Gia tăng mưa cực đoan trong tháng 6
Thống kê từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, lượng mưa trong tháng 6 của tại khu vực ven biển Đông Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và khu vực Nam Bộ thấp hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các khu vực còn lại trên cả nước phổ biến cao hơn từ 20-50% so với TBNN, đặc biệt khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng cao hơn từ 300-600%, có nơi cao hơn.
Một số trạm có mưa lớn trong tháng như: Bắc Quang (Hà Giang) 1.772mm, Gia Bảy (Thái Nguyên) 975mm, Thái Nguyên 953mm, Lục Yên (Yên Bái) 741mm, Hà Giang 722mm, A Lưới (TP Huế) 1048mm, Nam Đông (TP Huế) 958mm, Thượng Nhật (TP Huế) 832mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 766mm.

Lũ trên các sông dâng cao do mưa lớn, các hồ chứa xả lũ. Ảnh: Trung Nguyên.
Nguyên nhân gây mưa chủ yếu do rãnh áp thấp bị nén kết hợp hội tụ gió trên cao, tác động với địa hình của địa phương. Đáng chú ý, đợt mưa từ ngày 10-13/6 do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 nên khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 600mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xảy ra nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to diện rộng. Một số trạm ghi nhận được giá trị lượng mưa cao nhất ngày và tháng vượt giá trị lịch sử.
Trong tháng 6, không có tình trạng hạn hán, thiếu nước nhưng ngập lụt gây thiệt hại tới hàng chục nghìn ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đợt mưa ngày 21-25/6 đã làm ngập úng gần 4.000 ha lúa và hoa màu tại một số tỉnh gồm: Lạng Sơn; Bắc Giang; Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Còn tại Trung Bộ, mưa do bão số 1 đã gây ngập úng hơn 70.000 ha lúa và hoa màu tại một số tỉnh gồm: Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Dung tích các hồ chứa thủy lợi tại các khu vực trên cả nước. Nguồn: Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.
Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi nhận định, trên cả nước, mức nước ở hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang cao hơn so với cùng kỳ TBNN, trừ các hồ ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Lượng nước về các hồ thủy điện cũng tăng so với tháng 5.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trong mùa mưa nên xâm nhập mặn đã kết thúc và không còn khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ranh mặn 4g/l lớn nhất vùng cửa sông Cửu Long từ 15-22km, vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 20-25km, tương đương với TBNN. Lũ nội đồng trên vùng ĐBSCL trong tháng 6 ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều.
Dự báo mưa còn tăng thêm, cần lên phương án đề phòng ngập úng
Dự báo tổng lượng mưa tháng 7 tại Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 20-50%, khả năng xuất hiện một số đợt mưa diện rộng. Các khu vực còn lại phổ biến thấp hơn từ 5-15%. Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa dông, có ngày có mưa to đến rất to, thời điểm mưa tập trung vào chiều tối.
Về tình hình hồ chứa, dự báo đến cuối tháng 7/2025, các hồ ở khu vực miền núi phía Bắc, trung du, đồng bằng Bắc Bộ dự kiến đạt 50-100% dung tích thiết kế. Một số tỉnh đã có mưa lớn vừa qua khả năng sẽ đầy hồ là Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình. Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra ngập lụt, úng trong mùa mưa.
Bên cạnh đó, dự báo các hồ ở Bắc Trung Bộ trung bình đạt bình đạt khoảng 60% dung tích thiết kế. Một số tỉnh cao hơn là Thanh Hóa 56% Nghệ An 63%, Hà Tĩnh 52%, Quảng Bình 78%, Quảng Trị 84%, Huế 82%. Vụ Hè thu 2025 cơ bản đủ nước đảm bảo sản xuất.
Khu vực Nam Trung Bộ dù có nguồn nước dồi dào hơn các năm trước nhưng vẫn cần đề phòng nếu thời tiết nắng nóng và không mưa kéo dài, nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi và Phú Yên (cũ) với tổng diện tích bị ảnh hưởng từ 1.000-2.000 ha (Quảng Ngãi 500-1.000 ha và Phú Yên 500-1.000 ha).

Nguồn nước năm 2025 dồi dào và đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Nguyên.
Khu vực cao nguyên Trung Bộ và Đông Nam Bộ cũng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Riêng ở Đông Nam Bộ, cơ quan thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, xây dựng phương án phòng, chống úng, ngập, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa, bảo đảm chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ở các khu vực: vùng dọc sông Sài Gòn đoạn qua TP.HCM (khu vực hạ du hồ Dầu Tiếng), vùng ven sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), khu vực hạ du sông Buông đoạn qua Trảng Bom và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sông Thị Tính đoạn qua Mỹ Phước (TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũ), khu vực ven Suối Rạt (TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cũ).
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước trong tháng 7 dự báo ở mức thấp và có xu thế tăng. Đến ngày 31/7, dự báo lũ đầu nguồn cao nhất đạt 2 m tại Tân Châu; 1,95 m tại Châu Đốc (thấp hơn cùng kỳ TBNN). Khu vực trung tâm, mực nước dự báo ở mức 1,5 m tại Cần Thơ; 1,35 m tại Mỹ Thuận.
Lũ nội đồng ở vùng Thượng ở mức thấp hơn cùng kỳ tháng 7/2024 bình quân khoảng 0,20 – 0,25 m, phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN. Ở vùng giữa và vùng ven biển, đỉnh lũ cũng thấp hơn năm ngoái nhưng cao hơn khá nhiều so với TBNN.