| Hotline: 0983.970.780

Harvard và chính quyền ông Trump đối đầu tại tòa án

Thứ Hai 21/07/2025 , 20:21 (GMT+7)

Ngày 21/7, Đại học Harvard kêu gọi thẩm phán liên bang đề nghị chính quyền ông Trump ngừng cắt kinh phí nghiên cứu, khôi phục 2,5 tỷ USD tài trợ.

Đại học Harvard yêu cầu Tòa án Liên bang tại Boston ra phán quyết buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump khôi phục khoản tài trợ nghiên cứu trị giá khoảng 2,5 tỷ USD đã bị cắt, đồng thời chấm dứt các hành động hạn chế tài chính đối với ngôi trường hàng đầu nước Mỹ. Phiên điều trần được xem là một bước ngoặt trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nhà Trắng và Harvard.

Harvard là trường đại học danh tiếng đầu tiên công khai phản đối các yêu cầu từ Nhà Trắng. Ảnh: Grace DuVal.

Harvard là trường đại học danh tiếng đầu tiên công khai phản đối các yêu cầu từ Nhà Trắng. Ảnh: Grace DuVal.

"Hàng trăm dự án nghiên cứu - bao gồm cả nghiên cứu về ung thư, bệnh truyền nhiễm và Parkinson - có nguy cơ bị đình trệ nếu phán quyết không đứng về phía Harvard", Trường đại học cảnh cáo.

Là đại học lâu đời và có tiềm lực tài chính mạnh nhất nước Mỹ, Harvard trở thành tâm điểm trong chiến dịch sử dụng nguồn tài trợ liên bang, gây sức ép buộc các trường đại học phải thay đổi định hướng học thuật và quản trị. Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc các trường đại học lớn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “bài Do Thái” và “kích động bạo lực”.

Theo tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Harrison Fields, chính quyền ông Trump sẽ không dung túng tư tưởng bài Do Thái hay chính sách đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI) cực đoan; không vi phạm pháp luật; và bảo vệ đầy đủ quyền tự do dân sự cho mọi sinh viên.

Hiệu trưởng Đại học Harvard Alan Garber cảnh cáo hàng trăm dự án nghiên cứu có nguy cơ bị đình trệ nếu phán quyết không đứng về phía Harvard. Ảnh: Harvard Crimson.

Hiệu trưởng Đại học Harvard Alan Garber cảnh cáo hàng trăm dự án nghiên cứu có nguy cơ bị đình trệ nếu phán quyết không đứng về phía Harvard. Ảnh: Harvard Crimson.

Trước đó, Washington DC đã hủy bỏ nhiều khoản tài trợ nghiên cứu dành cho Harvard với lý do không thực hiện đủ hành động để bảo vệ sinh viên Do Thái trước các hành vi quấy rối. Tổng thống Mỹ tiếp tục đưa ra loạt biện pháp gây sức ép, từ việc đe doạ thu hồi quyền tuyển sinh quốc tế, công nhận chất lượng đào tạo, đến việc cáo buộc Harvard vi phạm luật dân quyền liên bang, nhằm mở đường cho việc cắt thêm tài trợ.

Ngoài ra, theo một đạo luật thuế và chi tiêu mới được Tổng thống Trump ký ban hành, mức thuế liên bang áp lên thu nhập từ quỹ tài sản của Harvard đã tăng mạnh từ 1,4% lên 8%. Với 53 tỷ USD tiền quỹ, Harvard dự kiến sẽ phải nộp thêm khoảng 200-266 triệu USD mỗi năm. Quỹ này hiện đóng góp khoảng 40% ngân sách vận hành thường niên của trường.

"Các động thái liên tiếp từ chính quyền ông Trump kể từ tháng 1 đến nay có thể khiến trường thiệt hại gần 1 tỷ USD mỗi năm, buộc phải cắt giảm nhân sự và ngừng tuyển dụng", Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber cho biết.

Phía Harvard đã và đang triển khai các biện pháp nhằm tạo môi trường thân thiện hơn với sinh viên Do Thái và Israel, đặc biệt sau làn sóng chỉ trích liên quan đến phản ứng của trường trong bối cảnh chiến tranh giữa Israel và Hamas tại Gaza. Tuy vậy, Chủ tịch Garber cho rằng các yêu cầu từ chính quyền đã đi quá xa và vượt khỏi vấn đề chống bài Do Thái. "Chính quyền đang can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự chủ học thuật, bao gồm việc kiểm soát ai được giảng dạy và ai được tuyển dụng", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tin rằng Harvard cuối cùng sẽ phải “nhượng bộ”. Phát ngôn viên Fields hôm thứ Sáu cho biết một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi là điều hoàn toàn khả thi, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Harvard rồi sẽ ủng hộ tầm nhìn của Tổng thống.

Tại tòa, phía chính quyền lập luận rằng Thẩm phán Boston không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Đồng thời nhấn mạnh các hợp đồng tài trợ đã nêu rõ: nếu dự án không đáp ứng các mục tiêu chính sách của chính phủ liên bang, khoản tài trợ có thể bị rút lại bất cứ lúc nào.

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất