Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hoan nghênh Cam kết Sevilla - văn kiện kết quả của Hội nghị quốc tế lần thứ Tư về Tài chính cho phát triển (FfD4), coi đây là một bước tiến quan trọng hướng tới một hệ thống tài chính toàn cầu bền vững và toàn diện hơn. Tuy nhiên, WWF đồng thời cảnh báo rằng nếu không khẩn trương tăng cường đầu tư tài chính cho thiên nhiên, cả những cam kết trong văn kiện này lẫn các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc sẽ khó thành hiện thực.
Bà Rebecca Stringer, Giám đốc Đối tác khu vực công của WWF, nhấn mạnh: “Không thể xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, nước sạch hay xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không bảo vệ và phục hồi môi trường, cũng như thừa nhận vai trò gìn giữ thiên nhiên của người bản địa và cộng đồng địa phương”.

WWF đánh giá cao việc Cam kết Sevilla trong việc đảm bảo nguồn lực bền vững cho thiên nhiên. Ảnh: WWF.
Theo bà, Cam kết Sevilla đã đặt nền móng quan trọng, nhưng chính phủ và các thể chế tài chính cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh - Montreal.
Các bằng chứng khoa học và kinh tế hiện đã chỉ rõ, hơn 58 nghìn tỷ USD (tương đương hơn một nửa GDP toàn cầu) hiện đang phụ thuộc vừa hoặc nhiều vào các dịch vụ từ thiên nhiên. Và chuyển đổi sang một nền kinh tế tích cực với thiên nhiên có thể mở ra 10 nghìn tỷ USD cơ hội kinh doanh mỗi năm và tạo ra gần 400 triệu việc làm đến năm 2030.
WWF đánh giá cao việc Cam kết Sevilla đề cập đến một số tiến trình toàn cầu như Lộ trình “Baku đến Belém” trong khuôn khổ UNFCCC hay Hiệp định WTO về trợ cấp ngành thủy sản. Tuy nhiên, WWF cho rằng văn kiện vẫn chưa đủ mạnh mẽ trong việc kêu gọi chấm dứt các khoản trợ cấp gây hại, và chưa thể hiện rõ sự cấp thiết trong huy động nguồn tài chính mới cho thiên nhiên.
Do đó, WWF kêu gọi các quốc gia thành viên, tổ chức tài chính và đối tác phát triển: tích hợp đầy đủ các giải pháp thuận thiên và khả năng chống chịu khí hậu vào chương trình tài chính phát triển; cam kết huy động nguồn tài chính mới, bổ sung cho thiên nhiên, đặc biệt là tại các quốc gia dễ bị tổn thương; đảm bảo các chính sách và khoản đầu tư phù hợp với lộ trình phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi kinh tế tích cực và toàn diện với thiên nhiên; tạo điều kiện để cộng đồng địa phương và người bản địa được tiếp cận trực tiếp với nguồn tài chính bảo vệ thiên nhiên.