| Hotline: 0983.970.780

Ngày không sử dụng túi nilon: Hành động nhỏ góp phần giảm ô nhiễm nhựa

Thứ Năm 03/07/2025 , 13:15 (GMT+7)

Ngày không sử dụng túi nilon (3/7) lan tỏa thông điệp tiêu dùng bền vững, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần từ chuỗi bán lẻ.

Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đang được sử dụng phổ biến bởi tính tiện lợi và giá rẻ. Tuy nhiên, hệ lụy môi trường mà chúng để lại vô cùng dai dẳng: làm nghẽn dòng chảy sông ngòi, đe dọa sinh vật biển, gây hại sức khỏe con người và gia tăng chi phí xử lý rác...

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon. Ảnh: Hoàng Hiền.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon. Ảnh: Hoàng Hiền.

Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đã trở thành thách thức toàn cầu, Việt Nam đang hành động quyết liệt hơn để giảm thiểu chất thải nhựa, bắt đầu từ việc thay đổi hành vi tiêu dùng hàng ngày.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon 3/7, chiến dịch “Ngày không sử dụng túi nilon tại Việt Nam năm 2025” chính thức được phát động với thông điệp xuyên suốt “Phân loại nhanh - Mua sắm xanh - Giảm rác thải”.

Chương trình do Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, với sự phối hợp của Unilever Việt Nam, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE), Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và đặc biệt là hệ thống các nhà bán lẻ lớn như LOTTE Mart, Central Retail, AEON Việt Nam, MM Mega Market, Coopmart và TH true mart.

Chiến dịch năm nay tập trung trực tiếp vào hành vi tiêu dùng tại siêu thị - nơi gắn bó mật thiết nhất với người dân đô thị. Khách hàng đến LOTTE Mart có thể tham quan các gian hàng túi mua sắm tái sử dụng; tại AEON Việt Nam, người tiêu dùng được mời chia sẻ ý kiến tại cây thông điệp và tham gia trò chơi tương tác về rác thải nhựa; Coopmart triển khai các hoạt động Sắm xanh - Refill xanh - Tự mang túi; TH true mart trưng bày triển lãm ảnh về môi trường để truyền cảm hứng bảo vệ hành tinh.

Đặc biệt, vào cuối tháng 7/2025, phiên thảo luận “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành bán lẻ” sẽ được tổ chức với sự tham gia của Central Retail Việt Nam và các đối tác đồng hành. Sự kiện không chỉ tổng kết kết quả chiến dịch, mà còn thảo luận sâu về việc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào chuỗi cung ứng, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và thúc đẩy các chính sách xanh trong ngành bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết bài toán rác thải nhựa, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ. Đặc biệt, Ngày Quốc tế không sử dụng túi ninlon 3/7 đã trở thành dịp để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh, sạch và bền vững hơn.

“Muốn giảm rác thải, chúng ta phải bắt đầu từ việc phân loại. Muốn thay đổi hành vi, cần bắt đầu từ nơi gắn bó mật thiết nhất với người tiêu dùng - đó là các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Thông điệp ‘Phân loại nhanh - Mua sắm xanh - Giảm rác thải’ không chỉ là khẩu hiệu mà là lời kêu gọi hành động mỗi ngày", ông Nguyễn Trung Thắng nhấn mạnh.

Nhiều chương trình khuyến khích khách hàng mang theo túi môi trường, túi vải cá nhân khi mua sắm nhằm giảm lượng túi nilon. Ảnh: Hoàng Hiền.

Nhiều chương trình khuyến khích khách hàng mang theo túi môi trường, túi vải cá nhân khi mua sắm nhằm giảm lượng túi nilon. Ảnh: Hoàng Hiền.

Trong các đơn vị đồng hành, LOTTE Mart nổi bật là một nhà bán lẻ tiên phong. Từ năm 2019, đơn vị này đã triển khai Chiến dịch “Tôi hành động - Bạn cũng thế”, thành lập góc “Sống xanh”, lắp đặt máy thu hồi chai nhựa và đẩy mạnh truyền thông về tiêu dùng bền vững. Từ đầu năm 2025, LOTTE Mart triển khai tính năng phiếu thanh toán điện tử thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy, tiết kiệm đáng kể lượng giấy xả ra môi trường. Chương trình “Hành động nhỏ - Thay đổi lớn” cũng đang được đẩy mạnh để khuyến khích khách hàng mang theo túi môi trường khi mua sắm.

Các đơn vị bán lẻ khác như AEON, Central Retail, Coopmart hay TH true mart cũng đang từng bước tích hợp tiêu chí môi trường vào quy trình kinh doanh, góp phần định hình lại hành vi tiêu dùng của cộng đồng. Thay vì chỉ mua bán, các siêu thị giờ đây đóng vai trò là nơi người dân tiếp xúc, học hỏi và thực hành các hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các hoạt động truyền thông và khuyến khích vẫn cần đi kèm cơ chế chính sách cụ thể. Muốn việc phân loại rác tại nguồn trở thành thực chất, cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng và đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái chế, thu gom. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh, kiểm soát chặt sản phẩm nhựa dùng một lần và thúc đẩy tiêu dùng tuần hoàn cần được hoàn thiện nhanh chóng.

Từ một chiếc túi nilon đơn giản, vấn đề đặt ra không chỉ là vật liệu hay thiết kế, mà là cách chúng ta tiêu dùng và thải bỏ. Nếu mỗi hành động nhỏ được thực hiện hàng ngày, tại nơi gần gũi nhất – siêu thị, cửa hàng – thì đó sẽ là cú hích để tạo nên xã hội tiêu dùng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và kiến tạo một nền kinh tế tuần hoàn thực chất.

Xem thêm

Bình luận mới nhất