![]() |
Những tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 đều được lắp đặt những trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt và bảo đảm an toàn cho tàu cá. |
Giữa năm 2011, tôi có dịp theo tàu cá mang số hiệu BĐ 94439 TS của ngư dân Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đi đánh bắt ngoài biển Đông. Vào thời điểm ấy mà chiếc tàu cá vỏ gỗ của ông Ái có chiều dài đến 26m, rộng 7m và có công suất 900CV đã là “khủng” lắm. Trên tàu lại được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt khiến tôi càng ngưỡng mộ hơn.
“Bây giờ đã qua cái thời nhìn gió nhìn mây nhìn sóng để đi biển. Muốn đánh bắt hiệu quả và an toàn, tàu của mình phải được trang bị máy móc hiện đại”, tài công Nguyễn Minh Vương (con trai ông Ái), chia sẻ.
Anh Vương chỉ vào chiếc máy định vị vệ tinh có gắn hải đồ được gắn trước bánh lái, giải thích thêm: “Máy định vị vệ tinh có gắn hải đồ giúp mình xác định hướng đi, vị trí của tàu hiện tại đang ở đâu và tốc độ của con tàu đang chạy.
Máy còn lưu lại những quãng đường con tàu đã đi qua và xác định khoảng cách nơi mình cần đến với vị trí tàu của mình đang đứng. Còn ra đa thì giúp mình quan sát quanh tàu của mình trong đêm tối.
Gặp lúc trời mưa bão, tầm nhìn bị hạn chế, nếu có tàu khác chạy gần hoặc có chướng ngại vật phía trước, trên màn hình ra đa sẽ hiện lên những chấm trắng như hạt gạo, đó là chướng ngại vật. Có ra đa tài công yên tâm vận hành con tàu dù trong điều kiện trời tối hoặc thời tiết xấu”.
Những năm gần đây, những tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 còn được trang bị nhiều máy móc hiện đại hơn. Ví như tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99252 TS của ngư dân Võ Thế Dư ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát).
Trên tàu của anh Dư được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, như: Máy định vị hải đồ, thiết bị giám sát hành trình, ICOM băng tần cao. Tàu của anh Dư còn được lắp đặt ra đa hàng hải.
Trong quá trình khai thác thủy sản, thiết bị này giúp phát hiện các mục tiêu di động, cảnh báo sớm, tránh va chạm bất ngờ như tàu thuyền, phát hiện và cảnh báo sớm các vật thể có thể gây mất an toàn cho tàu như rạn đá ngầm, doi cát, xác tàu trôi.
![]() |
Máy định vị vệ tinh có gắn hải đồ trên tàu cá vỏ gỗ BĐ 94439 TX của ông Nguyễn Văn Ái ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định). |
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, các thiết bị mới, hiện đại, mà ra đa là một điển hình, mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, hiện số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị này vẫn chưa nhiều, phần lớn chỉ có các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 là đã trang bị. |
Ông Dư cho biết: “Ở vùng khơi, mật độ tàu thuyền lưu thông trên biển rất cao. Để di chuyển trong đêm, tàu cá rất cần trang bị ra đa hàng hải.
Gặp khi thời tiết xấu, có sương mù giăng đầy, tầm quan sát của tài công bị hạn chế, có máy ra đa dẫn đường đỡ lo lắm. Khi phát hiện các tàu vận tải hoặc tàu cá khác đi gần tàu mình, hệ thống ra đa sẽ phát hiện từ xa và ra tín hiệu cảnh báo, giúp mình điều khiển tàu tránh né kịp thời, không để xảy ra va chạm”.
Ra đa hàng hải còn giúp ngư dân rất nhiều trong hoạt động đánh bắt, nhất là nghề lưới vây ánh sáng. Ngư dân Trương Hoài Đức, chủ tàu cá vỏ composite số hiệu BĐ 99992 TS, ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Đặc thù của nghề lưới vây ánh sáng là hoạt động ban đêm, nên việc di chuyển, đánh bắt rất dễ bị vướng lưới, chồng lưới. Nhờ có ra đa, tôi lắp đặt nhiều phao tiêu phát tín hiệu trên dàn lưới để ra đa hiển thị các phao giữ lưới trên màn hình.
Khi đó mình sẽ kiểm soát tốt dàn lưới, dễ dàng phát hiện các tàu thuyền di chuyển qua lại trên khu vực tàu mình đang thả lưới để hạn chế tình trạng bị mất lưới hoặc lưới bị đứt do vướng vào tàu khác. Ngoài ra, tôi còn lắp thêm máy đo nước trên tàu để đo dòng hải lưu”.