Mắt xích đầu tiên của kiểm soát ô nhiễm
Nằm lặng lẽ ở một góc trong Công viên Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia liên tục truyền dữ liệu về Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia, do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc quản lý, vận hành.
Đây là một trong 37 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động do Bộ Nông nghiệp và Môi trường đầu tư và đưa vào vận hành. Ngoài ra, Bộ còn đầu tư 22 trạm quan trắc chất lượng nước mặt và 6 trạm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ đặt tại các khu vực có các nguồn thải lớn ở vùng biển miền Trung.

Trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia đặt tại Công viên Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ảnh: Tống Minh.
Ở cấp tỉnh, tất cả 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đều có quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh hoặc các chương trình triển khai quan trắc hàng năm. Hơn 4.000 điểm quan trắc chất lượng nước và chất lượng không khí đã được thiết lập tại các địa phương, với 92 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục và 113 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục.
Về hệ thống quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: Tới nay, hệ thống quản lý dữ liệu quan trắc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp nhận và theo dõi thường xuyên dữ liệu quan trắc tự động, liên tục từ hơn 2.000 hệ thống quan trắc tự động, liên tục của các doanh nghiệp, nhà máy từ các địa phương truyền về.
Với mạng lưới quan trắc được phủ tương đối rộng khắp cả nước, hệ thống quan trắc môi trường ở Việt Nam đã dần trưởng thành, giúp đánh giá hiện trạng và xu hướng biến đổi môi trường một cách chính xác và có hệ thống; cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc hoạch định chính sách cũng như cảnh báo và dự báo môi trường.
Đặc biệt, quan trắc giúp phát hiện sớm các nguy cơ và sự cố ô nhiễm như tràn dầu, bụi mịn tăng cao, nguồn nước bị ô nhiễm… để có các biện pháp ứng phó; kiểm soát phát thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, bảo đảm việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là còn là nguồn thông tin thiết yếu giúp chính quyền và cộng đồng ứng phó kịp thời với biến động môi trường.
Bởi vậy, quan trắc môi trường không đơn thuần là hoạt động kỹ thuật mà chính là mắt xích đầu tiên, có tính quyết định trong cả chuỗi hành động từ phát hiện – đánh giá – cảnh báo – cho đến xây dựng chính sách, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Từ “đo để biết” đến “giám sát để hành động”
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin, công tác quan trắc môi trường tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình rõ rệt, từ thủ công sang tự động hóa, từ giám sát rời rạc sang kết nối liên thông, từ phản ứng bị động sang quản lý chủ động, cảnh báo, dự báo.
Hiện nay, quan trắc chất lượng không khí xung quanh là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Hệ thống này bao gồm các thiết bị đo bụi mịn PM2,5, PM10 và các khí ô nhiễm khác như NO₂, SO₂, CO, O3... tại các đô thị lớn và khu vực đông dân cư. Dữ liệu từ các trạm này được xử lý và tổng hợp để công bố Chỉ số chất lượng không khí – AQI giúp người dân nắm bắt nhanh diễn biến chất lượng không khí và có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đồng thời, một số cơ quan chuyên môn tại trung ương và địa phương cũng đã triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo và dự báo chất lượng không khí, qua đó từng bước chuyển từ quản lý bị động sang quản lý chủ động.
Đặc biệt, các trạm quan trắc môi trường hiện nay đều được ứng dụng công nghệ tự động hóa và truyền dữ liệu thời gian thực về trung tâm điều hành. Nhiều địa phương đã tích hợp hệ thống đo lường môi trường với trung tâm giám sát điều hành thông minh, sử dụng nền tảng bản đồ số và hệ thống cảnh báo sớm giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thông số chất lượng không khí được cập nhật theo thời gian thực. Ảnh: Tống Minh.
Dữ liệu quan trắc được nhiều địa phương chủ động công bố công khai thông qua cổng thông tin điện tử, ứng dụng di động, bản đồ chất lượng môi trường trực tuyến phục vụ người dân, nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các nhà hoạch định chính sách.
Từ việc “đo để biết” đến “giám sát để hành động”, công tác quan trắc môi trường ở Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu, trở thành cầu nối giữa khoa học – quản lý – cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ môi trường sống xanh – sạch – an toàn.
Hướng đến xây dựng một hệ sinh thái quan trắc thông minh
Trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng biến động phức tạp, ô nhiễm có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ nguy hại, công tác quan trắc môi trường không chỉ dừng lại ở việc “theo dõi” mà cần phải tiến xa hơn, trở thành một nền tảng thông minh, chủ động và bền vững, phục vụ quản lý môi trường theo thời gian thực.
Hệ thống quan trắc tương lai sẽ được kết nối thông qua trung tâm dữ liệu môi trường quốc gia, ứng dụng các nền tảng Big Data, AI để mô phỏng, phân tích và dự báo chất lượng môi trường theo không gian và thời gian.
Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ sinh thái quan trắc thông minh, có thể theo dõi mọi thành phần môi trường từ không khí, nước, đất đến các chỉ tiêu rủi ro mới như vi nhựa, hóa chất độc hại, chất ô nhiễm khó phân hủy. Dữ liệu không chỉ để đo mà còn giúp phản ứng kịp thời, đưa ra chính sách chính xác, hướng tới một nền quản trị môi trường tiên tiến, minh bạch và vì con người.
Quan trắc môi trường sẽ không chỉ là một công cụ kỹ thuật mà sẽ là hệ thần kinh trung ương của quản lý môi trường hiện đại, kết nối công nghệ, trí tuệ và trách nhiệm xã hội, vì một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn.