Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở đất tại khu vực rừng phòng hộ thuộc tổ dân phố Đồng Rì, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (trên tuyến tỉnh lộ 291 đi Quảng Ninh), UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo khẩn cấp các cấp, ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Vị trí có nguy cơ xảy ra sạt trượt phía sau hộ dân ở Tổ dân phố Đồng Rì, thị trấn Tây Yên Tử. Ảnh: Xuân Thỏa.
Theo báo cáo của huyện Sơn Động, hiện tượng sạt lở bắt đầu xuất hiện sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 năm 2024. Khu vực xuất hiện các vết nứt, cung sạt thuộc địa phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động quản lý. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, trên sườn núi đã hình thành một vết nứt hình cung có chiều dài khoảng 150m từ chân núi lên cao. Vị trí đỉnh cung sạt chênh cao khoảng 1,8m; chiều rộng vết nứt từ 0,4 - 0,6m và chiều sâu trượt từ 0,4 - 0,8m.
Đáng lo ngại, các vết nứt tiếp tục phát triển, lan rộng và xuất hiện thêm nhiều điểm mới, khối đất trượt có dấu hiệu dịch chuyển xuống chân núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nếu tiếp tục có mưa lớn kéo dài.
Trước tình trạng khẩn cấp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu UBND huyện Sơn Động theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời tuyệt đối không để người dân quay lại khu vực nguy hiểm, ít nhất là trong suốt mùa mưa bão năm 2025. Địa phương được giao bố trí nơi sinh hoạt tạm thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo đời sống ổn định, đồng thời khẩn trương rà soát các hộ dân lân cận để chủ động ứng phó và sơ tán khi cần thiết.
Đồng thời, huyện Sơn Động phải bổ sung tình huống sạt lở đất vào phương án phòng chống thiên tai năm 2025, đảm bảo không bị động, bất ngờ trước các diễn biến thời tiết cực đoan.
Về giải pháp kỹ thuật, UBND huyện được giao nhanh chóng huy động lực lượng dọn dẹp thực bì, đào các rãnh thoát nước tại đỉnh cung sạt để điều hướng dòng chảy ra hai bên, phủ bạt che chắn các vết nứt và tổ chức khơi thông suối dưới chân núi nhằm tránh ách tắc dòng chảy khi mưa lớn.
Ngoài ra, cần chủ động rà soát, xây dựng phương án di dời dân cư khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nêu rõ số hộ cần di dời, địa điểm bố trí tái định cư tạm thời và lâu dài, phù hợp với Luật Phòng chống thiên tai. Các phương án này cần tính toán đầy đủ yếu tố an toàn, sinh kế và ổn định đời sống về lâu dài cho người dân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Sơn Động trong toàn bộ quá trình triển khai các biện pháp khẩn cấp, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả cao nhất. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm cập nhật thường xuyên tình hình và báo cáo UBND tỉnh.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm qua huyện Sơn Động ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến đời sống và tài sản của nhân dân. Với địa hình đồi núi phức tạp, khu vực này thường xuyên chịu tác động lớn từ mưa bão. Do đó, việc chủ động phòng ngừa và có kế hoạch ứng phó dài hạn là hết sức cần thiết.