
Đua thuyền trên sông Bến Hải - sự kiện thường được tổ chức vào dịp Ngày hội thống nhất non sông 30/4 hàng năm. Ảnh: Dương Minh Tuấn.
Quảng Trị giờ đây không còn pháo bắn, đạn cày nát đất. Không còn tiếng máy bay phản lực Mỹ xé toang không gian yên tĩnh của bầu trời. Không còn tiếng OV10 ong ong rền rĩ suốt ngày soi mói, săn lùng mục tiêu thả đạn khói cho các loại máy bay ném bom hủy diệt. Và cũng không còn pháo sáng nổ lụp bụp hằng đêm…
Quảng Trị giờ đây khoác lên mình màu xanh của rừng, là ánh điện lung linh rạng rỡ trải từ thành phố về các làng xã nông thôn mới. Không còn dấu vết vùng đất bị hủy diệt hơn 50 năm trước với loang lổ cát trắng, đất đỏ, hố bom, rào gai, xe nhà binh ồn ã, loạn xạ thời chiến tranh. Không khí ấy, không gian ấy khiến tôi bỗng nhớ tới một câu thơ của nhà thơ Tế Hanh hơn 60 năm trước: "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị".
Quả là, sau 50 năm trở lại, Quảng Trị đã tràn ngập màu xanh. Trời xanh đã đành, còn rừng xanh, đồng xanh. Song, vì là một chuyến đi ngắn nên không thể nói đủ, nói nhiều mà chỉ xin điểm qua mấy thứ.
Thứ trước tiên là cây rừng "đặc sản" như rừng mai cổ thụ ở Hướng Hóa tồn tại cả trăm năm. Mai Hướng Hóa, mai rừng Mai Lĩnh mang sắc vàng lóng lánh cao sang thanh khiết rực nở vào mùa xuân vàng ươm cả một dải đất, soi bóng xuống thượng nguồn dòng Thạch Hãn tạo nên một khung cảnh trữ tình thơ mộng.
Nét đặc sắc của loại mai này là sau khi đã rụng hết cánh thì ở đài hoa lại chuyển sang sắc đỏ khiến người ta ngỡ ngàng, tưởng như có một thứ hoa khác thế vào. Lại có một loại rừng cây sau sau thân gỗ cũng thuộc Hướng Hóa, gần hồ thủy điện Quảng Trị mang sắc xanh nhưng chỉ một thời gian lại chuyển sang màu đỏ. Nhiều người lầm tưởng đó là cây phong đỏ. Lá cây sau sau có thể xào, nấu canh rất ngon, lại có thể dùng chữa bệnh ngoài da.
Quảng Trị còn có vùng cây ngập mặn ven biển Gio Linh và Triệu Phong, vừa góp phần tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, vừa tạo nên một vành đai xanh bảo vệ bờ biển, tránh xâm thực, xói mòn và góp phần bồi đắp cho ven bờ.

Đường đến trường - con đường nông thôn mới, ngang qua xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh: Hồ Ngọc Anh Tuấn.
Nhắc tới màu xanh Quảng Trị có lẽ phải nhắc tới màu xanh của các xã, làng, huyện nông thôn mới như ở Hải Lăng, Cam Lộ nơi tôi đi qua. Hải Lăng là huyện phía nam Quảng Trị, là vùng chiến trường xưa từng bị phá tan hoang nhưng đến năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới. Trên vùng đất một thời đạn bom cày nát ấy, giờ có đến 19 dự án kinh tế đang hoạt động.
Nhắc tới Hải Lăng không thể không nhắc tới thánh địa La Vang, một không gian hòa quyện giữa cổ kính và hiện đại, nghiêm cẩn trong đức tin, lại hồn hậu giữa cuộc sống đời thường với những món ăn dân dã mà nổi tiếng như cháo bột Diên Sanh, bánh ướt Phương Lang...
Còn huyện nông thôn mới Cam Lộ lại có nét hấp dẫn riêng. Cam Lộ có di tích Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi từ bỏ ngai vàng, chọn đất này làm nơi dấy binh tổ chức kháng chiến chống Pháp. Đến với Cam Lộ là đến với trục đường huyền thoại Hồ Chí Minh, đến với ngôi bảo tháp Giác Nhiên thờ Phật và xá lợi Phật cao vào bậc nhất nước...
Cam Lộ có nhiều đặc sản của một vùng đất nông nghiệp như chè xanh, hạt tiêu và gà. Tiêu vùng Cùa cay nồng mà dịu đậm, rất được quốc tế ưa chuộng. Chè xanh Cùa là giống chè cổ thụ thơm mát. Ngoài giá trị kinh tế, cây ở đây còn mang thông điệp hòa bình, góp phần tạo nên màu xanh cho một vùng từng là vùng đất đỏ au, sạch bóng cỏ cây vì bom đạn.
Chuyên gia nông nghiệp Lê Nguyên Hợp, cựu chiến binh Quảng Trị, đi cùng đoàn với chúng tôi say sưa giới thiệu về đặc sản gà Cùa. Gà Cùa không lớn, thường chỉ khoảng 9 lạng đến 1 cân, thịt rất thơm, ngon vì nó chỉ quen ăn giun, ăn mối. Loại gà không chịu ngủ chuồng, "ngày ăn mối, tối ngủ cây". Chính cái “nết phóng khoáng” này làm nên sự quý, giúp nhiều gia đình thành công trong mô hình chuồng trại, xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu.
Quả là 50 năm sau chiến tranh, cái bắt tay của ý chí và thời gian đã làm dịu vết thương chiến tranh, biến một vùng “đất chết” Quảng Trị, đặc biệt là vùng nông thôn - nơi làng mạc và đời sống nông dân chịu hậu quả nặng nề nhất, thành những địa phương phát triển mạnh mẽ. Cuộc sống ở nông thôn và của nông dân Quảng Trị giờ đã đổi thay hoàn toàn.
Năm 2024, nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng, trong đó 14/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt kế hoạch, GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,2 triệu đồng, ước tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52% với 2.646 hộ nghèo, cận nghèo (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,11% với 1.960 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,41% với 686 hộ)...

Du khách trong trang phục truyền thống của người Vân Kiều trải nghiệm hái cà phê Khe Sanh. Ảnh: Lân Homi.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị đã có mặt trên sàn thương mại điện tử: Tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh,... được sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên kết hợp với kỹ thuật, máy móc tiên tiến. Nông nghiệp Quảng Trị đã kết hợp với ngành du lịch để tạo ra các tour du lịch nông thôn, du lịch xanh...
Có thể nói, cùng với các địa phương trên cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã phủ lên Quảng Trị một màu xanh ấm no và một diện mạo mới, phát triển mạnh mẽ khó ngờ.
Dấu tích chiến tranh được Quảng Trị thu gọn lại, cất giữ trong các khu kỷ niệm. Âu cũng là cách làm ấm lòng những đứa con như chúng tôi đã một thời gắn bó máu thịt, xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình.
Quảng Trị của quá khứ là vùng đất đau thương nhất, ác liệt nhất trong chiến tranh. 50 năm kể từ hòa bình, trở lại vùng đất một thời chiến đấu mà lòng chúng tôi nghẹn ngào sung sướng. Những cánh rừng trơ trụi cành cây vì bom đạn và chất độc da cam nay đã xanh lá lớn cây. Những căn cứ quân sự với súng to đạn lớn gieo chết chóc nay đã là những khu dân cư sầm uất, những khu vực sản xuất công nghiệp hiện đại. Đời sống nhân dân đã đủ đầy sung túc.
Có một điều diệu kỳ trong chuyến về lại chiến trường xưa, đó là bên cạnh mắt thấy tai nghe sự đổi thay, thì kỳ tích đã diễn ra tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh Quảng Trị. Đó là khi anh bạn đi cùng đoàn chúng tôi bỗng chỉ vào một tờ giấy báo tử trong tủ trưng bày rồi thốt lên: "Ông này là bạn tôi, còn sống mà"!
Sau giây phút ngỡ ngàng sửng sốt là rưng rưng nước mắt. Tiếp theo đó sẽ là nhiều cuộc gặp, nhiều sự kết nối, xác minh thông tin. Và nếu đúng như những gì chúng tôi nghe được, thì câu chuyện về tờ giấy báo tử sẽ được viết lại với một kết cục hạnh phúc hơn.
Lê Nguyên Hợp chợt quay đi giấu ánh mắt xúc động rồi thì thầm: Một tấm giấy báo tử còn có thể được đính chính thì không nhẽ nào một vùng đất lại không thể xanh lên. Quảng Trị xanh như hôm nay âu cũng là chân lý.