| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quá, đò ơi!

Thứ Ba 29/04/2025 , 15:53 (GMT+7)

Nhớ da diết cái dáng hình thân thương của những con đò dọc, đò ngang. Nhớ tiếng gọi đò nao nao trong những buổi chiều tà…

Những ngày xưa cũ, bến sông là nơi hẹn hò quen thuộc của bao nhiêu người. Con đò không chỉ là phương tiện đi lại mà còn in dấu biết bao nhiêu kỷ niệm. Người ta đi học, đi chợ, đi làm, cả cuộc đời gắn bó với những chuyến đò dọc đò ngang ấy.

Những con đò gây thương nhớ: Nguyễn Phan.

Những con đò gây thương nhớ: Nguyễn Phan.

Mỗi lần nghe hai tiếng "đò ngang", "đò dọc", lòng tôi lại xao xuyến một nỗi niềm khó tả, một miền ký ức xa xăm mà cứ ngỡ như chuyện ngày hôm qua. Ký ức ấy ăn sâu vào con sông quê nhà, con sông Ông Đốc mênh mang, chở nặng phù sa từ rừng U Minh đổ về biển Tây.

Sông đâu chỉ là dòng nước chảy, đó là mạch sống, là con đường thân thuộc, là người bạn thầm lặng của bao thế hệ ở Cà Mau này. Cái thuở đường bộ còn gập ghềnh, cây cầu còn là ước mơ xa vời, thì mặt sông Ông Đốc chính là sân nhà, là chốn chợ búa.

Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi sớm mai, mặt sông phẳng lặng, phủ một làn sương mờ ảo. Từ xa xa, tiếng máy Kohler, tiếng động cơ D "đuôi tôm" bắt đầu rộn lên, xé tan cái tĩnh mịch của màn sương.

Đó là những chuyến đò dọc bắt đầu một ngày quen thuộc, cứ cần mẫn như con ong đi lấy mật, đưa người từ những miệt sâu, từ những xóm làng bên rừng tràm về với thị trấn Sông Đốc.

Trên khoang đò dài rộng lúc ấy là cả một thế giới thu nhỏ, đầy ắp âm thanh, hơi thở cuộc sống. Nào là dáng mẹ tần tảo với đôi quang gánh nặng trĩu rau quả vườn nhà, nào là ánh mắt trong veo, háo hức của mấy đứa em lần đầu tiên được về chợ huyện, cả những gương mặt sạm nắng, vội vã của người làm thuê cho kịp con nước. Mọi người ngồi sát bên nhau trong suốt hành trình dài, chia sẻ miếng bánh, hỏi han chuyện nhà, chuyện đồng áng, tạo nên một không khí gắn kết thân tình.

Chuyến đò dọc có khi lênh đênh cả buổi trời, nhưng dường như ai cũng mặc nhiên chấp nhận cái nhịp chậm rãi ấy, như thể chính con đò đang chuyên chở cả dòng chảy thời gian bình yên của vùng đất này.

Khác với lênh đênh đò dọc, những con đò ngang lại lặng lẽ như nhịp cầu nối liền đôi bờ thương nhớ. Chỉ cần một tiếng "Đò ơi!" vọng qua mặt nước, là bên kia bờ đã có người cầm sào đưa thuyền lướt tới. Đò ngang đơn sơ lắm, nhiều khi chỉ là chiếc xuồng ba lá mỏng manh, người chèo đò có khi là một cụ già lưng đã còng, hoặc một chị gái với chiếc nón lá che nghiêng.

Cuộc gặp gỡ diễn ra chỉ trong vài phút băng sông ngắn ngủi, nhưng gói ghém biết bao nhiêu ân tình nơi bến đợi, bến chờ. Là cô học trò kịp giờ đến trường với nụ cười bẽn lẽn, là người đi chợ sớm không lỡ phiên chợ đông đúc, là bà cháu về thăm ngoại ở bên kia sông với gánh quà mỏng.

Bến đò ngang vì thế mà cũng trở thành điểm neo đậu của ký ức, nơi người ta ngồi lại đôi chút bên gốc bần, gốc mắm già, ngắm con nước lên xuống, đợi chờ nhau, trao đổi vài câu chào hỏi, cập nhật tin tức nhỏ nhặt của xóm làng mà lòng thấy bình yên lạ thường giữa cuộc sống hối hả.

Sông Ông Đốc ngày ấy vừa hào phóng, vừa lắm khi dữ dằn. Những ngày nước triều lên, gió chướng thổi mạnh, mặt sông nổi sóng bạc đầu, nước chảy xiết. Thương biết bao những chuyến đò vẫn phải gồng mình vượt sóng, đưa người đi làm ăn, đi học, đi bệnh viện.

Nhìn bóng đò chòng chành giữa mênh mông nước bạc mà thấy thương cho cái phận người lênh đênh trên sông nước. Nhưng rồi sông cũng có những ngày hiền hòa, nắng vàng như mật ong trải dài trên mặt sông, gió thổi nhẹ hiu hiu. Ngồi trên đò, ngắm mây trôi lững lờ, nhìn hàng dừa nước, hàng đước xanh ngút ngàn soi bóng xuống dòng sông, nghe tiếng mái chèo khua nước nhè nhẹ, lòng mình bỗng thấy thảnh thơi, như gột rửa hết những muộn phiền của cuộc sống thường ngày.

Ai đã từng sống qua những tháng năm ấy, làm sao có thể quên được cái không khí tấp nập ở chợ Sông Đốc, nơi ghe thuyền đậu san sát, kín cả một khúc sông. Đò dọc, đò ngang cập bến liên tục, tiếng máy nổ, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng mặc cả mua bán rộn ràng cả một vùng. Hàng hóa đủ thứ, từ con cá, con tôm tươi rói vừa bắt dưới vuông lên, đến những mặt hàng thiết yếu từ phố thị đưa về.

Mùi sông nước, mùi tanh của cá tôm, mùi mắm mặn, mùi mồ hôi mặn mòi của những người dân lao động hòa quyện vào nhau, tạo nên một thứ hương vị rất riêng, rất đời. Nhớ cả những quán hàng nổi trên sông, tô hủ tiếu nóng hổi vừa thổi vừa ăn, ly cà phê đen sánh đậm đà bên bến đợi... những hương vị dân dã mà thấm đượm tình người.

Sông Ông Đốc. Ảnh: Văn Đum.

Sông Ông Đốc. Ảnh: Văn Đum.

Tiếng gọi đò quen thuộc, tiếng mái chèo khua nước nhịp nhàng, tiếng máy đuôi tôm rành rạch... những âm thanh đặc trưng của một thời giờ đã lùi xa vào dĩ vãng. Sông Ông Đốc vẫn chảy ra biển lớn, nhưng bóng dáng những con đò cần mẫn năm xưa đã vắng dần. Thay vào đó là những cây cầu mới vững chãi mọc lên, đường sá phẳng phiu, xe cộ chạy vun vút.

Cuộc sống tiện lợi và nhanh chóng hơn, điều đó không thể phủ nhận. Người ta không còn phải “lụy” đò, không còn phải canh cánh nỗi lo con nước. Thị trấn Sông Đốc giờ đây phố xá khang trang hơn, tàu thuyền đánh bắt xa bờ công suất lớn neo đậu san sát, mang một dáng vẻ hiện đại và hối hả hơn.

Nhưng mỗi lần đi qua cây cầu mới bắc ngang sông, nhìn xuống dòng nước lặng lờ trôi, lòng tôi lại không khỏi bâng khuâng, có chút ngậm ngùi. Nhớ da diết cái dáng hình thân thương của những con đò dọc, đò ngang.

Nhớ cái tiếng gọi đò nao nao trong những buổi chiều tà. Nhớ cái không khí ấm áp, chân tình nơi bến sông xưa. Sự tiện nghi của ngày hôm nay đôi khi không thể lấp đầy được nỗi nhớ về một nét đẹp bình dị, một phần hồn cốt của quê hương đã dần trở thành kỷ niệm. Con đò giờ chỉ còn là câu chuyện kể cho con cháu nghe về một thời khó khăn mà đong đầy tình người trên chính dòng sông này.

Xem thêm
Hà Nội FC khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường

Chiến thắng 2-1 của Hà Nội FC trước Quảng Nam ở vòng 20 khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường khi chỉ kém 2 điểm so với Thép Xanh Nam Định.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đà Nẵng: Tiếp nhận 1.300 cây dừa phủ xanh đường biển

Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 1.300 cây dừa từ 40 tổ chức, cơ quan để phủ thêm màu xanh cho không gian bãi biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.