
Mỗi bước chân là một lần tiến về phía bình yên…
Hạnh phúc nhất của một con người tôi nghĩ không phải là tiền tài địa vị, hay danh vọng giàu sang, mà được đi, được chạy bằng đôi chân tự do, bởi khi đó con người ta có thể cảm nhận sự tiếp nối các nhịp giống như bản tình ca về cuộc sống nơi trái tim mình. Những nhịp đời không nghỉ.
Dẫu biết rằng có người chạy để theo đuổi ước mơ, có người chạy trốn khỏi quá khứ, nhưng cũng có những người chỉ chạy vì họ không muốn đứng yên trong một thế giới không ngừng thay đổi. Còn tôi chạy không phải để đuổi kịp điều gì, chạy là cách để tôi đối thoại với chính mình, thứ đối thoại không lời. Mỗi lần tôi chạy còn là khoảng lặng giữa những tất bật lo toan cơm áo, là khoảng trời riêng. Tôi không cần là ai, không cần gồng mình.
Có lúc tôi chạy bầu trời như đã cũ, nắng gánh mùa từ hôm qua ngang phố. Phố xá sau mưa bàng bạc. Mặt đường thẫm màu, những vũng nước nhỏ loang loáng phản chiếu lên như những mảnh gương vỡ vụn. Cơn mưa đã để lại phía sau một thành phố ướt mềm trong những giấc mơ chưa kịp hong khô.
Trước đây tôi vốn không phải là người thường xuyên chạy bộ, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôi đi bộ rất nhiều, gần như đi đâu cũng đi bộ. Để có một chiếc xe đạp đi lại ở thời điểm đó với tôi là một điều xa xỉ. Tuổi thơ tôi mỗi ngày đến trường phải đi bộ hơn một tiếng mới đến nơi. Có những lúc vừa đi vừa chạy để kịp giờ đến trường nếu hôm đấy tôi dậy muộn, hay mưa gió đường trơn, thì con đường đến trường vẫn không thay đổi, khoảng cách vẫn vậy. Tôi luôn có mặt đúng giờ trước khi thầy cô vào lớp. Có những lúc giống như bước đi trong mơ, con đường trước mắt trải dài bỗng mềm mại như dải lụa bạc dẫn tôi trôi qua những nếp nhà nhỏ xinh, những vạt cỏ xanh, những khóm cây thầm thì… cứ thế chẳng mấy chốc tôi đã có mặt ở trường.
Ngày bà ngoại mất, mẹ đèo hai đứa em tôi về quê gấp. Bố ở đảo Trường Sa, lúc đó tôi còn nhỏ, đang đi học. Mẹ nhờ bác hàng xóm nói lại với tôi. “Ngày mai sẽ có người đến đón con về quê, đừng lo lắng con nhé!”. Đi học về, biết tin bà ngoại mất, tôi buồn nhiều, cứ thế cắm cổ chạy về quê không nhớ lời mẹ dặn. Chạy đến chiều tối thì về đến nơi. Quãng đường từ Gia Lâm nơi tôi ở đến quê Đông Anh là gần 25km, đối với một đứa trẻ là rất xa. Trời mùa hè, mồ hôi cùng bụi đất lấm lem khắp mặt. Mẹ nhìn thấy hỏi: “ai chở con về thế?”. Khi biết tôi chạy về quê, mẹ òa khóc, khóc hơn một lần. Vừa khóc bà ngoại mới mất vừa khóc thương con…
Sau này lớn lên tôi bắt đầu chạy lại, có những đoạn đường, mỗi bước tiến lên giống như một cuộc chiến với bản thân. Cả người tôi uể oải mỏi nhức rã rời, đôi chân như sắp rụng, còn trái tim đập thình thịch như có ai đánh trống trong lồng ngực. Thế nhưng chính những giây phút đầm đìa mồ hôi, người nóng bừng, hai tai ù đi, tôi học được cách yêu thương sự yếu đuối của bản thân, học cách chấp nhận có vấp ngã, chậm chạp cũng không sao, miễn là mình không từ bỏ. Tôi chạy không phải để thắng ai, mà là để thắng chính mình, để thấy vẫn còn mơ ước gắng vươn tới. Chạy dạy tôi biết khiêm nhường trước những giới hạn, giúp tôi hiểu mỗi một nhịp thở còn được kéo dài là mỗi một bước chân còn có thể bước tới, đó chính là ân huệ của mỗi người giữa cõi đời mong manh…
Chạy dạy tôi hạnh phúc không phải là đích đến, mà nằm trong chính hành trình. Không phải chỉ khi vượt qua vạch đích ta mới mỉm cười, mà ngay cả lúc mệt nhoài, nếu như lắng nghe thật kỹ, ta sẽ thấy niềm vui lấp lánh ở đâu đó trong từng bước chân.
Tôi thường chạy vào mỗi sớm mai giữa những con phố còn đang ngái ngủ, nơi bước chân tôi vang lên như nhịp tim của thành phố. Cứ thế mỗi hơi thở phả vào trong gió như vệt khói mỏng tan vào khoảng không. Những ngọn đèn phố lúc này vẫn còn nhòe nhoẹt trong sương sớm giống như ánh mắt ngái ngủ của một đứa trẻ. Mỗi lần chạy như vậy tôi thường nghĩ mồ hôi sẽ cuốn đi những phiền muộn của cuộc sống và nỗi buồn nào đó cũng sẽ không kịp ngưng đọng lại. Tôi vừa chạy vừa nhận ra, chạy không chỉ là vận động của đôi chân mà còn là chuyển động của tâm hồn. Tôi hiểu chạy có đôi khi còn là hành động bản năng của ai đó trong cuộc sống đầy biến động. Với tôi mỗi bước chạy như một lần tôi bỏ lại phía sau những chông chênh mỏi mệt. Tôi nghĩ trong tất cả những xô bồ, người ta cũng chỉ mong được bình yên. Lặng lẽ, tự do, và đủ đầy trong từng hơi thở.
Có lúc tôi chạy bầu trời như đã cũ, nắng gánh mùa từ hôm qua ngang phố. Phố xá sau mưa bàng bạc. Mặt đường thẫm màu, những vũng nước nhỏ loang loáng phản chiếu lên như những mảnh gương vỡ vụn. Cơn mưa đã để lại phía sau một thành phố ướt mềm trong những giấc mơ chưa kịp hong khô. Từng hạt nước long lanh như chuỗi ngọc thi thoảng vẫn âm thầm lăn trên tán lá. Mùi mưa còn đọng trong không khí ngai ngái, ngọt ngào như hương vị của ký ức. Mùi đất ẩm trộn lẫn với mùi cỏ thoang thoảng trong gió, mộc mạc, nguyên sơ khiến tôi lại nhớ lúc còn nhỏ đã vội vã chạy trong cơn mưa để kịp đến trường. Tôi nghe thấy lúc đấy tiếng chân trần mình chạm đất, những nhịp chân nhỏ ấy khẽ đánh thức đất mềm, khơi dòng hơi thở ngày mới, và trong từng bước chạy, tôi nghĩ mình giống như một mảnh nhỏ bé của thiên nhiên rộng lớn.
Là như vậy, giờ đây mỗi ngày tôi thường xuyên chạy để trái tim mình hòa vào nhịp đập của đất, để mỗi hơi thở không còn là gánh nặng mà là khúc ca thắp sáng tâm hồn. Chỉ có gió là luôn hiện diện quanh tôi, đằng sau, trước mặt ve vuốt da thịt cổ vũ cho tôi, để tiếng lòng ngân vang như một bài ca tự tại. Tôi nghĩ vòm trời cao rộng này sẽ chở che tôi như bàn tay dịu dàng của mẹ. Tôi biết ơn từng bước chân có thể tiến về phía trước, biết ơn từng hơi thở còn thong dong trong lồng ngực.
Chạy dạy tôi hạnh phúc không phải là đích đến, mà nằm trong chính hành trình. Không phải chỉ khi vượt qua vạch đích ta mới mỉm cười, mà ngay cả lúc mệt nhoài, nếu như lắng nghe thật kỹ, ta sẽ thấy niềm vui lấp lánh ở đâu đó trong từng bước chân. Chạy không chỉ làm cơ thể tôi trở nên mạnh mẽ, mà còn làm tâm hồn tôi rộng mở. Có những quãng đường dài như bất tận, từng sải chân tôi nặng trĩu, tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi học cách tiếp tục, không cần nhanh, chỉ cần không dừng lại. Và rồi, cũng như trong cuộc sống, những điều đẹp đẽ luôn chờ đợi ở cuối con đường cho những ai biết nhẫn nại.

Thông điệp ánh sáng cuối con đường. Ảnh minh họa.
Tôi nghĩ không quan trọng con người ta bao nhiêu tuổi. Bởi lẽ, ta chẳng bao giờ quá trẻ hay quá già để thành công hay làm những điều gì mình muốn. Hãy viết nên sức khỏe bằng đôi chân biết chạy của bản thân, bởi chỉ có như vậy sẽ gặp gỡ với chính mình, sẽ cảm nhận được thời gian đang ngưng lại.
Năm 2000 bố tôi mất. Bố mất ở tuổi 58 do di chứng của chiến tranh để lại. Trước đấy bố viết vào cuốn sổ tay dặn dò tôi, vì bố không thể nói, không còn nghe được nữa: "Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, con nhớ giữ gìn cho tốt Lê Minh nhé!”
Ánh sáng cuối ngày như một dải lụa cam đào vắt ngang rồi nhòa dần vào nền trời xám tím. Mặt trời lặng lẽ hôn nhẹ lên đường chân trời và đặt vào lòng người một khoảng lặng, bỗng nhiên tôi lại muốn chạy để lòng được mềm đi. Tôi biết, rồi sẽ có lúc đôi chân tôi không còn khỏe, nhịp tim không còn đều nữa. Nhưng tôi tin, nếu còn có thể chạy, dù chậm rãi tôi vẫn chạy… bởi mỗi bước chân là một lần tiến về phía bình yên…
Những nhịp đời không nghỉ.