
Hội thảo có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi.
Cổ phục thời Đinh sở dĩ được quan tâm sắc sắc, bởi những nhà làm phim “Hộ linh tráng sĩ – Bí ẩn mộ vua Đinh” quyết định mời nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ tham gia thiết kế trang phục cho dự án điện ảnh này. Nếu không cẩn thận, cổ phục thời Đinh khi đưa lên màn ảnh, sẽ lặp lại những nhược điểm như nhiều bộ phim cổ trang trước đây.
Để tham khảo được ý kiến đa dạng hơn, một hội thảo khoa học có tên gọi “Trang phục, cổ phục thời Đinh tại mảnh đất cố đô Hoa Lư” vừa được diễn ra tại Ninh Bình, thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và lĩnh vực thời trang.

Bộ giáp trụ thời Đinh.
Thông qua góc nhìn về cổ phục thời Đinh, có thể thấy được sự tương tác giữa những người gìn giữ quá khứ và những người mơ ước mang quá khứ ấy đến gần hơn với thế hệ hôm nay. Các diễn giả trẻ như Nguyễn Ngọc Phương Đông (đại diện nhóm Đại Việt Cổ Phong) Phạm Thu Hằng (đại diện nhóm Kinh Bắc Legacy) Dương Phạm Trí (đại diện nhóm Chiêu Minh Các) Phan Thanh Nam (đại diện nhóm Tóc Xanh Vạt Áo) đã trình bày những quan niệm thẩm mỹ độc đáo và ấn tượng trong quá trình tái hiện trang phục của giới quý tộc và quan lại cách đây hơn nghìn năm. Thậm chí, các diễn giả trẻ còn đưa ra so sánh cổ phục thời Đinh với những bộ trang phục của thầy Mo gốc Mường.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho rằng, các nhà thiết kế trẻ mạnh dạn nghiên cứu và phục dựng các bộ trang phục thời Đinh là rất tốt, tuy nhiên lại đang thiếu đi tính sâu sắc, vẫn còn nhiều điểm chưa đúng với các hiện vật và tư liệu lịch sử. Tiến sĩ Nguyễn Phương Chi cũng khẳng định, bên cạnh tính thẩm mỹ, các trang phục được phục dựng cần đảm bảo đúng tính chân xác của thời đó, từ chất liệu, giày dép hay đến cả những hoa văn trên vải.

Các trang phục tái hiện một giai đoạn lịch sử, được giới thiệu trong khuôn khổ hội thảo.
Ngồi bàn chủ tọa hội thảo khoa học “Trang phục, cổ phục thời Đinh tại mảnh đất cố đô Hoa Lư”, tiến sĩ Ngô Phương Lan với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam bày tỏ: “Ở thời đại này, tôi nghĩ rằng các nhà làm phim nên tận dụng tất cả mọi thứ: kho tư liệu của các nhà lịch sử, cái sáng tạo của các bạn trẻ và cũng nên tận dụng cả trí tuệ nhân tạo, làm sao để tìm ra một tiếng nói chung. Và tiếng nói đó phải có sức thuyết phục và đến được với khán giả không những là khán giả Việt Nam mà còn là khán giả quốc tế.
Bản thân dự án “Hộ linh tráng sĩ – Bí ẩn mộ vua Đinh” cũng không phải một dự án phim lịch sử, mà là dự án phim cổ trang, dã sử. Và phim điện ảnh cũng không phải là tài liệu ghi chép lịch sử, vì vậy nên sự sáng tạo của phim cũng sẽ được tự do hơn rất nhiều. Nếu bộ phim phản ánh được đúng tinh thần lịch sử, hồn cốt lịch sử, phản ánh được tinh thần của dân tộc, của thời đại đó thì cũng rất là hoan nghênh rồi”.

Nhóm Kinh Bắc Legacy trình bày một thiết kế cho "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh".
Tương tự, tiến sĩ Trần Thị Phương Lan (Vụ trưởng vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) nhiều năm là thành viên hội đồng duyệt phim quốc gia, đánh giá: “Có thể nói là chưa có bộ phim nào tổ chức được một buổi hội thảo chuyên về trang phục phim, và đó là một điều chúng tôi vô cùng cảm kích. Hội thảo rất khó và có hai mặt, khi làm hội thảo ta phải chấp nhận đối diện với thách thức va chạm ý tưởng khác biệt. Các nhà thiết kế trẻ cũng đừng hoang mang, khi nghe các phát biểu của giới nghiên cứu lịch sử. Như ta biết, trang phục thời đó, chính giới nghiên cứu lịch sử cũng nói là không có nhiều sở cứ rồi. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao hồn cốt và tinh thần của Việt Nam được thổi vào trong trang phục.
Tôi có một niềm tin rằng các nhà thiết kế trẻ sẽ làm được điều đó, khi mà các bạn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu và có khả năng nghiên cứu gắn với khoa học kỹ thuật. Với những nhà thiết kế trẻ có nhiệt huyết, thì tôi chắc bộ phim “Hộ linh tráng sĩ – Bí ẩn mộ vua Đinh” có thể có được những cổ phục thời Đinh đủ sức thuyết phục công chúng, cho một dự án điện ảnh thành công”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Với thái độ trung dung, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Hội thảo đã cho thấy một khoảng cách, một khoảng cách đương nhiên sẽ có, giữa những con người sách vở và những người hành động. Và cái khoảng cách ấy chúng ta phải lấp đầy nó. Việc các bạn trẻ chưa tiếp cận được nhiều các nguồn tư liệu, đó là có thật. Nhưng mà chúng ta cũng không thể ngăn cản sự sáng tạo của các bạn trẻ. Mà hãy tạo ra một môi trường sinh thái để cho sự sáng tạo phát triển.
Cái sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh là cái sáng tạo cho tương lai mà quá khứ rất cần thiết. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta nên bắt đầu có một bước đi quy củ hơn, kế thừa nhau hơn, chứ không phải mỗi bộ phim là một sáng tạo riêng, một tài sản riêng mà không có kế thừa. Mục đích chúng ta là cải thiện được cái môi trường, cái hệ sinh thái phát triển cho phim cổ trang của Việt Nam”.