Hội thảo “GS Bùi Huy Đáp - Cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sáng 2/11.
“Giáo sư có tài năng tổng hợp đáng nể. Từ những yếu tố kỹ thuật rời rạc, từ những sự kiện nhỏ, ông tổng hợp thành một chủ trương có tầm cỡ chiến lược”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Lúa xuân - cuộc cách mạng xanh
Đầu những năm 1960, Bùi Huy Đáp và cộng sự đã nhận ra rằng các giống lúa Xuân cao cây hiện có thời ấy đều cho năng suất cao hơn lúa chiêm truyền thống. Ông đề xuất phong trào nông dân làm ruộng thí nghiệm ở 2 tỉnh Nam Hà và Thái Bình. Kết quả là năm 1966, Hải Hậu trở thành huyện đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha và Thái Bình thành tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc.
Năm 1968, Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng việc nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới (IR8) để hình thành vụ lúa Xuân và mở thêm vụ Đông ở miền Bắc nước ta.
Năm 1971, ông đề nghị cho mở rộng vụ lúa Xuân ra toàn miền Bắc, làm mạ khay, mạ sân chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ. Thời gian SX lúa Xuân được rút ngắn lại, số ngày dư ra cho phép tăng thêm vụ Đông.
Thành công của “Lúa Xuân - vụ Đông” chính là những yếu tố mới làm thay đổi cấu trúc kinh tế ngành nông nghiệp cuối thập kỷ 1960, tiền đề của tái cấu trúc nông nghiệp hiện nay.
Theo PGS.TS Trịnh Khắc Quang, quyền Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: “Lịch sử ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi ghi công GS Bùi Huy Đáp đã đi tiên phong và ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc cách mạng nghề trồng lúa ở nước ta”.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ lúa Xuân gặp không ít rủi ro năm thì ấm, năm thì lạnh. “Nhưng nếu chúng ta sử dụng kiến thức của GS Bùi Huy Đáp đối với lúa Xuân, đó là: giống ngắn ngày, mạ non, gieo cấy sau tiết lập xuân thì các vấn đề của vụ lúa này đều được giải quyết một cách có hiệu quả”, PGS.TS Trịnh Khắc Quang khẳng định.
Vị Tổng biên tập mẫu mực và việc truyền bá khoa học
Khi làm Vụ trưởng Vụ Khoa học, GS Bùi Huy Đáp cho ra đời 3 ấn phẩm là Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp khổ lớn, 1 tháng/ kỳ, phục vụ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và tờ khổ nhỏ, 2 kỳ/tháng phục vụ cho bà con nông dân, tờ thứ ba là Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp nước ngoài cập nhật những thông tin nông nghiệp quốc tế. Cả ba tờ tạp chí trên đều do ông làm Tổng biên tập.
Nhà báo Ngô Thời Tuyên, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, chia sẻ: “Tổng biên tập Bùi Huy Đáp yêu cầu các phóng viên phải nâng các bài tin thông tấn thành bài điều tra có chất lượng thông tin cao. Ông tự đề ra chỉ tiêu cho mình mỗi tháng nộp một bài bút ký hoặc tùy bút”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “GS Bùi Huy Đáp - Cuộc đời và sự nghiệp”
Và ông đã thực hiện nghiêm chỉnh điều này. Trong đó, bài bút ký “Lá cờ đỏ sao vàng bên sông Bến Hải” của GS Bùi Huy Đáp viết nhân chuyến đi công tác ở Đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Bình) khiến ông Ngô Thời Tuyên nhớ mãi.
GS Bùi Huy Đáp (1919-2004) sinh tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định). Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp kỹ sư Nông nghiệp trường Đại học Nông lâm Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Tổng thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha Nông chính, Viện trưởng Viện Trồng trọt, Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông lâm, Giám đốc trường Đại học Nông lâm, Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước… GS Bùi Huy Đáp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). |
“Bùi Huy Đáp còn là nhà phổ biến khoa học không mệt mỏi”, đó là phát biểu của GS.TS Nguyễn Tử Siêm, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông và Khuyến lâm.
GS.TS Nguyễn Tử Siêm nhớ lại: Ngoài các tác phẩm lớn của ông mang tính chuyên khảo, ông cũng có những bài báo ngắn gọn, súc tích với ngôn ngữ dân giã dễ hiểu cho nông dân. Lứa nghiên cứu viên sau này chịu ảnh hưởng mạnh lối tư duy biện chứng của ông, cách đặt vấn đề, biện luận, kết luận rất logic, cho dù là quy nạp hay diễn dịch. Đọc lại các tác phẩm của ông từ loại kinh điển cho đến nhật báo, có thể học ở ông rất nhiều về cách chuyển tải, tính thuyết phục khoa học và văn phong trong sáng.
Ông có công lớn trong việc sáng lập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp - một nguyệt san chính qui đầu tiên từ năm 1962, đến nay đã qua hơn 50 năm, là một tạp chí chuẩn mực về nông nghiệp giới thiệu cập nhật các thành tựu nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Bài của Tạp chí được tóm tắt bằng 4 thứ tiếng Việt, Pháp, Trung và Nga để tiện trao đổi quốc tế. Vào những năm 1960 - 1990, đây là chỗ hiếm hoi có thể đăng tải các công trình nghiên cứu nông nghiệp một cách trọn vẹn.
Giản dị trong đời thường nhưng GS Bùi Huy Đáp rất nghiêm khắc trong việc viết lách. Tôi nhớ mãi lần đăng bài đầu tiên trên tạp chí này khi GS Bùi Huy Đáp còn là Tổng biên tập. Nội dung bài báo về các hợp chất mùn cơ trong đất nhiệt đới ẩm Việt Nam của tôi thực ra đã được đăng trên tạp chí “Thổ nhưỡng” Nga, do bà M.M. Kononova, nhà khoa học hàng đầu thế giới về chất hữu cơ đất, thẩm định.
Tặng bài này cho Tiến sĩ O. G. Chertov, chuyên gia đất rừng từ Việt Nam trở về, ông bảo: “Anh qua được cửa ải này à, bản thảo của tôi sửa mãi mà bà ấy chưa cho qua đấy”. Về nước tôi đăng ở Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chỉ là tóm tắt. Lần đầu là giao thiệp qua biên tập viên, bản thảo được trả lại với vô số câu hỏi của Tổng biên tập, về sửa lại, lần hai sửa tiếp, đến lần ba đem cả tài liệu thô, trực tiếp thuyết trình với Tổng biên tập Bùi Huy Đáp rồi bài mới được đăng. Cái sự cẩn trọng của ông mà tôi chứng kiến nhắc nhở tôi trong suốt hơn 40 năm qua mỗi khi cầm bút viết hay thẩm định bản thảo của người khác.
Ảnh hưởng mang tầm vóc quốc tế
Không chỉ đứng ở vị trí hàng đầu về Nông nghiệp trong nước, ảnh hưởng của GS Bùi Huy Đáp còn có tầm vóc quốc tế, mặc dù ông làm việc trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, hợp tác với nước ngoài còn rất hạn chế và công nghệ tin học chưa mấy phát triển.
“Năm 1980, khi nghiên cứu chất hữu cơ đất lúa ngập nước ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), tôi gặp một nghiên cứu viên người Pháp cùng bộ môn Hóa học đất dưới sự chỉ dẫn của Giáo sư F.M. Ponnamperuma. Anh ấy bảo: “Tôi đọc Bùi Huy Đáp, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc,… trên Études Vietnamiennes rồi, mấy chục năm trước Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang châu Phi, nay có những chuyên gia lúa tầm cỡ như Bùi Huy Đáp, mà lại thiếu ăn đến mức phải nhập bột mì là sao, vô lý, vô lý!”. Tôi thấy đắng lòng, không trả lời được, đành chỉ nói theo “Đúng là vô lý!”, GS.TS Nguyễn Tử Siêm chia sẻ.
Kết thúc tham luận của mình, TS Nguyễn Thế Yên, Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nêu đề xuất: GS Bùi Huy Đáp xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động với những đóng góp của ông dành cho Nông nghiệp. Ý kiến này được đông đảo các nhà khoa học đồng tình. |