Thư ký cho Cụ Hồ chuyến đi Pháp 1946
Giáo sư Đặng Phong, cố vấn lịch sử tài chính cho đoàn làm phim, khi nói về giai đoạn đầu của ngành tài chính, ngân hàng, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của một doanh nhân, đó là ông Đỗ Đình Thiện. Ông Đặng Phong lưu giữ nhiều tài liệu quý của ông Lê Văn Hiến, cố Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong hồi ký của ông Lê Văn Hiến, cũng nói nhiều đến ông Đỗ Đình Thiện.
Cụ Đỗ Đình Thiện được biết đến là một nhà tư sản lớn trước cách mạng tháng Tám, có cửa hàng tơ lụa ở 54 Hàng Gai. Nhưng đương thời không biết rằng, địa điểm đó cũng là nơi đi về, liên lạc của các lãnh tụ cộng sản như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo... Cụ bà Trịnh Thị Điền, người vợ hiền của cụ ông Đỗ Đình Thiện, đã hoạt động cách mạng cùng thời với các lãnh tụ cộng sản đó. Năm 1943, khi quỹ Đảng do ông Nguyễn Lương Bằng quản lý chỉ còn 24 đồng (tiền Đông Dương), thì ngay sau khi vượt ngục Sơn La, ông Nguyễn Lương Bằng và ông Nguyễn Tạo đã nhận được từ cụ bà Trịnh Thị Điền số tiền 10 vạn đồng để bổ sung quỹ Đảng.
Khi cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền Pháp phong toả Ngân hàng Đông Dương đối với các giao dịch của Chính phủ, ông Đỗ Đình Thiện, với tư cách cá nhân, vào ngày 1/9/1945 đã rút 10 triệu đồng để cho Chính phủ mới chi dùng. Ngân hàng Đông Dương bàn giao cho Chính phủ mới một ngân quỹ trống rỗng, chỉ vẻn vẹn hơn 1.250.000 đồng, trong đó đến 580.000 đồng hào rách chờ huỷ. Lịch sử đã ghi nhận bước đi táo bạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào dân, huy động sức dân để tháo gỡ khó khăn tài chính. Quỹ Độc lập được thành lập ngày 4/9/1945, ông Đỗ Đình Thiện được cử là Chủ tịch Quỹ Độc lập. Trọng tâm hoạt động của Quỹ này là Tuần lễ vàng, diễn ra từ 17 đến 24/9/1945. Riêng Tuần lễ vàng, cả nước đã góp cho Chính phủ mới 2.201 lạng (lượng) vàng, 920 tạ thóc và hiện vật trị giá 7 triệu đồng. Riêng gia đình ông Đỗ Đình Thiện góp 100 lượng vàng (nhiều nhà tư sản cũng đóng góp lớn, như ông Trịnh Văn Bô góp 117 lượng vàng). Trong tháng 9/1945, Nhà Đấu xảo Hà Nội có mở cuộc đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để ủng hộ Chính phủ, ông Đỗ Đình Thiện đã thắng thầu, mua bức tranh đó với giá 1 triệu đồng, sau đó đã tặng lại bức tranh cho đại diện Chính phủ.
Ông Đỗ Đình Thiện là ai? Đương thời, mọi người biết ông là một doanh nhân yêu nước đã nhiệt tình ủng hộ Chính phủ mới. Nhưng ít người biết ông là Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, đã học tập nhiều năm tại Paris. Ông là người, nói theo thời đó, “vào làng Tây”, nhưng mang nặng tinh thần dân tộc. Ông đã từng bị bắt, bị tù ở Pháp do cùng những người cộng sản Pháp đấu tranh với chính quyền vì những quyền cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Có lẽ “đoạn đời Pháp” của ông Thiện cũng là một yếu tố khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông Đỗ Đình Thiện là thư ký riêng trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946. Tại cuộc họp báo trước lúc lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu ông Đỗ Đình Thiện và ông Vũ Đình Huỳnh như là “hai cánh tay” của Người khi công du tới nước Pháp. Ông Huỳnh được lập tức phong là “đại tá” phụ trách an ninh, đối nội. Ông Thiện là thư ký phụ trách đối ngoại, tài chính.
Hiến đồn điền, nhà máy cho kháng chiến
Vào cuối năm 1945, ông Phạm Văn Đồng được giao phụ trách việc in và phát hành tiền mới, lập cơ quan “Ấn loát đặc biệt”, thì một số nhà in tư nhân ở Hà Nội đã hăng hái nhận việc in tiền cho Chính phủ mới. Đó là các nhà in Ngô Tử Hạ (phố Lý Quốc Sư), nhà in Nguyên Ninh (Hàng Than), nhà in Việt Hưng (Cửa Nam), Nhà in Tô-panh (nay là Bách Hoá 5 Lê Duẩn) và Nhà in Ideo (Yên Phụ). Trong đó, nhà in Tô-panh là sở hữu của ông Đỗ Đình Thiện.
Ông Đỗ Đình Thiện còn sở hữu Đồn điền Chi Nê, mua của một nhà tư sản Pháp với giá 2.000 lượng vàng khoảng trước năm 1940. Trước khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, việc chuẩn bị kháng chiến đã rất khẩn trương, ông Đỗ Đình Thiện đã chuyển toàn bộ máy móc của nhà in Tô-panh lên Đồn điền Chi Nê để tiếp tục in tiền cho Chính phủ kháng chiến. Đồn điền Chi Nê, ngày nay thuộc Nông trường Sông Bôi, còn nhiều dấu tích xưa kia. Những gian nhà kho đổ nát, nhưng bậc thềm và diện mạo xây cất cũ vẫn còn. Đoàn làm phim “Tiền cụ Hồ” cũng tìm thấy những nhân chứng còn sống, mà một thời đã làm công nhân cho ông Đỗ Đình Thiện, in tiền cho Chính phủ kháng chiến. Tại đây, vào ngày 24/2/1947, máy bay Pháp đã ném bom vào khu vực đồn điền, gia sản của ông Đỗ Đình Thiện bị thiệt hại đáng kể, hơn 2 triệu đồng tiền mặt bị mất, kho cà phê lớn hàng chục tấn bị thiêu rụi, nhưng máy móc dành cho in tiền thì còn nguyên vì đã được chuyển sơ tán ra đồi và người cũng không thiệt hại gì. Điều đáng chú ý là trận bom chỉ cách ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và ngủ lại khu vực đồn điền đó ít ngày.
Sau khi bị bom, Chủ tịch Hồ Chí Minh có gửi thư riêng cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an. Tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công ta làm của khác chắc chắn hơn. Chúc các cháu, chú thím mạnh khoẻ. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Có thể thấy tình cảm nồng ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình ông Thiện.
Theo hồi ức của ông Đỗ Long Vân, Tiến sĩ toán, con trai út của cụ Đỗ Đình Thiện, thì sau khi bị bom tại Chi Nê, toàn bộ gia đình ông Thiện đã lên chiến khu Việt Bắc. Gia đình ông Thiện sống ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con cháu ông Đỗ Đình Thiện và gia đình các Bộ trưởng, các nhân sĩ cách mạng đã quây quần quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống và làm việc với niềm tin mạnh mẽ vào ngày kháng chiến thành công.
Đồn điền Chi Nê trong kháng chiến 9 năm, trở thành xưởng quân giới. Sau này, nơi đây là Nông trường Sông Bôi cho đến ngày nay. Có thể nói, toàn bộ gia sản của ông Đỗ Đình Thiện đã hiến cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
Người công dân mẫu mực
Hoà bình lập lại, ông Đỗ Đình Thiện về Thủ đô, làm một người công dân bình thường. Theo hồi ức của ông Đỗ Long Vân, khoảng 1955-1956, Cụ Hồ Chí Minh có đến nhà thăm ông Thiện mấy lần. Ông Đỗ Long Vân còn nhớ, cụ Đỗ Đình Thiện trả lời cụ Hồ Chí Minh: “Tôi ở nhà trông cháu thôi”. Không thấy cụ Đỗ Đình Thiện nói gì với con cháu về chuyện tại sao không ra nhận một chức gì, cũng không nghe nói tại sao cụ lại không vào Đảng Lao Động Việt Nam. Cũng không nghe thấy lời kêu ca, ta thán gì ở cụ Thiện. Cụ sống mẫu mực, thanh bạch, vui cùng con cháu, cho đến lúc mất, năm 1972.
Cụ bà Trịnh Thị Điền mất sau cụ ông hơn chục năm, sinh thời hai cụ sống mẫu mực, đã hiến toàn bộ tài sản và trí tuệ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Con cái các cụ không vướng vào việc đòi lại gia sản như đối với gia đình một số nhà tư sản cũ. Có thể một căn nhà 76 Nguyễn Du là quá ít và cũng là quá nhiều. Bởi vì gia sản tinh thần, của cải văn hoá mà hai cụ Đỗ Đình Thiện để lại không chỉ cho con cháu các cụ, mà cho cả mọi người. Đó là bài học to lớn về tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tấm lòng vì dân tộc, thái độ sống cao quý “trẻ đạt, già yên” không màng danh lợi mà vị tình nghĩa, vị nhân sinh. Gia tài đó của hai cụ là vô giá, không đong đếm được, lớn hơn mọi của cải vật chất trên đời.