| Hotline: 0983.970.780

Chi hơn 190 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng Vườn quốc gia Cát Bà

Chủ Nhật 06/04/2025 , 06:10 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sau nhiều năm bị trì hoãn, 7 trạm kiểm lâm đã xuống cấp tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà đã được đầu tư xây dựng mới để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Trạm kiểm lâm Eo Bùa đang được xây dựng mới sau khi đã xuống cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Trạm kiểm lâm Eo Bùa đang được xây dựng mới sau khi đã xuống cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Thông tin với Báo Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, dự án “Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng Vườn quốc gia Cát Bà” đã được UBND TP. Hải Phòng điều chỉnh, bổ sung và đang triển khai thực hiện để khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cơ sở hạ tầng tại đây, đặc biệt là sau bão Yagi.

Dự án này trước đó đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt vào cuối năm 2010 với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2010 đến 2015. Tuy nhiên, do những vướng mắc về thủ tục và nguồn vốn, dự án bị trì hoãn suốt nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát triển du lịch tại VQG Cát Bà.

Theo điều chỉnh này, có 6 trong số 9 hạng mục ban đầu bị cắt giảm, bao gồm hạ tầng viễn thông, giao thông liên kết các khu chức năng, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm cứu hộ động vật, khu bảo tồn chim và thực vật, khu tham quan vườn thực vật. Một số hạng mục khác cũng được thu hẹp quy mô, như chòi quan sát động vật và chòi canh lửa. Cùng với đó, tuyến đường mòn tuần tra kết hợp du lịch dài 20 km chỉ được cải tạo 3,2 km, đoạn từ trung tâm VQG Cát Bà đến Ao Ếch.

Một trạm kiểm lâm trên biển bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau bão Yagi. Ảnh: Đinh Mười.

Một trạm kiểm lâm trên biển bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau bão Yagi. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, dự án điều chỉnh vẫn tập trung vào việc xây dựng mới 7 trong số 12 trạm kiểm lâm để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ và bảo tồn tại các khu vực trọng điểm gồm các trạm: Trà Báu, Khoăn Cao, Vạn Tà, Việt Hải, Phù Long, Eo Bùa và Áng Kê. Hai trạm kiểm lâm nổi cũng được xây dựng mới tại các khu vực khó khăn về địa hình, mỗi trạm có diện tích bè 245 m2 và diện tích xây dựng 148 m2.

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà, cho biết nhiều trạm kiểm lâm trước đây bị hư hỏng nặng nề, buộc cán bộ kiểm lâm phải làm việc trong các trạm nổi tạm bợ. Tình trạng xuống cấp cũng ảnh hưởng đến các tuyến đường tuần tra, một số điểm du lịch thiếu nhà vệ sinh công cộng, gây khó khăn cho du khách.

Đặc biệt, sau bão số 3 (Yagi), thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng dự kiến phải khắc phục sửa chữa hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, hai trạm kiểm lâm Gio Cùng và Ao Éch bị hư hỏng từ 70-100%, không thể sửa chữa. Riêng trạm Cát Dứa hư hỏng 30-50%, và Khoản Cao hư hỏng 0-30%. Tại công trình Vườn Ươm, nhiều hạng mục cũng bị thiệt hại đến 70%, các công trình khác như nhà nuôi bướm, nhà trồng hoa lan, và vườn phong lan đều bị hư hỏng 100%,…

Những chồi non đã mọc lên sau nửa năm bị bão tàn phá, việc được đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Những chồi non đã mọc lên sau nửa năm bị bão tàn phá, việc được đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Để đảm bảo hoạt động, VQG Cát Bà đã đề xuất, kiến nghị UBND TP. Hải Phòng sớm triển khai xây mới các trạm kiểm lâm và thanh lý các công trình hư hỏng nặng. Đến nay, một số trạm kiểm lâm như Khoăn Cao, Áng Kê và Eo Bùa đã được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp Hải Phòng phụ trách.

Ông Nguyễn Văn Thịu đánh giá, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững du lịch tại VQG Cát Bà.

“Dự án hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới, hiện đại hơn cho Vườn quốc gia, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của khu vực. Việc đầu tư này không chỉ cải thiện chất lượng công việc mà còn nâng cao trải nghiệm của du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững”.

Năm 2024, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND, điều chỉnh và phê duyệt lại dự án với tổng mức đầu tư giảm xuống còn hơn 190 tỷ đồng. Nguồn vốn Trung ương vẫn giữ nguyên ở mức gần 82 tỷ đồng theo Quyết định số 2370/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Xem thêm
Hỗ trợ người dân chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô trang trại

ĐỒNG THÁP Đó là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đề ra đến cuối năm 2025.

Liên tiếp phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ngãi

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi với nhiều ổ dịch được phát hiện, hàng trăm con lợn buộc phải tiêu hủy.

Khánh Hòa tạo cú hích cho du lịch nông nghiệp

Khánh Hòa đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất