| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài 4]: Ảo mộng xứ người

Thứ Sáu 18/04/2025 , 08:35 (GMT+7)

Những người phụ nữ ôm mộng đổi đời, bỏ lại con thơ để tìm cuộc sống mới. Sau lưng họ là những đứa trẻ đang tuổi ăn học với tương lai bất định.

Nước mắt người ở lại

Cuộc sống của người Mông tại xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa từ lâu vốn khó khăn, nay càng trở nên nặng nề hơn khi những người phụ nữ bất ngờ rời bỏ bản làng, tìm kiếm một cuộc sống mới bên kia biên giới.

Thào A Ga (sinh năm 1995, bản Tà Cóm, Trung Lý) lấy vợ khi mới 14 tuổi, nay đã có 5 đứa con. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng chưa bao giờ Ga nghĩ đến việc vợ sẽ bỏ đi không lời từ biệt. Cách đây khoảng 1 tháng, vợ Ga bỏ đi khiến ông bố trẻ thất thểu như người mất hồn. Khuôn mặt Ga như già thêm chục tuổi vì nỗi lo cơm áo và nhớ vợ. Hôm đó, sau ngày làm nương vất vả, Ga trở về nhà nhưng không thấy vợ trong bếp sửa soạn bữa tối như thường ngày. Dân quanh làng phao tin vợ Ga đi xem bò ở suối Chảy (nơi người dân tụ tập để mua bán bò) tối mịt mới về.

Thào A Ga xúc động khi nhắc tới vợ và 5 đứa trẻ trong gia đình. Ảnh: Quốc Toản.

Thào A Ga xúc động khi nhắc tới vợ và 5 đứa trẻ trong gia đình. Ảnh: Quốc Toản.

Đêm khuya, vợ vẫn chưa về, Ga lo lắng gọi điện cho người thân và họ hàng để hỏi thăm, nhưng tất cả đều không có tin tức gì về vợ mình. Ga khi ấy vẫn đinh ninh vợ chỉ quanh quẩn đâu đó trong bản, chứ không dám đi xa vì không biết chữ. Nhưng những tin đồn về việc vợ mình đã vượt biên, tìm kiếm một cuộc sống mới nơi xứ lạ dần lan ra cả bản, khiến Ga bàng hoàng, không tin nổi vào những gì mình nghe được. Không lâu sau đó, Ga nhận được tin báo của người thân về việc vợ đã sang nước ngoài.

Bài liên quan

Vợ Ga chỉ nhắn gửi qua người thân bằng cuộc gọi chưa đầy 2 phút: “Em đi sang bên này rồi (nghi ngờ sang Trung Quốc), anh đừng đi tìm nữa. Em đi làm có tiền sẽ gửi tiền về cho anh nuôi con”, Ga kể lại.

Mấy đứa trẻ chưa đủ tuổi để hiểu chuyện người lớn, cứ gào khóc đòi mẹ mỗi đêm vì nhớ. Ga chỉ biết ôm chúng vào lòng, an ủi rồi bịa ra đủ lý do để dỗ dành: “Mẹ đi vài ngày rồi về”, Ga nói. Khi mấy đứa trẻ đã yên giấc, ông bố trẻ lọ mọ ra góc nhà, ngồi bệt dưới đất, tay ôm mặt khóc nấc vì nhớ vợ, thương con.

Người đàn ông ấy giờ đây phải một mình gồng gánh nuôi 5 đứa trẻ đang tuổi ăn học. Ga biết trước tương lai là những ngày dài vất vả, nên chẳng còn đủ sức để mơ về một cuộc sống dễ dàng hơn với mấy đứa trẻ. 

Bà Sùng Thị Chư buồn bã khi đứa con dâu bỏ nhà đi không lời từ biệt. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Sùng Thị Chư buồn bã khi đứa con dâu bỏ nhà đi không lời từ biệt. Ảnh: Quốc Toản.

Cách nhà Ga không xa, ngôi nhà của bà Sùng Thị Chư (94 tuổi, bản Tà Cóm, Trung Lý, Mường Lát) nằm trên lưng đồi, chỉ duy nhất lối mòn nhỏ dẫn lên. Từ khi V.T. D (con dâu út) bỏ nhà đi hồi tháng 9/2024, chồng D cũng rời bản đi tìm công việc để nuôi mấy đứa con. Việc sinh hoạt hằng ngày của 3 đứa con D phụ thuộc vào bà Chư và anh rể.

Mẹ bỏ nhà đi, bố rong ruổi kiếm việc dưới xuôi khiến mấy đứa trẻ phải trưởng thành vội vã. Trong căn bếp nhỏ, đứa con út của D mới chỉ 5 tuổi nhanh tay lục lọi đống bát đũa, tự tay xúc cơm vào bát rồi ăn ngấu nghiến như bị bỏ đói. Trong gian nhà chính, quần áo và sách vở của mấy đứa trẻ bày lổn ngổn trên giường ngủ. Vài tiếng chân lộc cộc của mấy chị em loay hoay trong gian nhà trống cũng không thể làm vơi đi nỗi nhớ mẹ của chúng. 

Đứa con út của D chủ động mọi thứ trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Đứa con út của D chủ động mọi thứ trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Vỡ mộng

Ở xã Trung Lý, không ít phụ nữ cũng theo dấu chân những người đã ra đi vượt biên sang Trung Quốc mang theo ảo mộng đổi đời. Tuy nhiên, đa phần họ đều không có cuộc sống như mong muốn, thay vào đó là chuỗi ngày dài vật lộn để mưu sinh, sống khắc khổ. Những câu chuyện về sự mất tích, những chuyến đi không hẹn ngày về, khiến không ít gia đình trong bản sống trong lo âu và nỗi buồn bất tận.

Chị H.T.C (48 tuổi, bản Khằm, xã Trung Lý) vừa trở về từ Trung Quốc năm 2017, sau hơn 10 năm lăn lộn ở xứ người. Năm đó, vì túng quẫn, chị C nghe theo lời bạn lên Lào Cai đi làm thuê, kiếm tiền trang trải nợ nần và nuôi con, sau khi chồng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Chuyến đi ấy, chị bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông nghèo với giá 40 triệu đồng.

“Người đàn ông ấy đưa tôi về nhà, mua quần áo, bao lo ăn uống, sau đó mới tiết lộ, tôi bị bán cho ông ấy để làm vợ. Do không biết tiếng Trung Quốc lại không quen biết người Việt Nam nên sau khi phát hiện mình bị bán, tôi không biết làm cách nào để thoát khỏi nhà”, chị C chia sẻ.

Chị H.T.C, nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh: Quốc Toản.

Chị H.T.C, nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh: Quốc Toản.

Hơn 10 năm chung sống, chị C và người chồng Trung Quốc có với nhau 2 mặt con. Cuộc sống của người phụ nữ không khác gì bị "giam lỏng". Nhất cử nhất động của chị đều bị theo dõi, giám sát chặt chẽ. Sau khi sinh con, gia đình chồng ít đánh đập chị hơn, nhưng họ bắt đi làm thuê từ sáng tới đêm. Toàn bộ số tiền chị kiếm được bị chồng và mẹ chồng lấy hết...

Ở xứ người không như mộng tưởng, chị C lặng lẽ chịu đựng số phận trong sự cô đơn và tủi nhục. Có lúc người đàn bà đã nghĩ đến cái chết, nhưng rồi nghĩ đến các con ở quê nhà, chị lại cố sống và nuôi hy vọng trốn thoát trở về.

Năm 2017, chị quyết định trốn chạy khỏi nhà với hy vọng tìm được đường về Việt Nam. Khi đi, người phụ nữ để lại mảnh giấy dặn dò các con: “Mẹ về Việt Nam và không còn quay lại nữa! Mẹ xin lỗi vì không thể mang theo các con”. Trên hành trình trốn chạy, chị C xin ăn, làm thêm… cho đến khi tìm được đồn công an ở tỉnh An Huy để trình báo sự việc.

Sau khi tiếp nhận thông tin và xác minh, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để giải quyết vụ việc. Sau vài tháng hoàn tất hồ sơ, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chức năng 2 nước, chị C được bàn giao về Việt Nam. Người phụ nữ ấy dù đã an toàn trở nhưng vẫn đau đáu với khúc ruột do mình đẻ ra ở bên kia biên giới. Chị vẫn mong có dịp được gặp lại chúng...

Trung tá Vi Văn Noóc, Trưởng Công an xã Trung Lý cho biết, từ năm 2018 đến nay, tình trạng người Mông tại xã Trung Lý vượt biên trái phép hoặc bị bán sang Trung Quốc đã cơ bản được khống chế. Đồng thời, cơ quan chức năng đã tham mưu chính quyền địa phương, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; chế độ chính sách của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân an cư, từ đó hạn chế tình trạng phải rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống tốt hơn bằng con đường nguy hiểm.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã phối hợp với lực lượng biên phòng, tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao, để ngăn chặn các hành vi tổ chức vượt biên trái phép. Nhờ sự nỗ lực này, tình trạng người dân bị lừa bán hoặc đi làm việc trái phép ở Trung Quốc đã giảm đáng kể, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Theo thống kê của Công an xã Trung Lý, từ trước đến nay, trên địa bàn xã Trung Lý có 45 trường hợp đi lấy chồng Trung Quốc, trong đó có 7 trường hợp xuất cảnh hợp pháp, 38 trường hợp xuất cảnh trái phép. Có 5 trường hợp sang Trung Quốc trái phép đã trở về. Việc phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc có nguyên nhân xuất phát từ cuộc sống của người dân còn nghèo, nhận thức kém nên dễ bị dẫn dụ.

Xem thêm
TP.HCM hoàn thiện các hạng mục chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 30/4

TP.HCM Những ngày giữa tháng 4/2025, các hạng mục cuối cùng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang được khẩn trương thực hiện.

Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể

Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.