| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng sẽ đầu tư lớn để khắc chế ngập lụt đô thị

Thứ Tư 23/04/2025 , 09:51 (GMT+7)

Hiện nay, người dân khu vực trung tâm TP Hải Phòng đang phải đối diện với nguy cơ ngập lụt mỗi khi trời mưa lớn với 16 'điểm đen', chưa được xử lý dứt điểm.

Giải pháp chưa theo kịp thực trạng

Hải Phòng nằm trong khu vực ven biển có địa hình khá bằng phẳng, cốt nền hiện trạng tương đối thấp và được bao bọc bởi 6 con sông lớn: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình và sông Hóa nên hệ thống thoát nước Hải Phòng chịu ảnh hưởng của chế độ thủy, hải văn.

Tình trạng ngập lụt trong khu vực đô thị không còn hiếm tại Hải Phòng những năm gần đây. Ảnh: Đinh Mười.

Tình trạng ngập lụt trong khu vực đô thị không còn hiếm tại Hải Phòng những năm gần đây. Ảnh: Đinh Mười.

Khi mưa lớn, triều cường sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước của thành phố. Với hệ thống thoát nước như hiện nay, việc tiêu thoát nước của khu vực đô thị trung tâm chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước với các trận mưa khoảng 50mm.

Số liệu theo dõi của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho thấy, trước đây tần suất các trận mưa trên 100mm diễn ra khoảng 2-3 năm/1 lần. Khoảng 3 năm trở lại đây, tần suất xuất hiện các trận mưa lớn trên 100mm diễn ra thường xuyên hơn, trong 1 năm có tối thiểu 2 trận mưa trên 100mm, cá biệt có các trận mưa trên 200mm. Kết hợp với đó là nước triều cường, lũ từ thượng lưu đổ về đã gây nên hiện tượng ngập lụt trên diện rộng.

Không thể phủ nhận những nỗ lực đáng kể của TP Hải Phòng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập lụt trong khu vực đô thị những năm gần đây. Đơn cử như việc đầu tư vào các trạm bơm quan trọng như: Ba Tổng, Thượng Lý, Nam Sông Cấm, cùng với việc nâng cấp các trạm bơm hiện hữu như Máy Đèn, Vĩnh Niệm,… Qua đó đã nâng tổng công suất bơm tiêu nước mưa lên 34,82 m³/s. Công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến cống, mương trọng điểm như: Trại Lẻ, An Kim Hải cũng được duy trì.

Sự quan tâm đầu tư này đã nâng khả năng ứng phó thiên tai lên đáng kể, nhiều khu vực được cải thiện rõ rệt với những con số biết nói. Tại nhiều khu vực, chiều sâu ngập trung bình đã giảm từ 50-100cm xuống còn 20-60cm, thời gian rút nước sau mưa cũng được rút ngắn từ 4-8 tiếng xuống còn 2-4 tiếng trong giai đoạn từ 2021 đến nay.

Hải Phòng hiện nay còn tới 16 điểm đen ngập lụt trong đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng hiện nay còn tới 16 điểm đen ngập lụt trong đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, về tổng thể, bài toán ngập lụt cơ bản vẫn ngổn ngang khi toàn thành phố còn tới 16 “điểm đen”, cứ mưa lớn là ngập, thậm chí có nơi không mưa cũng ngập khi có triều cường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về các giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề này.

Vừa qua, tại cuộc làm việc với Sở Xây dựng Hải Phòng liên quan đến khảo sát chuyên đề về công tác xử lý nước thải, tiêu thoát nước đô thị, ông Phạm Văn Khanh - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hải Phòng đã thẳng thắn chỉ ra: “Công tác tiêu thoát nước và xử lý nước thải của thành phố còn nhiều bất cập, khó khăn; sự đầu tư nguồn ngân sách chưa xứng tầm, không đáp ứng yêu cầu thực tế”.

Khẳng định này của ông Khanh rất đúng và trúng vì đây chính là điểm nghẽn cốt lõi trong việc xử lý ngập lụt đô thị của TP Hải Phòng thời gian qua. Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tình trạng bê tông hóa gia tăng trong khi không gian trữ nước tự nhiên bị thu hẹp. Không những thế, hệ thống hạ tầng thoát nước tại Hải Phòng vốn dĩ đã có nhiều hạn chế do lịch sử để lại và chưa có sự đầu tư tương xứng đã dẫn đến hoạt động quá tải và kém hiệu quả.

Hiện nay, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý tại Hải Phòng chỉ đạt khoảng 40,7%, trong đó riêng nhà máy Vĩnh Niệm đã chiếm tới 20%, đây là một con số đáng báo động. Điều này không chỉ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải.

Từ ứng phó đến thích ứng

Nhận diện rõ những bất cập này, Sở Xây dựng Hải Phòng đã đề xuất các hướng giải quyết mang tính tổng thể, dài hơi, bên cạnh các giải pháp tình thế trước mắt. Đầu tiên, đó là phải tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, phát huy vai trò của hồ điều hòa, đề xuất chế tài xử lý vi phạm và đặc biệt là khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý hệ thống để tránh gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả điều hành.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu song song với tình trạng ngập lụt đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu song song với tình trạng ngập lụt đô thị. Ảnh: Đinh Mười.

Về dài hạn, cần có những dự án mang tầm chiến lược. Cần đẩy nhanh tiến độ dự án phát triển TP Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu và dự án phát triển bền vững khu vực Đông Nam thành phố giai đoạn 2026-2030.

Quan trọng hơn, 13 dự án mới (4 dự án thoát nước, 9 dự án xử lý nước thải) với tổng kinh phí dự kiến lên tới 7.506 tỷ đồng đang được nghiên cứu đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.

Những dự án “khủng” như: Cải thiện vệ sinh môi trường phía Đông (1.400 tỷ đồng) với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tách riêng và nhà máy xử lý nước thải Hồ Đông (70.000 m³/ngày đêm); dự án thu gom, xử lý nước thải cho thành phố Thủy Nguyên (1.196 tỷ đồng); hay xây dựng trạm xử lý nước thải Vĩnh Niệm giai đoạn 2 (600 tỷ đồng)... được xem sẽ là những giải pháp mang tính căn cơ để giúp Hải Phòng giải quyết bài toán thoát nước và xử lý nước thải.

Có thể nói, con số hơn 7.500 tỷ đồng cho 13 dự án là một con số không hề nhỏ. Do vậy, ngoài việc huy động đủ và kịp thời nguồn lực này, cần quan tâm đến tiến độ và chất lượng công trình để các dự án đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “đội vốn”, chậm trễ như một số dự án hạ tầng đã gặp phải.

Mặt khác, quy hoạch thoát nước và chống ngập tích hợp cần có tầm nhìn dài hạn, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu, xem xét các giải pháp phi công trình như: Bảo vệ không gian xanh, mặt nước và áp dụng các mô hình đô thị bền vững để thực sự giải quyết được vấn đề một cách tổng thể. Tránh trường hợp di dời các “điểm đen” ngập lụt từ nơi này sang nơi khác.

Cùng với đó, cần khắc phục sự chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm quản lý và vận hành hệ thống thoát nước là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả đầu tư và duy trì sự bền vững của các công trình.

Việc xử lý dứt điểm 16 “điểm đen” ngập lụt và nâng cấp toàn diện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải không chỉ là giải quyết một vấn đề dân sinh bức xúc, mà còn là tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của thành phố Cảng trong tương lai.

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Tái sinh túi ni lông thành không gian triển lãm đô thị

Hơn 50.000 túi ni lông đã qua sử dụng được 'hô biến' thành mái che nghệ thuật, trưng bày tại Triển lãm Top 10 Awards Pavilion.

Thanh Hóa đảm bảo thu gom xử lý chất thải y tế

Việc xử lý chất thải nguy hại được ngành y tế Thanh Hóa chú trọng nhằm giảm thiểu tác động tới sức khỏe và môi trường.

Phát triển công nghệ đo đạc, bản đồ và viễn thám bắt kịp xu thế mới

Khoa học đo đạc, bản đồ và viễn thám phải trở thành động lực then chốt giúp Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu và có bước tiến vững chắc trong tương lai.

Điện Biên dự kiến còn 45 đơn vị hành chính cấp xã

Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Điện Biên sẽ giảm từ 129 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 đơn vị hành chính cấp xã.