| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng vùng biên: [Bài 4] Người trưởng bản mẫu mực

Thứ Ba 06/05/2025 , 09:42 (GMT+7)

Từng sống 'lay lắt' với đói nghèo, đảng viên Lữ Văn Tuyệt đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cùng với đó là tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động.

Bản Pa - một bản làng heo hút nằm ven sườn núi chênh vênh, giáp biên giới Lào từng chìm trong u tối và hủ tục lạc hậu. Nhưng hôm nay, ánh sáng từ những cột đèn năng lượng mặt trời không chỉ soi rõ đường đi, mà còn thắp lên hy vọng đổi thay cho bà con.

Tất cả bắt đầu từ một người trưởng bản Lữ Văn Tuyệt và những người lính biên phòng âm thầm gieo hạt mầm nhận thức. Và  "hạt giống đỏ", trưởng bản Pa Lữ Văn Tuyệt đã và đang dẫn dắt đồng bào vùng biên vươn lên thoát nghèo làm giàu, chính trưởng bản cũng là nhân tố điển hình trong chương trình xây dựng “Bản sáng vùng biên”.

Trưởng bản Pa, được lực lượng biên phòng và người dân đánh giá là người có uy tín trong bản. Ảnh: Thanh Tâm

Trưởng bản Pa, được lực lượng biên phòng và người dân đánh giá là người có uy tín trong bản. Ảnh: Thanh Tâm

Trưởng bản “dám nghĩ dám làm”

Chúng tôi theo chân Thiếu tá Tống Thanh Hưng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Thanh trong một chuyến đi thực địa về bản Pa – nơi đang triển khai mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Bản Pa thuộc xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), nơi có 8 km đường biên giới giáp cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Một vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng cũng là nơi đang nhen nhóm những tín hiệu tích cực của sự đổi thay.

Trong chuyến đi về với đồng bào, tôi ấn tượng với câu nói của Thiếu tá Hưng, “Làm bản sáng không chỉ là sáng đường, sáng điện. Quan trọng nhất là phải sáng trong tư duy, sáng trong cách nghĩ, cách làm ăn, sáng toàn diện”. Thiếu tá Hưng lý giải, việc hỗ trợ con giống, cây giống hay vật chất chỉ mang tính tạm thời, phải làm sao để đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần những hủ tục, có tư duy làm kinh tế mới chính là bước đi lâu dài.

Bản Pa nằm chênh vênh bên sườn núi, giáp với nước bạn Lào. Ảnh: Thanh Tâm

Bản Pa nằm chênh vênh bên sườn núi, giáp với nước bạn Lào. Ảnh: Thanh Tâm

Bản Pa bao năm rồi vẫn chưa thoát nghèo, chưa về đích nông thôn mới. Dù đã có đường bê tông, có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, nhưng sinh kế lâu dài, đổi thay nhận thức, có tư duy làm kinh tế vẫn là bài toán nan giải không chỉ riêng gì ở bản Pa, mà là câu hỏi ở nhiều bản biên giới khác. Người dân vẫn quen lên rừng đốn luồng, chặt vầu bán nguyên cây cho thương lái với giá bèo bọt, chẳng đủ bù công.

Giữa cái khó ấy của bản Pa, Thiếu tá Hưng kể anh Lữ Văn Tuyệt – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Pa lại chọn một hướng đi khác. Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất vùng biên, từng sống cảnh “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”, anh Tuyệt thấu hiểu sâu sắc sự cơ cực, nhọc nhằn của người dân.

Khi mới lập gia đình, vợ chồng anh sống lay lắt, con nhỏ đói ăn, vợ lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhưng chính hoàn cảnh khốn khó đã tôi luyện trong anh một tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Anh không chấp nhận sống trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Anh Tuyệt mở xưởng hấp sấy nan nứa tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương. Ảnh: Thanh Tâm

Anh Tuyệt mở xưởng hấp sấy nan nứa tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương. Ảnh: Thanh Tâm

Từ những nương rẫy ít ỏi, anh Tuyệt bắt đầu làm đủ nghề để kiếm sống nhưng bước ngoặt đến vào năm 2015, khi anh nhận ra giá trị của… nan nứa và bắt đầu học cách chẻ nan, rồi vay vốn ngân hàng mở xưởng hấp sấy và thu mua nan tại địa phương.

Thời gian đầu, anh tận tay hướng dẫn bà con cách chẻ nan đúng kỹ thuật, lâu dần người dân quen việc, có thể tự làm rồi mang về bán cho xưởng của anh Tuyệt. Không còn phải bán cả cây nứa với giá rẻ mạt hoặc bị thương lái ép giá, nhờ những que nan nhỏ bé mà bà con có thêm thu nhập bớt đói, bớt khổ.

Trưởng bản Tuyệt chia sẻ, hiện xưởng nan nứa của gia đình đang tạo công ăn việc làm cho 25 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên diện tích 1ha đất sản xuất kém hiệu quả, gia đình anh cải tạo, xây dựng gia trại nuôi gần 100 con lợn lòi từ đầu năm 2024.

Theo anh Tuyệt, làm mô hình nuôi lợn lòi, hiện nay gia đình anh chưa tính tới lợi nhuận mà quan trọng hơn hết là làm mô hình điểm ở địa phương, để người dân học hỏi và làm theo. Là Bí thư, Trưởng bản anh Tuyệt muốn mình làm gương để bà con bản Pa thay đổi tư duy kinh tế, dám nghĩ, dám làm.

Nuôi lợn lòi, anh Tuyệt mong muốn người dân nhìn vào mô hình anh làm để học hỏi, mạnh dạn chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tâm

Nuôi lợn lòi, anh Tuyệt mong muốn người dân nhìn vào mô hình anh làm để học hỏi, mạnh dạn chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tâm

Giúp đỡ người khó vươn lên thoát nghèo

Nhớ lại, những ngày đầu mới cưới nhau, đói nghèo đeo bám, hai đứa con nheo nhóc, trong khi vợ bị bệnh tim bẩm sinh, không lao động được những việc nặng nhọc, mọi lo toan trong gia đình đặt lên đôi vai của anh Tuyệt.

Trưởng bản Tuyệt kể rằng, ngày ấy vợ chồng anh được bà con dân bản đùm bọc, chia cho từng củ sắn, nắm cơm độn ngô và trong lòng luôn tự hứa sẽ cố gắng vươn lên để đền đáp đồng bào sẻ chia trong những ngày gian khó.

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình khó khăn, không có tiền làm nhà, anh Tuyệt sẵn sàng cho vay không tính lãi, thậm chí khi chở nan nứa đi nhập hàng lúc quay trở về, anh chở hộ tôn, vật liệu như sắt thép, xi măng giúp bà con tiết kiệm chi phí.

Năm 2024, gia đình ông Ngân Văn Măng là hộ nghèo của bản, ngôi nhà tranh vách nứa siêu vẹo có thể đổ sập bất cứ lúc núc nào, anh Tuyệt sẵn sàng hỗ trợ tiền để ông Măng xây nhà kiên cố. Còn với gia đình ông Măng anh Tuyệt không chỉ là tình làng nghĩa xóm mà là ân nhân của cả đời ông. Ông Măng tự hào khi nói về anh Tuyệt là một người hào sảng từ tâm và sống có tình nghĩa như cái tên bố mẹ đặt cho anh.

Ngôi nhà kiên cố thay cho nhà tranh vách nứa của ông Ngân Văn Măng trước đây. Ảnh: Thanh Tâm

Ngôi nhà kiên cố thay cho nhà tranh vách nứa của ông Ngân Văn Măng trước đây. Ảnh: Thanh Tâm

Nói về mô hình “Bản sáng vùng biên” của Bộ đội biên phòng, anh Tuyệt chia sẻ trước đây mỗi khi mặt trời khuất sau ngọn núi của nước bạn Lào là cả bản chìm trong bóng tối, trẻ con cũng ít ra khỏi nhà, nhưng từ khi xây dựng bản sáng vùng biên, bản Pa được hỗ trợ lắp đặt 41 cột đèn năng lượng mặt trời, đó là việc làm rất thiết thực.

Thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” cần có những “hạt giống đỏ” như anh Tuyệt, để bản sáng toàn diện, đặc biệt là sáng về tư duy nhận thức của bà con. Từ khi có xưởng nan nứa của gia đình anh Tuyệt, giá trị khai thác lâm sản tăng lên, bà con ở bản Pa hăng say lao động, đói nghèo được đẩy lùi khi năm 2024 có tới 14 hộ gia đình của bản đã thoát nghèo.

Buổi chiều cuối ngày, chúng tôi cùng Thiếu tá Hưng và anh Tuyệt đi trên con đường bê tông chạy dọc trung tâm bản Pa. Hai người đàn ông – một người lính biên phòng, một trưởng bản người Thái – hồ hởi trò chuyện, nói về những đổi thay ở bản làng biên giới, về bữa cơm đã có thịt, về những gương làm kinh tế giỏi. Họ không nói về những điều lớn lao, mà nói về điều nhỏ nhặt nhất: niềm vui khi bản làng có ánh sáng, có tiếng cười.

Và trong cái se lạnh của núi rừng biên giới, chúng tôi cảm nhận được một thứ ấm áp hơn mọi ngọn đèn đó là niềm tin. Niềm tin rằng, với những người “làm bằng cả cái tâm và cái tầm” như anh Tuyệt, với sự đồng hành thầm lặng của những người lính biên phòng như Thiếu tá Hưng, những bản làng xa xôi như Pa sẽ ngày một đổi thay – không chỉ sáng đường, mà còn sáng lòng người.

Anh Tuyệt cùng Thiếu tá Hưng hồ hởi nói về những đổi thay ở bản làng biên giới. Ảnh: Thanh Tâm

Anh Tuyệt cùng Thiếu tá Hưng hồ hởi nói về những đổi thay ở bản làng biên giới. Ảnh: Thanh Tâm

Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn chia sẻ: Trong giai đoạn sau, Quan Sơn sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, tạo sinh kế lâu dài và ổn định cho người dân, đồng thời cần nhân rộng hơn nữa những gương điển hình như trưởng bản Lữ Văn Tuyệt, để đồng bào mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, thoát nghèo bằng chính nội lực, bớt trông chờ, ỉ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 1] Homestay giữa đồi chè hấp dẫn khách Tây

THÁI NGUYÊN Homestay Mây Sườn Đông nằm giữa những đồi chè xanh ngát, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là điểm đến yêu thích của những đoàn du khách nước ngoài.

Sản phẩm tinh dầu của Yên Bái được đề xuất đạt OCOP 5 sao

YÊN BÁI Ba sản phẩm tinh dầu của tỉnh Yên Bái đang được đề xuất xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.