Tại buổi làm việc, ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đã báo cáo nhanh đề xuất điều chỉnh tiến độ đầu tư mở rộng nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước.
Theo ông Khương Thế Anh, trong bối cảnh cơ cấu nguồn điện quốc gia đang thay đổi mạnh mẽ với sự gia tăng tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, việc tăng cường các nguồn điện từ thủy điện và nguồn lưu trữ là rất cần thiết, để bảo đảm ổn định hệ thống điện.

Tỉnh Sơn La họp cho ý kiến về việc điều chỉnh tiến độ đầu tư mở rộng Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Nguyễn Nga.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đã phê duyệt mở rộng các nhà máy thủy điện lớn hiện hữu, theo cơ cấu phát triển nguồn điện, 2 nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu được đưa vào giai đoạn 2031 - 2035. Song, với những lợi thế sẵn có và nhu cầu cấp thiết hiện nay, Công ty Thủy điện Sơn La kiến nghị được điều chỉnh tiến độ đầu tư sớm hơn, vào giai đoạn 2025 - 2030.
Về phương án mở rộng, với thủy điện Sơn La, đề xuất xây dựng thêm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 400 MW, lắp đặt tại vị trí bên bờ phải, cách tim đập hiện tại khoảng 1.250m về hạ lưu. Đây là phương án có điều kiện địa chất thuận lợi, không ảnh hưởng đến diện tích rừng, môi trường, việc đền bù tái định cư rất nhỏ, do phần lớn diện tích đất sử dụng đã được UBND tỉnh Sơn La giao Công ty quản lý từ trước (khoảng 148,7 ha).
Với thủy điện Lai Châu, đề xuất xây dựng 1 tổ máy công suất 400 MW tại bờ phải nhà máy, trong diện tích đã được UBND tỉnh Lai Châu giao, không ảnh hưởng đến di dân tái định cư.
Cũng theo tính toán của đơn vị, khi mở rộng thêm 800 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm tăng thêm khoảng 216 triệu kWh, tương đương giá trị nộp ngân sách bổ sung cho Sơn La khoảng 46 tỷ đồng/năm. Đồng thời, công trình sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao hiệu quả vận hành liên hồ chứa và phát huy tối đa giá trị tài nguyên nước.
Cùng với việc điều chỉnh tiến độ mở rộng nhà máy, Công ty Thủy điện Sơn La cũng đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chính phủ cho phép tính toán điều chỉnh mực nước dâng bình thường hồ thủy điện Sơn La từ 215m lên 216m; đồng thời đề nghị được khảo sát toàn bộ lưu vực sông Hồng để tính toán lại dung tích phòng lũ của các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, phục vụ tổng thể công tác điều tiết lũ và đảm bảo an toàn vùng hạ du.

Công ty Thủy điện Sơn La kiến nghị xây dựng thêm 2 tổ máy tại Nhà máy thủy điện Sơn La, lắp đặt tại vị trí bên bờ phải, cách tim đập hiện tại khoảng 1.250m về hạ lưu. Ảnh: Nguyễn Nga.
Tại cuộc làm việc, đại diện các Sở, ngành cũng đã làm rõ các nội dung liên quan đến quy hoạch, trình tự đầu tư mở rộng, đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn kỹ thuật, khả năng huy động nguồn lực… và một số vấn đề khác có liên quan.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Nhà máy Thủy điện Sơn La không chỉ là công trình năng lượng trọng điểm quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách địa phương. Do đó, việc điều chỉnh tiến độ đầu tư mở rộng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.
Người đứng đầu UBND tỉnh đề nghị Công ty Thủy điện Sơn La tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, phân tích kỹ các yếu tố kỹ thuật, pháp lý và kinh tế, làm rõ căn cứ cần thiết để đề xuất điều chỉnh tiến độ đầu tư mở rộng Nhà máy thủy điện Sơn La theo hướng khả thi. Đây sẽ là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét, thúc đẩy triển khai dự án trong thời gian tới.