua lắm. Đi chơi thì chờ đấy đã, lúc nào chồng xong việc sẽ dẫn đi. Các xe điện vì thế đầy nhóc nam giới, trong Grand Bazaar thì độc mỗi đàn ông đứng bán hàng, thấy phụ nữ đi qua họ cười khúc khích, dấm dúi nhau kiểu ngường ngượng giống trai làng.

Họ cũng tán gái như chảo chớp với những ngôn từ bóng bẩy và sến mắc cười: Oh I can’t believe in what I see (Ôi tôi không thể tin được mình đang nhìn thấy gì đây). Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước nửa Âu nửa Á, và đây là một trong những bằng chứng, cách hành xử kiểu đàn ông châu Á, từ vẻ mặt hớn hở ngộ nghĩnh cho đến cách bắt chuyện làm quen.

Một nơi nữa mà bạn có thể thỏa sức ngắm những vật dụng nạm đá quý xa xỉ là bảo tàng trong cung điện Topkapi. Tôi đã từng sững sờ vì những vương miện nạm kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo khổng lồ, những quyền trượng khảm đá lấp lánh ở bảo tàng điện Kremli (Mátxcơva), nhưng đá quý ở cung điện Topkapi còn gây sửng sốt hơn nữa.

Sự xa hoa của một vương quốc Hồi giáo, đế quốc Ottoman huyền thoại đã hiển hiện qua những vật dụng còn sót lại: Không chỉ vương miện mà tất cả những cây đèn, bìa sách, khay trà, chuôi kiếm, hoàng bào đều nạm ngọc ngà châu báu. Một bảo tàng đầy những bảo vật xa xỉ, một di sản khổng lồ mà bạn phải mất cả ngày mới nghiên cứu được từng món.

Tôi không có khả năng xem hết vì thiếu thời gian và phải chờ đợi những dòng người luôn xếp hàng đông đúc ở bất cứ điểm tham quan nào trong thành nội Istanbul.

Ngày nay nhiều người tôn thờ sức mạnh của các dân tộc lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… mà hầu không để ý đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với đội bóng Galatasaray ít khi thắng cuộc trong các mùa giải quốc tế. Lần lại quá khứ thì đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đã tồn tại một cách vững chãi từ năm 1299 đến 1923. Và sự bền bỉ đáng kinh ngạc của một đế chế hùng mạnh không chỉ thể hiện ở chiều dài lịch sử mà còn ở diện tích thống trị rộng lớn từ bán đảo Balkan cho đến phía nam Địa Trung Hải và bờ biển bắc Phi với gần 30 quốc gia là Hy Lạp, Bulgary, Hungary, Rumani, Albani, Nam Tư cũ, Armenia, Gruzia, Ukraina, Syria, Ai Cập, Kuwait, Liban, Jordan, Israel, Tuynidi, Sudan, Libya, Algeri, Iraq, Yemen, đảo Sip, Maroc…

Đến thế kỷ 16, 17 thì đế quốc Ottoman đã trở thành một trong những quyền lực mạnh nhất thế giới. Sự hùng mạnh của đế chế Ottoman còn hiển lộ qua những chiếc hoàng bào.

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất