| Hotline: 0983.970.780

Con gà 'đá' bay đói nghèo

Chủ Nhật 28/07/2024 , 09:16 (GMT+7)

LÀO CAI Chăn nuôi gà trứng và gà thịt đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân miền núi nâng cao đời sống, thu nhập, đánh bay đói nghèo.

Chăn nuôi gà lấy trứng giúp người dân  vùng cao Lào Cai có thu nhập ổn định mỗi ngày. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi gà lấy trứng giúp người dân  vùng cao Lào Cai có thu nhập ổn định mỗi ngày. Ảnh: HĐ.

Nuôi gà trứng hứng... tiền triệu mỗi ngày

Gia đình ông Hoàng Văn Kiên, ở bản Đao, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) mạnh dạn cải tạo 2.000m2 đất vườn và đất trồng cây lâu năm của gia đình làm nơi chăn nuôi gà đẻ trứng. 

Trên diện tích đất này, gia đình ông chia làm các phân khu, trong đó xây dựng 2 trại nuôi gà đẻ trứng theo hướng công nghiệp. Với hệ thống lồng nuôi nhốt, điện chiếu sáng, thông gió, sưởi ấm… đảm bảo cho hàng nghìn con gà sinh trưởng, phát triển. 

Với 2.000 con gà hiện nay, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 1.000 trứng. Trong khi, giá bán từ 2.000-2.500 đồng/quả, trừ chi phí gia đình ông để ra được gần 1 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng trứng thu hoạch trên hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. 

So với chăn nuôi các con vật khác ở miền núi, chăn nuôi gà đẻ trứng cho thu nhập cao hơn, nhưng công chăm sóc đàn gà khó đong đếm được, giá trứng lại bấp bênh theo ngày nên người nông dân hàng ngày đều phải bám sát thị trường.

Ông Hoàng Văn Kiên chia sẻ, nuôi gà đẻ trứng cho thu nhập khá ổn, nhiều khi còn không đủ bán, nhưng công việc cũng vì thế mà không lúc nào được ngơi tay. Từ khâu chọn giống, gia đình ông đã lựa chọn rất cẩn thận, gà con phải khỏe mạnh, có chất lượng, được mua từ các trang trại lớn và có uy tín. 

Nhu cầu tiêu thụ trứng gà mỗi ngày giúp người dân yên tâm chăn nuôi. Ảnh: H.D.

Nhu cầu tiêu thụ trứng gà mỗi ngày giúp người dân yên tâm chăn nuôi. Ảnh: H.D.

Để gà có thể trạng tốt và đẻ nhiều, người nuôi thường xuyên theo dõi biểu hiện của đàn gà, cho ăn đủ khẩu phần, đúng giờ, kết hợp bổ sung thêm dinh dưỡng đặc dụng cho gà ăn. Ngoài ra, đàn gà phải được tiêm phòng vacxin định kỳ.

Trong và ngoài chuồng gà phải được xử lý khử trùng, tiêu độc để phòng bệnh, tránh lây lan dịch, gây chết hoàng loạt. Chất thải cũng được thu gom, xử lý ngay để không tạo môi trường cho vi khuẩn, virus có môi trường thuận lợi để sinh sôi. 

“Khi gà còn nhỏ có khi phải thức dậy cả đêm kiểm tra, chăm sóc. Trời rét phải giữ ấm và kiểm tra đàn gà liên tục, tránh bị thiệt hại", ông Hoàng Văn Kiên nói.  

Ngoài nuôi gà đẻ trứng, gia đình ông Hoàng Văn Kiên còn trồng 5ha quế. Những cây quế trên 5 tuổi này đã bắt đầu được khai thác tỉa để có thêm nguồn thu nhập, phục vụ nâng cao cuộc sống gia đình. 

Nghề nuôi "gà leo đồi" phát triển, tỷ lệ hộ nghèo "xuống dốc"

Với địa hình đồi núi dốc, nhiều nông dân ở Bảo Yên nhận thấy đây cũng là một lợi thế. Gà thả đồi có chất lượng thịt thơm ngon, bán được giá cao hơn gà nuôi nhốt thông thường. Qua đó, các gia trại, hộ gia đình chăn nuôi gà thả đồi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Đình Việt, ở Bản Khao, xã Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai) trước đây đã xoay sở đủ nghề tìm kế sinh nhai. Thế nhưng, từ khi chuyển sang nuôi gà thả đồi, ông quyết định gắn bó với nghề này. Qua đó, giúp hộ gia đình ông thoát nghèo và tiến tới làm giàu ngay trên mảnh đất cha ông.

14 năm kinh nghiệm nuôi gà thương phẩm, ông Trần Đình Việt nắm rõ từng giai đoạn phát triển của đàn gà để áp dụng biện pháp chăm sóc phù hợp, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường. 

Gà thả đồi ở Lào Cai cho chất lượng thịt thơm ngon, trở thành đặc sản được thị trường ưa chuộng. Ảnh: HĐ.

Gà thả đồi ở Lào Cai cho chất lượng thịt thơm ngon, trở thành đặc sản được thị trường ưa chuộng. Ảnh: HĐ.

Ông Trần Đình Việt chia sẻ, để chất lượng thịt gà thơm ngon, phải tuân thủ quy trình chăn nuôi, tiêm phòng dịch, thức ăn cho gà sử dụng cám ngô, rau xanh… Cùng với đó để “vận động”, các con gà được thả bán tự nhiên trong khu vực quây lưới có kiểm soát theo triền dốc. Nhưng quan trọng nhất quyết định đến chất lượng vẫn là con giống, bởi trên thị trường hiện bán tràn lan các loại giống gà không đảm bảo, mua nhầm giống có nuôi tốt đến mấy cũng bằng không.

Hiện, ông Trần Đình Việt nuôi trên 10.000 con gà. Từ khi bắt đầu nuôi con giống đến lúc xuất bán là khoảng 6 tháng, các lứa gối nhau. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 140 triệu đồng mỗi năm. 

Xã Điện Quan hiện có 13 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 7 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm, với tổng đàn trên 55.000 con mỗi lứa. Đặc biệt, gà thả đồi trở thành đặc sản của xã miền núi này và được thị trường ưa chuộng. Chăn nuôi gà thương phẩm đã góp phần nâng thu nhập bình quân của xã đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 14%. 

Ông Đặng Văn Bậu, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho hay, xã xác định tiềm năng phát triển kinh tế địa phương chính là chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng trang trại, gia trại, góp phần đạt tiêu chí về thu nhập để xây dựng nông thôn mới.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên, 6 tháng năm 2024, các hộ chăn nuôi gà xuất bán ra thị trường hơn 745 tấn gà, thu về hơn 71 tỷ đồng. Hiện, số lượng đàn gà toàn huyện là trên 500.000 con.

Huyện Bảo Yên quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi gà bán chăn thả, gà thả vườn tại 5 xã: Bảo Hà, Thượng Hà, Điện Quan, Việt Tiến và Xuân Hòa. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất với người nông dân để mở rộng quy mô, chế biến sâu các sản phẩm gia cầm. 

Xem thêm
Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.