LTS: Một vài bông hoa xoan trên đồi cũng không thể phát sáng cả khu rừng. Người dân Tà Cóm (Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) cũng vậy – họ khao khát đổi đời, nhưng vẫn chưa thể, bởi “bóng ma” của ma túy đã bám chặt bản làng suốt hàng chục năm nay. Phía sau lưng núi, là những câu chuyện đau buồn, những vết thương chưa lành. Đâu đó trong không gian vắng lặng của núi rừng vẫn còn văng vẳng trong gió những tiếng thở dài của những tâm hồn bị tổn thương.
Tứ bề gặp nghiện
Bản Tà Cóm (Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) nằm bên kia bờ sông Mã. Từ bến thuyền đến trung tâm bản mất khoảng 15 phút di chuyển bằng xe máy, vượt qua những đoạn đường dốc lởm chởm đất, đá và vệt bánh xe hằn sâu trên mặt đường. Bản người Mông nằm nép mình bên kia sườn núi, không gian sống của đồng bào chỉ quẩn quanh với nương rẫy, luống ngô, ruộng lúa trồng vội theo mùa.

Một góc bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Chiều muộn, nguyên trưởng bản Tà Cóm - Thào A Thái thiết đãi các vị khách bằng một chai rượu sắn, được ngâm ủ đã lâu, nay mới có dịp khoe. Ông Thái tính thẳng và thật nên không câu nệ trong giao tiếp: “Người Mông không ép ai uống rượu, nhưng không cầm chén thì dân bản chưa ưng bụng”. Ông Thái nói và uống ực một chén đầy ú ụ, cổ họng khà lên một tiếng dài như thể khàn giọng.
Ông Thái là một trong số hàng chục người Mông gốc Sơn La, di cư xuống Tà Cóm từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông là người từng trải, sõi tiếng Việt, lại uy tín trong làng nên được bầu làm trưởng bản khi mới hơn 30 tuổi. Ông Thái mới xin nghỉ hưu cách đây 2 năm, tuy nhiên, mọi chuyện lớn nhỏ trong bản, ông vẫn được mời tham gia với tư cách "cố vấn", đặc biệt là liên quan đến vấn đề phòng chống ma túy.

Ông Thào A Thái, nguyên trưởng bản Tà Cóm. Ảnh: Quốc Toản.
Nguyên trưởng bản Thào A Thái cho biết, khoảng thời gian từ 2010-2018 Tà Cóm được xem là điểm “nóng” về ma túy của xã Trung Lý nói riêng, huyện Mường Lát nói chung. Toàn bản khi đó có khoảng 50-60 trường hợp nghiện ma túy, có thời điểm cứ ra đường là gặp nghiện. Hầu như nhà nào cũng có người nghiện mà túy. Có gia đình 2 thế hệ đều nghiện (vợ chồng, con cái) nên tình trạng trộm cắp vặt xảy ra liên tục, đến mức nhiều người không dám nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Thái nhớ mãi chuyện H.A.S bán con để lấy tiền mua ma túy với nỗi đau đớn không thể quên. S là đối tượng nghiện ma túy lâu năm tại bản. Gia đình S có hơn 10 nhân khẩu, cuộc sống dựa vào mấy sào nương rẫy nhưng không đủ ăn vì đông con, bởi vậy, mấy đứa trẻ phải nghỉ học giữa chừng. Đã thế, sau khi bán hết đồ đạc trong nhà, S giấu vợ, bán luôn cả đứa con thứ 5, khi đó mới 3 tuổi cho người ta ở Sơn La để lấy tiền mua ma túy. Vợ S khi ấy phát hiện ra sự việc tức tốc đến nhà trưởng bản Thái để “kiện” chồng.

Mấy đứa con D luẩn quẩn trong gian nhà chật, bữa đói, bữa no. Ảnh: Thanh Duyên.
Trưởng bản Thào A Thái đứng vai hòa giải, khuyên răn, thậm chí “dọa” S: “Nếu không khai bán con cho ai, tôi báo công an xử lý”. Sau một hồi vòng vo, S chịu mới khai thật. Sau khi phát hiện tung tích đứa con bị bán, S.T.T (vợ S) chạy vạy tiền nong để chuộc con về. Sau lần đó, S bỏ nhà ra đi, còn vợ cũng vì thế mà đi tìm kiếm cuộc sống mới.
Gia cảnh ly tán, kinh tế kiệt quệ vì ma túy H.T.D làm dâu nhà S khi mới 15 tuổi cũng chịu chung cảnh nghèo đói. D nay 21 tuổi nhưng có tới 3 mặt con. Gia sản mà bố mẹ chồng D để lại chỉ là căn nhà tạm trống trơn, nằm tít trên đồi vắng. Mấy đứa trẻ luẩn quẩn trong gian nhà chật, bữa đói, bữa no. Có hôm bữa ăn của chúng chỉ có cơm trắng với nước lã.
Đảng viên cũng dính ma túy
Nguyên trưởng bản Thào A Thái là người Mông đầu tiên tại bản Tà Cóm được kết nạp đảng năm 2008. Thời điểm đó, bản có cả trăm nhân khẩu, nhưng chỉ có hơn 30 thanh niên đến tuổi trưởng thành. Việc tìm kiếm những người đủ tiêu chuẩn để tham gia lớp cảm tình đảng và kết nạp đảng viên thời điểm ấy khó như "mò kim đáy bể".
"Những người không nghiện thì lại không biết chữ, còn những người có tí chữ thì rơi vào cái vòng luẩn quẩn của nghiện ngập. Có người đã được kết nạp đảng chính thức, nhưng rồi lại bị xóa tên đảng viên vì vướng vào ma túy", ông Thái chia sẻ với ánh mắt đầy nỗi buồn.
Đau xót nhất trong những ký ức của ông Thái là câu chuyện về một cán bộ có chức sắc trong bản nhưng sa vào cạm bẫy của ma túy, nhưng ông không có cách cứu giúp. “Cán bộ bản nghiện, nên mọi chuyện từ họp hành đến việc quản lý bản, tôi đều phải gánh vác hết. Dù tôi đã khuyên can nhiều lần, anh ấy vẫn không thể từ bỏ chất cấm.
Có lần, 2 người ngồi lại với nhau trò chuyện, tôi nói thẳng: “Anh nên viết đơn xin ra khỏi đảng, vì nếu tiếp tục, sẽ không thể làm gương cho dân được nữa. Dù trong lòng đau đớn, nhưng trách nhiệm và lương tâm của một đảng viên không thể cho phép tôi bao che cho những lỗi lầm như vậy", ông Thái nói.

Đồng bào Mông tại Tà Cóm chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của nhà nước. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Thái kể thêm về trường hợp của một quần chúng được phát hiện và giới thiệu học lớp cảm tình Đảng. Sau khi hoàn thành thời gian thử thách, công dân này không được chuyển đảng chính thức vì phát hiện người thân vào tù vì ma túy.
Nghiện, cai rồi lại tái nghiện - vòng luẩn quẩn ma túy cứ bám riết lấy dân làng qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, cái nghèo, đói cứ dai dẳng mãi nơi đây. Tính đến năm 2020, toàn xã vẫn còn 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Đến nay, trong số 112 hộ dân, mới có 12 hộ thoát nghèo.
Trung tá Vi Văn Noóc - Trưởng công an xã Trung Lý cho biết, trước đây xã Trung Lý nói chung, Tà Cóm nói riêng là địa bàn phức tạp ma tuý là bởi vị trí tiếp giáp biên giới Việt - Lào, nên nguồn ma túy được xác định xuất phát từ khu vực “Tam giác vàng” thẩm lậu vào địa bàn. Đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng giao lưu, buôn bán, quen biết, mối quan hệ thân tộc, dòng tộc 2 bên biên giới và cũng bởi giá trị “siêu lợi nhuận” của ma túy, nên vận chuyển vào địa bàn hoặc đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Cũng theo trung tá Vi Văn Noóc, trưởng bản, bí thư chi bộ bản là người chịu áp lực lớn trong cuộc đấu tranh chống ma túy, bởi họ là người bởi họ là người đứng đầu bản, tham gia gánh vác trách nhiệm và bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng.
“Có lần trưởng bản bị con nghiện trả thù bằng cách giết trâu, lợn để dằn mặt vì cung cấp thông tin ma túy cho lực lượng đánh án. Do sợ bị liên lụy đến người thân nên có người làm đơn xin rút khỏi ban quản lý bản”, trung tá Noóc kể.
Theo Công an xã Trung Lý, qua rà soát, năm 2020 toàn xã Trung Lý có 170 đối tượng có liên quan ma túy, trong đó phần lớn tập trung tại bản Tà Cóm. Đặc biệt tại Bản Tà Cóm xuất hiện nhiều đối tượng ma túy manh động, khi bị truy bắt sẵn sàng chống trả lực lượng. Có đồng chí đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Tà Cóm giáp biên giới Việt - Lào và khu vực “Tam giác vàng” nên trước đây, việc mua bán ma túy diễn ra tấp nập. Nhiều đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng dân bản nhẹ dạ cả tin nên đã lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí ép buộc họ tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy. Cũng bởi giá trị “siêu lợi nhuận”, nhiều người dân Tà Cóm bất chấp pháp luật, ngang nhiên hoạt động, thậm trí lôi kéo người thân, bạn bè tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, hình thành các đường dây ma túy với số lượng lớn với nhiều đối tượng tham gia.