| Hotline: 0983.970.780

Gặp Mắt Bét, người kể chuyện Phan Rang bằng máy ảnh

Thứ Năm 01/05/2025 , 15:38 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp và Môi trường giới thiệu cuộc phỏng vấn với nhiếp ảnh gia Mắt Bét, người chụp ảnh để kết nối với con người, thiên nhiên và quê hương.

Nhiếp ảnh gia Mắt Bét sinh năm 1995, hiện sinh sống và làm việc giữa TP.HCM và Phan Rang.

Nhiếp ảnh gia Mắt Bét sinh năm 1995, hiện sinh sống và làm việc giữa TP.HCM và Phan Rang.

Điều gì là nguồn cảm hứng cho chị trong công việc nhiếp ảnh?

Sinh ra và lớn lên ở Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận, lúc đi xa hay về gần, tôi luôn nhớ về những yếu tố tự nhiên ở đây, nắng gió, cái nóng, khô, nước biển, mặt trời.

Những khi nói chuyện với nông dân, mình thấy rất thoải mái vì cảm thấy nét bình dân trong cuộc sống. Sự mộc mạc đó đan xen với văn hóa của một cộng đồng, hệ sinh thái  thiên nhiên bản địa. Đây là những tài nguyên có sẵn và được các vùng nông thôn Việt Nam giữ gìn, truyền lại cho tới bây giờ.

Mình quan tâm đến câu chuyện về con người và quê hương. Gần đây, mình thực hiện dự án về những hạt muối biển Phan Rang. Tấm hình Núi muối, chụp tháng 10/2022, là kết tinh của những yếu tố mình luôn nhớ nhung. Núi Muối cao hơn 6 mét, bên trong là những lớp muối thô, bên ngoài được phủ bạt, cố định bằng vô số bánh xe cao su buộc lại với nhau để giữ bạt khỏi những con gió mạnh, bảo vệ lớp muối bên trong khỏi nắng và mưa.

Quá trình làm ra muối là quá trình cộng hưởng của con người và thiên nhiên. Nước biển bốc hơi dưới nắng và gió, kết thành những hạt muối thô. Phan Rang có độ mặn nước biển cao, lượng mưa thấp, nắng lớn và nhiều gió, nên là địa phương sản xuất muối thô hàng đầu trên cả nước.

Muối trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của các yếu tố tự nhiên quê nhà, của những gì gần gũi mà mình luôn hướng về khi ở xa. Việc ghi lại quá trình làm muối, đối với mình, không chỉ là hành động quan sát, mà còn là cách mình trực tiếp “hình ảnh hóa” mối liên kết này.

Tôi không nghĩ mình là người sáng tạo, theo kiểu tạo ra cái gì đó mới mẻ hay làm khác đi hoàn toàn. Mình thiên về việc nhìn sâu, nhìn kỹ vào những thứ dễ bị bỏ quên, rồi diễn giải lại nó theo cách để mình (và người khác) dễ cảm được hơn. Với mình, khả năng rung cảm trước con người, sự vật, hiện tượng là một phần năng lực của mình.

Núi Muối được bọc phủ bởi tấm bạc lớn và dằn lại bằng nhiều bánh xe và dây dù. Ảnh: Mắt Bét. 

Núi Muối được bọc phủ bởi tấm bạc lớn và dằn lại bằng nhiều bánh xe và dây dù. Ảnh: Mắt Bét. 

Cảnh quan thiên nhiên ở quê nhà đã và đang ảnh hưởng thế nào tới góc nhìn nhiếp ảnh của chị?

Mình nghĩ cảnh quan quê nhà thực sự ảnh hưởng đến thực hành nhiếp ảnh của mình, một cách tự nhiên và quen thuộc âm thầm trong những quan sát. Sinh ra và lớn lên ở Phan Rang, nơi nắng, gió, biển, và sự khô cằn trở thành một phần xung quanh, mình thực hành nhiếp ảnh với nhiều cảm nhận, gần gũi và thân mật, hình ảnh có thể trở thành một sự tiếp xúc vô hình, như tự nhiên luôn tồn tại xung quanh.

Khi quan sát và chụp ảnh, mình luôn bị thu hút bởi những chất liệu tự nhiên, sự giản dị và tính nguyên sơ của môi trường. 

Mình có xu hướng để ý đến những dấu vết, biểu tượng, những mối liên hệ lặng lẽ giữa con người và thiên nhiên, như cách một chiếc xe bị rỉ sét bên đồng muối, hay những lớp muối thô được bao bọc, chở che khỏi nắng gió bằng những vật liệu quen thuộc, những biểu tượng tự nhiên trở thành hình ảnh tượng trưng cho một câu chuyện lớn hơn. 

Cảnh quan quê nhà không chỉ ảnh hưởng về mặt hình ảnh, mà còn ảnh hưởng tới cách tiếp cận của mình đó là sự kiên nhẫn, sự đào sâu quan sát lâu dài và thấu cảm với những điều rất nhỏ của đời sống.

Chú Long, thợ làm muối ở Phan Rang, nghỉ ngơi giữa lúc làm việc, 2025. Ảnh: Mắt Bét.

Chú Long, thợ làm muối ở Phan Rang, nghỉ ngơi giữa lúc làm việc, 2025. Ảnh: Mắt Bét.

Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình chị tìm đến nhiếp ảnh và hành trình khám phá công cụ này?

Mình là người tự học, không qua đào tạo chuyên ngành về nghệ thuật hay nhiếp ảnh. Mình bắt đầu chụp ảnh hồi năm hai đại học, xuất phát từ nhu cầu bộc lộ bản thân, bày tỏ cảm xúc. 

Khi còn là sinh viên, mình gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc của chính mình. Mình từng không biết đang cảm thấy gì, cũng không rõ nguồn gốc những cảm xúc ấy từ đâu mà đến. Cảm giác ấy mơ hồ, ngột ngạt, và để tìm cách giải tỏa, mình tìm đến nhiếp ảnh. 

Qua nhiếp ảnh, mình học cách giao tiếp, kết nối với chính mình. Việc chụp ảnh cũng gắn liền với hành trình tìm hiểu và chăm sóc đời sống tâm lý của bản thân. Khi hiểu rõ hơn về những nhu cầu, mối quan tâm của mình, nhiếp ảnh trở thành công cụ phản chiếu con người mình. 

Xâu chuỗi lại, các dự án nhiếp ảnh như những mắt xích nhỏ, nối lại thành một sợi chỉ xuyên suốt hành trình cá nhân của mình.

Khi nhìn lại, mình nhận ra lý do mình bắt đầu chụp ảnh, ngoài nhu cầu bộc lộ cảm xúc cá nhân, còn có sự thôi thúc muốn giải tỏa những cảm xúc chất chứa bên trong. 

Mình đã có một tuổi thơ quá hạnh phúc, quá đẹp. Được chơi đùa ngoài vườn, được dành thời gian bên ba mẹ. Khu xóm nhỏ rộn ràng mỗi chiều tụi trẻ con quây quần chơi dưới tán cây. Được sinh hoạt với cộng đồng ở nhà thờ mỗi Chủ nhật hằng tuần, tham gia các sự kiện vào buổi tối.

Đó thực sự là một địa phương mà những yếu tố thiên nhiên, con người đã in sâu trong mình. Sau này, khi học đại học ở Sài Gòn, mình mới nhận ra mình chưa sẵn sàng để rời xa quê. Cảm giác nhớ quê luôn âm ỉ.

Nhập chú thích ảnh

Nhập chú thích ảnh

Đống muối nhỏ được cào vào lúc hoàng hôn. Ảnh: Mắt Bét.

Với chủ đề “Đất lành nở hoa” của số báo Nông nghiệp và Môi trường lần này, chị có những suy nghĩ hay cảm nhận như thế nào?

Chủ đề “Đất lành nở hoa” làm mình nghĩ đến việc kết nối lại với quê hương, cụ thể hơn là quê nhà Phan Rang - Tháp Chàm và việc kết nối lại với quê hương sau sự dịch chuyển từ quê lên Sài Gòn để học tập và làm việc, điều mà diễn ra rất phổ biến ở vùng nông thôn - dịch chuyển lên các thành phố lớn.

Mình nghĩ để “đất lành” thì cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của những người sinh sống ở đây, hay trong trường hợp của mình thì đó là sự nhận diện và quay trở lại, kết nối với nơi mình sinh ra. Ngoài sự hiện diện vật lý, “đất lành” còn là không gian nội tâm mà mình được nuôi dưỡng bởi con người và thiên nhiên.

Và “nở hoa” là trạng thái và cảm giác mình có được như sự chạm đất, bình tâm, cảm giác được yêu thương, mà chính mình là người được thừa hưởng. 

Xung quanh mình bắt đầu có nhiều hơn những người trẻ chọn quay trở lại Phan Rang - Tháp Chàm để tạo ra một cộng đồng trẻ đóng góp trở lại cho nơi này bằng những dự án về nghệ thuật, các mô hình kinh doanh mới và các hoạt động gìn giữ môi trường hay quảng bá du lịch địa phương.

Mình nghĩ sự dịch chuyển này rất cần thiết và là một phần của quá trình tái cân bằng giữa các khu vực, giúp giảm tải cho các đô thị lớn đang đối mặt với vấn đề quá tải và mất cân bằng kinh tế. Khi những người trẻ quay lại quê hương, họ không chỉ góp phần phát triển cộng đồng địa phương mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và văn hóa bền vững cho cả vùng.

(ghi)

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp C1 Đông Nam Á

Tối 30/4, CLB Công an Hà Nội đánh bại PSM Makassar (Indonesia) với tỷ số 2-0 để giành vé vào chung kết Cúp C1 Đông Nam Á 2024/2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Check-in Sa Đéc dịp lễ: Đắm chìm trong thiên đường hoa và trải nghiệm dân dã

Đồng Tháp Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã chuẩn bị chu đáo để đón du khách với nhiều điểm du lịch hấp dẫn và không gian hoa kiểng đặc sắc.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.