Hiệu quả từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên Huế
(TN&MT) - Thời gian qua, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện vô cùng hiệu quả, qua đó giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống bền vững và an toàn. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải Minh (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

PV: Xin ông cho biết, vài nét về phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” mà tỉnh phát động?
Ông Hoàng Hải Minh: Thời gian qua, Thừa Thiên Huế luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bằng việc đầu tư nguồn lực kiến tạo hạ tầng, cây xanh, bãi cỏ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây dựng cầu đường, nạo vét kênh mương…; cùng với đó, phát động nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vệ sinh môi trường của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, còn xảy ra tình trạng ô nhiễm, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường.
Kể từ năm 2019, UBND tỉnh đã phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.
“Ngày Chủ nhật xanh” đã được nhiều nơi, nhiều tầng lớp khơi dậy mạnh mẽ, rộng rãi; trở thành phong trào chống ô nhiễm môi trường có sức lan tỏa cực kỳ lớn, được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cũng như Bộ TN&MT biểu dương. Chưa bao giờ người dân Huế lại đồng lòng và hưởng ứng mạnh mẽ như vậy trong một phong trào do chính quyền phát động, từ già đến trẻ nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, từ tầng lớp tri thức đến những người nông dân… Tất cả đã hòa quyện trong một nhận thức chung, tiếng nói chung của người dân Huế là bảo vệ môi trường.

PV: Phong trào đã mang lại những gì trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân?
Ông Hoàng Hải Minh: “Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một nếp sống đẹp, dần xây dựng ý thức, thói quen của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, phong trào vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức linh hoạt, quy mô phù hợp với tình hình góp phần làm sạch môi trường gắn với công tác phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, tất cả các phường xã, các đơn vị cơ sở đều xây dựng kế hoạch thực hiện nhiều việc làm cụ thể như xử lý các điểm đen về ô nhiễm, vớt bèo khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển, bóc tách quảng cáo rao vặt sai quy định, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, tổ chức trồng cây xanh... Cứ cuối tuần, từ các huyện miền núi xa xôi như A Lưới, Nam Đông đến những huyện vùng biển như Phú Lộc, Phú Vang, người dân tất cả các lứa tuổi đều tham gia phong trào một cách tích cực.
Nhiều chương trình, cuộc vận động đã lan tỏa ở các địa phương, trong đó có phong trào “tổ dân phố không rác”, “thôn làng không rác”, “xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “tuyến đường không túi ni lông, không rác thải”, “công sở văn minh, sạch đẹp”, “chúng ta hãy làm sạch biển”...
Việc triển khai mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa” cũng được các cơ quan, địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện với nhiều mô hình và cách làm sáng tạo mang lại giá trị cao, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng như: mô hình trồng hoa bằng lốp xe ô tô; xây dựng bệnh viện xanh, cơ quan, công viên xanh…
Đến nay hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp, các hiệp hội khách sạn và đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đã tiên phong, gương mẫu, đi đầu không sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Các cuộc thi viết, sáng tác ca khúc... về phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” cũng được tỉnh phát động và được hưởng ứng rất mạnh mẽ.

PV: Thời gian đến, để duy trì, lan tỏa và đi vào chiều sâu hơn, tỉnh sẽ duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” như thế nào?
Ông Hoàng Hải Minh:
Từ khi ra đời đến nay, tỉnh xác định đây là một phong trào lâu dài để góp phần vào mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.
Để tiếp tục triển khai có chiều sâu, lan tỏa phong trào, tháng 3 vừa qua, tỉnh đã làm lễ phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2023. Tỉnh đã đề nghị các huyện, thị xã, TP. Huế cần xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa phương. Rà soát, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đồng thời, tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt đến tổ dân phố, thôn, bản tổ chức dọn vệ sinh môi trường vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, gắn với tiêu chí đánh giá việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Tổ dân phố không rác”, “Tuyến đường văn minh, sạch, đẹp”...
Phong trào không chỉ đơn thuần là hoạt động tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải… mà điều quan trọng nhất là góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc xây dựng tư duy “sống xanh” và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, quan điểm của Thừa Thiên Huế vẫn là quyết liệt, đồng bộ và kiên trì về phong trào này.