Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Năm, 15/5/2025 21:17 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Hoa loa kèn trúng đậm

Thứ Năm 17/04/2014 , 22:52 (GMT+7)

Mỗi sào, trừ chi phí, hoa loa kèn cho lãi từ 30 - 40 triệu đ. Đặc biệt, loài hoa này không tốn công chăm sóc, ít bệnh hại, sinh trưởng mạnh.

Mới bám rễ trên đồng đất Mê Linh (Hà Nội) 2 vụ, nhưng cây hoa loa kèn đã đem lại lợi nhuận tương đối cao cho nông dân. Mỗi sào, trừ chi phí, hoa loa kèn cho lãi từ 30 - 40 triệu đ. Đặc biệt, loài hoa này không tốn công chăm sóc, ít bệnh hại, sinh trưởng mạnh.

Đã từ lâu hoa loa kèn được coi là loài hoa đặc trưng của tháng Tư ở Hà Nội. Từ những cánh đồng, con phố, các cơ quan công sở đâu đâu cũng có sắc hoa loa kèn. Đương nhiên, Mê Linh - thủ phủ hoa của Hà Nội không thể vắng bóng loài hoa này.

Tuy vậy, diện tích hoa loa kèn tại đây chưa nhiều. Con đường dọc các xã Mê Linh, Tiền Phong (huyện Mê Linh), lác đác những thửa ruộng trắng muốt của hoa loa kèn. Trên thực tế, người dân mới đem loài hoa này về trồng được hai vụ. Nhưng giá trị kinh tế mà nó đem lại khiến chính những người trồng hoa phải bất ngờ.

Trên thửa ruộng rộng gần 3 sào, gia đình anh Lê Văn Tuyến, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh đã quyết định chuyển đổi từ cây hoa hồng sang hoa loa kèn. Để trồng giống hoa này, anh Tuyến phải nâng cao nền ruộng, lên luống, tránh tình trạng úng ngập vào mùa mưa bão. Điều này là bắt buộc, bởi theo anh Tuyến, hoa loa kèn là loài ưa khô ráo, nếu bị úng ngập trong vài ngày, cây sẽ thối củ và chết.

Tiền mua đất tôn cao nền ruộng mỗi sào hết khoảng vài triệu đồng. Đồng thời, công tác vệ sinh diệt trùng đất cũng được tiến hành, ngăn ngừa các loại sâu bệnh hại tấn công. “Vừa làm đất, vợ chồng tôi kết hợp bón phân luôn. Mỗi sào hết khoảng 10 kg cả lân và kali là đủ”, anh Tuyến cho biết.

Mỗi luống hoa đánh cách nhau khoảng 40 - 50 cm, mỗi gốc trồng cách nhau 30 cm. Bên cạnh làm đất, chọn giống cũng là khâu hết sức quan trọng. Chị Huệ, vợ anh Tuyến cho biết, hiện tại quanh vùng chưa có nơi nào bán giống hoa này. Hộ nào muốn trồng hoa loa kèn đều phải về tận Nam Định để mua cây giống. Giá cây giống từ 1.500 - 2.000 đ/cây.

Theo chị Huệ, nguồn cung cây giống ở Nam Định khá dồi dào, giá cả ổn định. “Giá cây giống phụ thuộc vào chất lượng chứ không phụ thuộc vào mùa vụ. Cây trung bình thì 1.500 đ, cây nào đẹp, củ to thì 2.000 đ”. Khi trồng, chỉ nên phủ đất cho củ dày từ 3 - 4 cm. Nếu phủ quá sâu, củ khó mọc rễ, thậm chí bị thối và chết. Tất tần tật, tiền đầu tư cho mỗi sào hoa loa kèn vào khoảng 15 - 17 triệu đ. Tuy nhiên, tiền giống hoa loa kèn chỉ mất năm đầu vì có thể trồng lại được từ 5 - 6 năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, cùng thôn Hạ Lôi cho biết, gia đình chị cũng chuyển 1,5 sào hoa hồng sang trồng hoa loa kèn. Với diện tích này, năm đầu tiên, chị Hạnh thu lãi hơn 40 triệu đ. Năm nay, do không mất tiền mua giống, chị lãi được
50 triệu đ.

Thời vụ của hoa loa kèn kéo dài suốt một năm, nhưng chỉ thu hoạch trong nửa đầu tháng 4 là sạch bách. Mỗi củ giống cho từ 5 - 6 cành, chăm tốt có thể cho 10 cành. Chị Huệ cho biết, giá bán hoa loa kèn khá ổn định, không bị mất giá như rau màu. Giá bán buôn tại ruộng trung bình từ 1.000 - 2.000 đ/cành.

“Đây cho anh xem, cành này 1 bông to đẹp bán được 2.000 đ. Nhưng chúng tôi vẫn thích những cành 4 bông hơn, cũng là một cành nhưng bán được tận 6.000 đ”, chị Huệ hồ hởi.

Vào dịp thu hoạch rộ, mỗi ngày gia đình anh Tuyến, chị Huệ cắt được khoảng 2 vạn bông. Những hôm này, anh chị phải thuê thêm người cắt mới kịp. Riêng ngày rằm tháng 3 ÂL vừa qua, hộ này thu về khoảng 8 triệu đ từ tiền bán hoa. Tính sơ sơ, mỗi sào hoa loa kèn cho lãi từ 30 - 40 triệu đ.

Về giá trị kinh tế, hoa loa kèn ngang ngửa với loài hoa chủ lực của Mê Linh là hoa hồng. Nhưng hoa loa kèn có lợi thế là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, giá cả lại ổn định. Hoa loa kèn thường mắc một số sâu bệnh hại như nấm, bọ trĩ. Mùa đông, nhiệt động xuống thấp, loài hoa này có thể bị sương lạnh làm cho táp lá. Tuy nhiên, những loài sâu bệnh này có thể dễ dàng loại bỏ bằng thuốc BVTV và ít bị tái phát.

Điều quan trọng nhất trong trồng hoa loa kèn là độ ẩm, nguồn nước. Mặc dù hoa loa kèn không chịu được ngập úng, nhưng đất luôn phải được giữ ẩm 70 - 72%. Sau khi cắt bông, củ của hoa loa kèn được để lại trên ruộng 2 tháng với mục đích lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau đó, củ được dỡ về, bảo quản nơi khô thoáng. Đến tháng 10, số củ này lại được đem ra trồng lại. Tháng 4 năm sau cây lại tiếp tục cho hoa. Quá trình này kéo dài khoảng 5 - 6 năm mới phải thay giống mới.

Xem thêm
Trang trại lợn nằm trong khu dân cư, xả thải ra môi trường

THANH HÓA Nước thải phân lợn được đẩy qua cống, xả thẳng ra ao tù chứa nằm ngay trong khu dân cư thôn Xuân Quan (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là 'chìa khóa' cho sinh kế bền vững

TUYÊN QUANG Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Đánh giá diễn biến sinh trưởng lúa xuân 2025 của Nghệ An

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã kiểm tra trực tiếp tại Nghệ An nhằm đánh giá tổng quan vụ xuân năm nay, bao gồm 2.500 ha lúa không đạt kỳ vọng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 1] Chiếm hơn 30% sản lượng con giống cả nước

Ninh Thuận được mệnh danh là thủ phủ tôm giống của cả nước, bởi địa phương này có 460 cơ sở sản xuất và chiếm hơn 30% sản lượng tôm giống toàn quốc.

Thực hiện chiến lược lâm nghiệp bền vững từ hoạt động trồng cây

Bình Dương Từ phong trào trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn mới.