Chia sẻ tại tọa đàm, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc TP.HCM trở thành đại đô thị kinh tế biển đầu tiên sau sáp nhập sẽ tạo ra không gian phát triển hoàn toàn mới, nơi kết nối giữa tiềm năng cảng biển, công nghiệp vùng và nhu cầu đô thị hóa hiện đại. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của điều chỉnh quy hoạch theo hướng liên kết vùng, nâng cao tiêu chuẩn hạ tầng và thu hút nguồn lực xã hội hóa vào phát triển đô thị đặc thù.

Ông Phùng Quốc Mẫn - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hawa.
Đồng quan điểm, ông Phùng Quốc Mẫn - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận định rằng sáp nhập địa giới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn mở ra không gian kinh tế liên hoàn, nơi TP.HCM giữ vai trò trung tâm thương mại - công nghệ, Bình Dương là thủ phủ ngành gỗ với kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD năm 2024, và Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu lợi thế cảng biển chiến lược.
“Khi ba trụ cột này hội tụ trong một không gian phát triển chung, ngành gỗ và nội thất sẽ tận dụng hiệu quả từ sản xuất đến logistics, từ tiếp cận nguyên liệu đến kết nối thương mại toàn cầu. Việc các cụm công nghiệp, trung tâm phân phối và hệ thống logistics nằm trong cùng một không gian quy hoạch sẽ giúp giảm chi phí, tăng tốc độ phản ứng thị trường và mở rộng quy mô sản xuất”, ông Mẫn chia sẻ. Ông cũng cho biết, cơ chế hai cấp quản lý mới sẽ góp phần tháo gỡ những rào cản vận hành từng tồn tại giữa các địa phương trước đây, dù giai đoạn đầu có thể còn bỡ ngỡ.

Các đại biểu thảo luận về không gian phát triển mới cho ngành kiến trúc, xây dựng, nội thất trong bối cảnh mới. Ảnh: Xuân Anh.
Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Phạm Hiền Nhân - Giám đốc sản phẩm, Công ty kinh doanh gạch ốp lát Viglacera khẳng định, sáp nhập địa giới giúp doanh nghiệp tái cấu trúc hệ thống sản xuất theo hướng tinh gọn và tối ưu. Theo đó, các nhà máy được phân bổ đều ở Bắc - Nam, mỗi nhà máy chuyên sâu vào một dòng sản phẩm để giảm chi phí logistics, tăng tốc độ cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Nếu trước đây vận chuyển mỗi container gạch từ Bắc vào Nam mất trên 14 triệu đồng, thì giờ đây việc đặt đúng nhà máy đúng vị trí sẽ cắt giảm chi phí từ 5-10% giá thành sản phẩm,” đại diện Viglacera phân tích.
Không dừng lại ở đó, Viglacera còn xây dựng hệ sinh thái vật liệu xanh đồng bộ – gồm bê tông khí chưng áp, thiết bị vệ sinh, kính siêu trắng – nhằm cung cấp giải pháp trọn gói cho các công trình theo tiêu chuẩn xanh. Sự tích hợp này cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận dự án và tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể