| Hotline: 0983.970.780

Bộ Tài chính: Xử lý tài sản công dôi dư ưu tiên lĩnh vực thiết yếu

Thứ Ba 27/05/2025 , 08:20 (GMT+7)

Tài sản sau sáp nhập được ưu tiên cho y tế, giáo dục, công trình công cộng là định hướng được Bộ nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với địa phương chiều 26/5.

Chiều 26/5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc, lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa chủ trương phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực tài chính.

Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận, là phương án xử lý khối tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Xử lý tài sản công sau sáp nhập là cơ hội để khơi thông điểm nghẽn thể chế. Ảnh: MOF.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Xử lý tài sản công sau sáp nhập là cơ hội để khơi thông điểm nghẽn thể chế. Ảnh: MOF.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị phương án xử lý theo hướng ưu tiên sử dụng tài sản dư cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội và công trình công cộng như hệ thống cây xanh.

Theo Bộ trưởng, đây là những lĩnh vực gắn trực tiếp tới an sinh xã hội, có thể khai thác hiệu quả và kịp thời ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.

Với phần tài sản chưa có phương án bố trí cụ thể, Bộ đề xuất giao quyền chủ động cho địa phương trên nguyên tắc phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các hình thức khai thác có thể bao gồm kêu gọi đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng theo hướng hiệu quả, nhưng phải đảm bảo không gây thất thoát, lãng phí.

Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, khối tài sản cần điều chuyển sau sáp nhập sẽ rất lớn trong thời gian tới. Nếu không có hướng dẫn kịp thời, rõ ràng, địa phương sẽ gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện, thậm chí phát sinh tồn đọng, lãng phí.

Chia sẻ thêm về những khó khăn ở địa phương, đại diện UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cùng các nghị định hướng dẫn thi hành. Địa phương cũng đề xuất điều chỉnh mô hình tổ chức của hệ thống Kho bạc Nhà nước, đảm bảo phù hợp với bộ máy tài chính sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Ảnh: MOF.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Ảnh: MOF.

Đồng tình với định hướng “ưu tiên lĩnh vực thiết yếu, phần còn lại giao địa phương” của Bộ Tài chính, ông Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho rằng, việc phân công nhiệm vụ giữa các cấp cần được xác định rõ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Không được bỏ sót nhiệm vụ trong quá trình phân cấp, và cấp nào thực hiện hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó.

Từ góc độ quản lý ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, phân cấp và phân quyền trong tài sản công phải gắn chặt với năng lực tổ chức thực hiện, không những cần mạnh về luật, mà còn phải chắc về triển khai.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ đang rà soát đồng bộ các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, đồng thời sẽ tổ chức tập huấn cho các địa phương ngay sau khi các văn bản chính thức được ban hành, nhằm nâng cao năng lực thực thi tại cơ sở.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tập trung hoàn thiện các dự thảo nghị định, thông tư liên quan đến phân cấp trong lĩnh vực tài sản công, bảo đảm tiến độ trình Chính phủ trước ngày 30/5. Cùng với đó, ông giao các vụ, cục chuyên môn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể ngay sau khi văn bản được ban hành, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025), Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ một số dự án luật mới để tiếp tục thể chế hóa nội dung phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 66-NQ/TW. Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương tổng kết thực tiễn, gửi đề xuất cụ thể về Bộ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi xây dựng luật mới.

Bộ trưởng cũng tái khẳng định, xử lý tài sản công sau sáp nhập là cơ hội để khơi thông điểm nghẽn thể chế, mở rộng không gian phát triển và tạo ra những động lực mới cho địa phương.

Xem thêm
Muốn cạnh tranh hiệu quả tại Trung Đông, nông sản Việt cần chứng nhận Halal

Khi xuất khẩu vào các nước Hồi giáo, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi, nông sản Việt bắt buộc phải có chứng nhận Halal - một ‘tấm vé thông hành’ không thể thiếu.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Kết nối công-tư giải cơn khát lao động

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) góp phần kết nối công - tư để giải cơn khát lao động trước tình trạng thiếu lao động chất lượng và bất cập nơi thừa, chỗ thiếu.

GrowMax được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc cho KHCN Việt Nam

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, GrowMax được vinh danh nhờ các sản phẩm thức ăn chức năng Specific TPD và quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước - an toàn sinh học.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.