Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng góp ý về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi khoản 3 Điều 8 về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo sự công bằng và không gây thiệt thòi cho các chủ đầu tư. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo hiện nay, nếu kết quả kiểm toán, quyết toán xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội cao hơn giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch từ người mua, thuê mua. Ngược lại, nếu giá kiểm toán thấp hơn, chủ đầu tư lại phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua, thuê mua. Quy định này chưa công bằng với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Chính vì vậy, HoREA đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép chủ đầu tư được thu thêm phần chênh lệch nếu giá sau kiểm toán cao hơn giá trong hợp đồng, trừ trường hợp chủ đầu tư tự nguyện không thu thêm, xuất phát từ tinh thần phục vụ cộng đồng.

Cần có cơ chế vay ưu đãi lãi suất thấp cho người thu nhập thấp để có cơ hội mua nhà. Ảnh: Bích Trần.
Tương tự, HoREA còn đề nghị bổ sung quy định rõ về việc xác định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, nên giao cho chủ đầu tư chủ động xác định đối tượng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật, thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ quan quản lý.
Đồng thời cần có cơ chế vay ưu đãi lãi suất khoảng 3%-5%/năm, thời hạn tối đa đến 25 năm. Chẳng hạn, với một căn hộ nhà ở xã hội có giá 2 tỉ đồng, người dân được vay tương đương 80% giá trị căn hộ, trả góp trong 25 năm với lãi suất 4,8%/năm theo dư nợ giảm dần.
HoREA đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc không áp giá trần đối với nhà ở xã hội. Bởi vướng mắc hiện nay không nằm ở giá bán hay giá thuê, mà là việc thiếu các chính sách tín dụng dài hạn ưu đãi cho người mua và thuê nhà ở xã hội.