Thôi thì tôi sẽ bắt đầu bằng thịt nướng. Chỉ đơn giản vì việc đầu tiên khi tới bất cứ thành phố nào là phải nghiên cứu vấn đề thực phẩm, giá cả và khẩu vị. Quan trọng lắm, có thực mới vực được đạo.
Nhưng đến Istanbul thì chẳng cần phải tìm hiểu nhiều vì mùi thơm lừng của thịt nướng luôn tỏa ra từ mọi ngóc ngách của đại lộ Ordu. Bất cứ đâu trong khu vực Ordu đều có thể tìm thấy Kebab.
Hồi mấy năm trước, ở Việt Nam có tiệm Kebab đầu tiên với chiếc xe đẩy đặt ngay trước cửa Viện Goethe, Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Sau đó Kebab nhân rộng ra khắp nơi nhưng không phải chỗ nào chất lượng cũng như nhau.
Cùng là một súc thịt lợn khổng lồ xiên que và được nướng lửa bằng cách trục xiên sẽ tự quay tròn quanh một cái lò dọc rực hồng, người ta phải dùng một con dao dài sắc lẻm để xẻo mỏng từng miếng thịt cho vào bánh mì kẹp, nhưng phần lớn các nơi thịt chẳng hề được thơm ngon như Viện Goethe, bánh mì cũng là thứ để lâu chứ không tươi như cây Kebab Viện Goethe.
Kebab cũng là món khoái khẩu của tôi nên ngay khi khứu giác vừa chạm mùi thịt nướng trên đại lộ Ordu đã vội thấy ứa nước miếng, nghĩ bụng Kebab Thổ thì ngon phải biết, giá lại rẻ, đâu chừng vài chục ngàn tiền Việt là được một bữa với đĩa thịt đầy và miếng bánh mì bự tổ chảng. Nhưng sau thấy mình nhầm.
Rồi rồi, giờ thì tôi có thể hùng hồn kết luận: Bánh bao ăn ở Bắc Kinh (Trung Quốc) không ngon bằng mua trên phố Lương Văn Can (Hà Nội), Tom Yum Talay ăn ở Bangkok (Thái Lan) không ngon bằng nhà hàng Sawadee Lý Thường Kiệt (Hà Nội), kim chi ăn ở Seoul (Hàn Quốc) không ngon bằng tôi tự làm, sushi cá hồi ăn ở Tokyo (Nhật Bản) không ngon bằng ra phố Bà Triệu (Hà Nội) và giờ thì Kebab ở Istanbul muôn ngàn lần chẳng thể so sánh với Kebab Viện Goethe.
Tất cả là do khẩu vị ẩm thực khi du nhập sang một nước khác đã được thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với người địa phương, còn món chính gốc thì ăn chẳng nổi đâu.
Thứ nhất là thịt nướng Kebab của mình ngon vì nó được bắt lửa từ những súc thịt mông lợn ngon nhất. Có lẽ chẳng thịt nào nướng lên ngon bằng thịt heo, nhưng người Hồi lại không ăn bò, không ăn lợn, chỉ cừu và gà.
Ôi cái vị cừu mới hoi làm sao, và những chú gà tây Turkey nhạt nhẽo biết chừng nào. Thịt nướng không được kẹp với bánh mì tươi giòn tan mà đặt trên đĩa, bên cạnh bày một miếng bánh dai đến độ chỉ dành cho những người răng khỏe.
Cần phải nói thêm để giải thích cho quý vị, những người luôn cho rằng việc chê ẩm thực nước ngoài là do tôi chẳng biết lối mà ăn, có khi lê la quán xá bình dân nên mới ra nông nỗi vậy, rằng thì là tôi đã thử Kebab ở hơn chục nhà hàng ở Istanbul, từ vỉa hè cho đến cao cấp thì đều cùng một loại bánh mì dai nhách như vậy. Đó mới là khẩu vị yêu thích của người Thổ.
Chỉ riêng một đoạn ngắn ở đại lộ Ordu đã có hàng trăm tiệm Kebab, và người Istanbul ăn bất di bất dịch một thực đơn là thịt nướng, bánh mì (cơm) và một chút bắp cải sống thái chỉ trộn hành tây. Đó được coi như cơm bình dân của người Thổ.
Các món ăn chơi cũng rất đa dạng, đó là cả một thế giới ẩm thực đường phố. Đầu tiên là kẹo. Các tiệm kẹo xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những súc kẹo dẻo đủ màu sắc được đun nóng và cô đặc từng tảng khổng lồ bằng cái xô, từ đó người bán sẽ cắt thành từng miếng dài, rồi tiếp tục thành miếng bé xíu.
Kẹo được xếp vào khay gỗ như sushi Nhật. Nhìn muốn ứa nước miếng. Vị của nó nhang nhác mè xửng và giá khá đắt. 15USD được một hộp kẹo nhỏ xíu. Kẹo Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới và nó được bán ở nhiều nước châu Âu chứ không riêng gì quê hương bản quán.
Tác giả (trái) mua kẹo mạch nha 5 màu
Thứ hai là kem. Đây mới là món đặc biệt nhất của người Thổ. Nếu bạn cứ tôn thờ kem Ý thì quả là sai lầm, vì kem Thổ mới là ngon nhất thế giới. Không những ngon mà kem Thổ còn đi kèm với nghệ thuật bán kem, tạo thành một nét văn hóa đặc sắc.
Tôi đi nhiều nước châu Á hay thấy ông bán kem người Thổ đặt xe kem ở các khu phố đi bộ. Ông ta mặc áo gile màu boóc đô và đội mũ chóp cùng màu kiểu Thổ, áo sơ mi trắng, quần đen. Ông ta không chỉ bán kem mà còn múa kem.
Hôm đến khu phố đi bộ Istiklal ở Istanbul tôi gặp vô khối cậu bán kem trẻ măng cũng mặc trang phục này. Đó là đồng phục truyền thống của những người bán kem có chung tổ nghiệp.
Trước hết kem Thổ Nhĩ Kỳ là độc nhất vô nhị, vì nó dai dai khó tả chứ không tan chảy tức thì ngay khi bạn vừa chạm môi vào, và rất đa dạng các mùi vị đặc trưng của đồ ăn Hồi. Thứ nữa, người bán sẽ làm cho bạn thỗn mặt trước khi lấy tiền từ trong ví bạn.
Người bán kem Thổ có một thanh gậy kim loại dài dùng để cẩu súc kem từ thùng lên rồi múa xoay tròn. Do kem Thổ rất dai và khó tan chảy với một công thức làm kem bí truyền nào đó khác hẳn khái niệm về kem truyền thống của toàn bộ cư dân trên thế giới mà người bán kem có thể để cả tảng kem lên gậy rồi múa tròn, điệu nghệ như anh đầu bếp thành Rome (Ý) biểu diễn với thẻo bột làm bánh pizza, anh bán cơm rang ở Quảng Châu (Trung Quốc) quăng vèo mớ cơm lên trời rồi giơ chảo đỡ hay chàng bartender ở hộp đêm Manhattan tung hứng với bình lắc cocktail theo điệu nhạc.
Người bán kem Thổ vừa vung vẩy tảng kem vừa hò hét để thu hút sự chú ý. Nào nào, khi khách đã bị đôi chân tò mò kéo đến trước xe kem thì bây giờ mời quý vị thưởng thức món kem tuyệt ngon này. Vị này, vị này, vị này nữa nhé, anh chàng Thổ chỉ vào ba thùng kem màu sắc khác nhau.
Trong lúc khách đang gật đầu một cách ngớ ngẩn thì anh ta nhanh như cắt xắn một miếng kem cho vào chiếc ốc quế rồi dúi vào tay khách. Khách giơ tay ra cầm nhưng rồi ngơ ngác thấy trong tay mình chỉ còn mỗi cây ốc quế còn kem thì biến đi đằng nào. Kem ngon đâu rồi? Anh chàng ảo thuật đã thoắt rút lại bằng liễn múc kem rồi. Thôi đây trả, anh ta ấn sát vào miệng khách.
Theo phản xạ khách há miệng ra nhưng rồi lại ngẩn tò te vì viên kem đã biến sang chiếc ốc quế của ông khách bên cạnh. Khách kinh ngạc liếc nhìn thì ừ đây nhé, tôi đền viên khác, thoắt cái đã lại thấy chiếc ốc quế của mình đầy kem.
Vừa làm ảo thuật với những viên kem, anh ta vừa hò vừa hét, vừa gõ vào ba chiếc chuông treo trên nóc xe, vừa liến thoắng luôn miệng, khoa chân múa tay làm ảo thuật cho kem hiện ra biến đi khiến người lớn trẻ con cứ đần thộn ra trước xe kem như lũ trẻ quê lần đầu xem xiếc, rồi phá lên cười. Xong. Ai cũng có kem ăn rồi nhé, giờ thì tôi tính tiền. 10 Lira đưa đây, bạn ăn những ba vị kem kia mà. Nhẩm nhẩm tính tính.
Những hơn trăm ngàn nhà tớ kia à, sao kem vỉa hè mà đắt thế, nhưng kem chứ có phải giày dép đâu mà đòi trả lại. Thôi đành vậy, cậu làm trò ảo thuật cậu móc túi tôi. Nhưng khi vừa nếm miếng kem đầu tiên thì khách đã định mua thêm vài cây kem nữa để… làm quà cho những người ở nhà chưa bao giờ thưởng thức kem Thổ.