| Hotline: 0983.970.780

'Tô đậm' những điểm giao thoa nông nghiệp - môi trường

Chủ Nhật 04/05/2025 , 08:14 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp và Môi trường khi đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò kết nối, làm đậm nét hơn những điểm giao thoa nông nghiệp - môi trường.

Điều này rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp đang có nhiều hoạt động gắn liền với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường nhân sự kiện Báo Nông nghiệp và Môi trường chính thức hoạt động với tên gọi mới, bộ máy mới.

Tiếng nói chung về tăng trưởng phát thải thấp

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, ứng phó BĐKH hiện nay đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Một trong những thay đổi lớn nhất đến từ cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đây là cột mốc đánh dấu hoạt động giảm nhẹ được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực có phát thải lớn.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khánh Ly.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khánh Ly.

Thực hiện trách nhiệm cùng với quốc tế, Việt Nam bắt buộc phải giảm phát thải từ năm 2021 trở đi. Cùng với hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách pháp luật, công tác kiểm kê khí nhà kính đang được triển khai rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, cơ sở sản xuất, trang trại... Mục tiêu nhằm xác định cụ thể lượng phát thải của từng ngành, lĩnh vực, cơ sở, làm căn cứ xây dựng kế hoạch giảm phát thải với những giải pháp rõ ràng, một lộ trình nhanh chóng và hiệu quả.

Ngay từ đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án thành lập thị trường các-bon. Theo đó, năm nay sẽ thí điểm sàn giao dịch các-bon với sự tham gia trước hết của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phát thải lớn là nhiệt điện, sản xuất xi măng, sắt thép. Tiến tới năm 2028, sẽ mở rộng ra các cơ sở khác có tên trong danh mục phải kiểm kê khí nhà kính, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Nói riêng về khía cạnh kinh tế, công tác kiểm kê khí nhà kính càng chứng minh thêm lợi ích từ các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững; kinh tế các bon thấp, tập trung vào giảm phát thải khí nhà kính; kinh tế tuần hoàn thu hồi chất thải để đưa vào các hoạt động kinh tế khác, coi chất thải cũng là một loại tài nguyên... Việc xác định lượng khí nhà kính giảm được khi áp dụng các mô hình sẽ tạo động lực để doanh nghiệp, người dân áp dụng nhiều hơn và qua đó, đóng góp vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết.

“Nông nghiệp với vai trò là một trong 3 ngành kinh tế chính của đất nước (cùng với công nghiệp, dịch vụ) đã tiên phong trong nhiều mặt, vừa thích ứng với tác động của BĐKH vừa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chúng ta đã có tín chỉ các-bon đầu tiên từ các dự án thu hồi khí mê-tan trong chăn nuôi; từ kết quả của quá trình nhiều năm bảo vệ và phát triển rừng; và tới đây là từ các cánh đồng phát thải thấp trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long” – PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh. Nhờ áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, nông dân sản xuất ra sản phẩm lúa chất lượng cao, lợi nhuận tăng và có thêm thêm nguồn thu từ chính lượng phát thải khí nhà kính giảm được.

Những nỗ lực trên đã góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế: Là quốc gia chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, luôn tiên phong trong xu thế chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, phát thải thấp. Và điều này sẽ càng được thể hiện rõ hơn khi hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Nhắc nông nghiệp là nghĩ tới môi trường

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, với việc sát nhập 2 Bộ, từ nay, khi người ta tư duy về nông nghiệp sẽ phải gắn với môi trường. Nông nghiệp với tư cách là một ngành kinh tế truyền thống, chủ chốt, giờ sẽ có thêm những thuận lợi để phát triển bền vững với các trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường.

Trong nội hàm nông nghiệp, trước đây nông nghiệp đã có bảo vệ môi trường thì thời gian tới sẽ làm nổi bật thêm cả về đa dạng sinh học, kiểm soát ô nhiêm, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước... Các lĩnh vực của hai ngành không còn tách bạch, và khi có những vướng mắc đan xen có thể cùng ngồi lại với nhau để giải quyết nhanh chóng hơn dưới chỉ đạo của 1 Bộ trưởng.

Trong quá trình hai ngành từng bước hòa nhập, Báo Nông nghiệp và Môi trường với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ cũng sẽ mở rộng hơn phạm vi thông tin, tuyên truyền. Không chỉ riêng tài nguyên môi trường, nông nghiệp nông thôn mà nhiều hơn cả sẽ là các vấn đề mang tính giao thoa. Ví dụ, để giảm phát phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp sẽ có các giải pháp trong chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản; tăng đa dạng sinh học thông qua bảo vệ và phát triển rừng, nếu là rừng sản xuất còn có sản phẩm lâm nghiệp để bán; gắn sản xuất nông nghiệp với hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại; xu hướng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chất lượng cao...

Hiệu quả thông tin, tuyên truyền từ báo chí sẽ giúp tăng đồng thuận và tăng cường thực thi chính sách, pháp luật của ngành. Và muốn thuyết phục người đọc, các bài báo cần kết hợp đưa ra luận cứ khoa học và minh chứng gắn với đời sống. Có như vậy, Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ trở thành “cánh tay” nối dài, giúp Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải quyết những vấn đề rất nhân văn, những vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường từ những yêu cầu thực tiễn đặt ra.

(lược ghi)

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Tái sinh túi ni lông thành không gian triển lãm đô thị

Hơn 50.000 túi ni lông đã qua sử dụng được 'hô biến' thành mái che nghệ thuật, trưng bày tại Triển lãm Top 10 Awards Pavilion.

Thêm một nhà máy điện rác vận hành tại Hà Nội

Sáng ngày 1/5, dự án Nhà máy điện rác Seraphin với công suất 2.250 tấn/ngày đêm được vận hành thử nghiệm, bắt đầu tiếp nhận xử lý rác.

Quỹ phòng tránh thiên tai hỗ trợ gần 50% trạm đo mưa trên cả nước

Với gần 37,5 tỷ đồng được tài trợ, từ năm 2016 đến nay, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã lắp đặt gần 1.000 thiết bị cảnh báo mưa lũ.

30 nhà khoa học Việt - Nga nghiên cứu ô nhiễm biển Việt Nam

Tàu nghiên cứu khoa học Viện sĩ Oparin chuẩn bị đưa 30 nhà khoa học của Nga và Việt Nam khảo sát đa dạng sinh học, nghiên cứu ô nhiễm tại biển Đông.

Điện Biên dự kiến còn 45 đơn vị hành chính cấp xã

Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Điện Biên sẽ giảm từ 129 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 đơn vị hành chính cấp xã.