Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, truyền thông không chỉ đơn thuần là phản ánh thông tin mà còn phải trở thành một công cụ sắc bén, góp phần định hướng nhận thức, tạo sự đồng thuận và thúc đẩy thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật. Trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện hành lang pháp lý và siết chặt quản lý tài nguyên, truyền thông càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc phổ biến thông tin mà còn giám sát, phản biện chính sách.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về vai trò của truyền thông trong thực thi Luật Địa chất và khoáng sản cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong lĩnh vực này.

TS Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.
Thời gian qua, các vấn đề như khai thác khoáng sản trái phép, sự cố môi trường, tai biến địa chất đang thu hút sự quan tâm lớn từ xã hội. Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của truyền thông trong việc phản ánh và định hướng dư luận trước những vấn đề này?
Truyền thông không chỉ đơn thuần là một kênh thông tin mà còn là lực lượng góp phần định hình nhận thức xã hội về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là sự thiếu hụt thông tin chính xác và kịp thời, dẫn đến những hiểu lầm, gây hoang mang dư luận hoặc thậm chí tạo ra khoảng trống để các hoạt động khai thác trái phép lộng hành.
Do đó, truyền thông phải là “mắt xích” then chốt giúp minh bạch hóa thông tin, cảnh báo rủi ro và lan tỏa các giải pháp quản lý bền vững. Bên cạnh phản ánh thực trạng, báo chí cần tập trung vào việc chuyển tải những nghiên cứu khoa học, những phát hiện địa chất quan trọng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo vệ tài nguyên. Chỉ khi thông tin đến đúng người, đúng thời điểm và đúng cách, chúng ta mới có thể thay đổi nhận thức và hành động của xã hội trong việc sử dụng khoáng sản một cách hợp lý.
Việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và khoáng sản là một bước tiến lớn, nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Theo ông, truyền thông đã phát huy vai trò của mình như thế nào trong quá trình này?
Ban hành một đạo luật đã khó, nhưng đưa luật vào cuộc sống còn khó hơn gấp nhiều lần. Truyền thông là cây cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ nội dung luật, quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Thời gian qua, báo chí đã đóng góp đáng kể vào quá trình hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản, tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp phản biện và đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn là công tác truyền thông chưa thực sự quyết liệt trong phổ biến các quy định chi tiết của luật. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ trách nhiệm pháp lý khi khai thác khoáng sản, nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản và môi trường.
Chẳng hạn, một số quy định về phục hồi môi trường sau khai thác, kiểm soát chất thải trong khai thác khoáng sản vẫn chưa được hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc. Truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, không chỉ cung cấp thông tin mà còn chủ động phản biện những bất cập trong thực thi chính sách, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan và thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực này.
Trong quá trình thi hành Luật Địa chất và khoáng sản, chúng tôi không chỉ tập trung vào tuyên truyền, mà còn chú trọng tiếp thu phản hồi từ cộng đồng. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ đóng vai trò then chốt, giúp điều chỉnh và hoàn thiện chính sách kịp thời. Đặc biệt, báo chí sẽ là những “điều tra viên” phản ánh thực tế, chỉ ra những sai sót trong thực thi chính sách và đề xuất các giải pháp thiết thực.
Tôi kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, truyền thông sẽ mạnh dạn hơn, sắc bén hơn, không chỉ dừng lại ở việc đưa tin mà phải tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát thực thi chính sách, tạo sức ép dư luận để các cơ quan quản lý phải hành động quyết liệt hơn.

Thúc đẩy việc tuyên truyền những câu chuyện thành công trong việc khai thác khoáng sản bền vững. Ảnh: minh hoạ.
Để thúc đẩy việc thực thi Luật Địa chất và khoáng sản hiệu quả hơn, theo ông, truyền thông cần thay đổi như thế nào?
Truyền thông cần phải đổi mới toàn diện.
Thứ nhất, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và dễ hiểu. Báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý để diễn giải chính sách một cách rõ ràng, giúp doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận.
Thứ hai, mở rộng góc nhìn phản biện và giám sát chính sách. Báo chí cần đi sâu hơn vào các vấn đề như trách nhiệm phục hồi môi trường, công khai dữ liệu khai thác khoáng sản, minh bạch quy trình đấu giá mỏ, từ đó thúc đẩy thực thi pháp luật nghiêm túc hơn.
Thứ ba, tạo ra những thay đổi thực chất trong nhận thức cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở cảnh báo và chỉ trích, truyền thông cần truyền cảm hứng về những mô hình khai thác bền vững, những sáng kiến công nghệ xanh, từ đó khuyến khích doanh nghiệp và người dân thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Nhân dịp Báo Nông nghiệp và Môi trường chính thức hoạt động, ông có kỳ vọng gì về việc truyền thông ngành địa chất và khoáng sản?
Tôi kỳ vọng rằng Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc truyền tải thông tin chính xác, cập nhật về các vấn đề nông nghiệp và môi trường nói chung, địa chất và khoáng sản nói riêng. Cùng với sự phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại, tôi tin rằng Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ là một kênh truyền thông sắc bén, khách quan và có trách nhiệm, là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!