| Hotline: 0983.970.780

Cải cách hành chính lấy sự hài lòng của người dân làm ‘thước đo’

Thứ Ba 13/05/2025 , 21:55 (GMT+7)

Chiều 13/5, tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị tổng kết cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025; đề ra giải pháp đổi mới hoạt động giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2026-2030.

Theo đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, công tác cải cách hành chính trong giai đoạn 2020-2025 tại Bình Định hoàn thành 36/38 nhiệm vụ đề ra, 10/16 chỉ tiêu đạt/vượt so với kế hoạch; tạo sự chuyển biến đồng bộ trên các lĩnh vực; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Kết quả trên được thể hiện cụ thể qua kết quả các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI của tỉnh Bình Định liên tục được cải thiện về mặt điểm số và đã có sự cải thiện đáng kể về vị trí xếp hạng so với giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, chỉ số PAPI của Bình Định từ vị trí 63 (thấp nhất trong giai đoạn trước) vươn lên vị trí 19 (cao nhất trong giai đoạn 2020-2025); chỉ số PAR INDEX từ vị trí 59 (thấp nhất trong giai đoạn trước) vươn lên vị trí 25 (cao nhất trong giai đoạn 2020-2025); chỉ số SIPAS từ vị trí 61 (thấp nhất trong giai đoạn trước) vươn lên vị trí 20 (cao nhất trong giai đoạn 2020-2025); chỉ số PCI từ vị trí 20 (thấp nhất trong giai đoạn trước) vươn lên vị trí 11 (cao nhất trong giai đoạn 2020-2025)…

Điều đáng ghi nhận, kết quả “chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp” có điểm số luôn thuộc nhóm “xuất sắc” và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong 2 năm liền….

Về phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới được tỉnh Bình Định xác định sẽ tiếp tục nỗ lực, trong đó chú trọng triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của cấp ủy và vai trò chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của chính quyền các cấp đối với công tác cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dữ liệu theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Người dân giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Thực hiện kịp thời việc khen thưởng, động viên hoặc phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm những trường hợp trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ.

“Không để có khoảng trống pháp luật trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến phát sinh điểm nghẽn, làm lỡ thời cơ phát triển của địa phương. Việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước; tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thiết yếu của người dân, nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính.

Tiếp tục đổi mới, điều chỉnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cấp xã; tạo đột phá thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi công tác quản lý việc thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ lên môi trường điện tử.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp nhận bằng khen của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh:V.Đ.T.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp nhận bằng khen của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh:V.Đ.T.

Đổi mới công tác đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ chuyên môn theo quy định; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Trong giai đoạn 2026-2330, Bình Định cần triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và kinh phí ngân sách. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính. Tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên các lĩnh vực…”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp giai đoạn 2020-2025.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tâm nguyện cuối cùng ở Bời Lời của 'vua chuối' Võ Quan Huy

Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Trảng Bàng buộc ông Võ Quan Huy phải trả lại quyền sử dụng đất, di dời tài sản và hơn 100.000 cây chuối trên đất.