| Hotline: 0983.970.780

Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ các đại học bỏ tổ hợp Văn - Sử - Địa

Thứ Sáu 06/06/2025 , 14:15 (GMT+7)

Sau khi nhiều trường bỏ tổ hợp C00, Bộ Giáo dục yêu cầu điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học rà soát, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh, sau khi một số trường bỏ tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) sát kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết sáng 6/6.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều phụ huynh, học sinh phản ứng trước quyết định của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, khi loại bỏ tổ hợp C00 khỏi phương thức xét tuyển cho 17 ngành, gồm: Báo chí, Tâm lý học, Xã hội học... Các tổ hợp thay thế gồm D14 (Văn, Sử, Anh), D15 (Văn, Địa, Anh) và D66 (Văn, Giáo dục công dân, Anh).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học rà soát, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh, sau khi một số trường bỏ tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) sát kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học rà soát, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh, sau khi một số trường bỏ tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) sát kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Trước đó, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo không xét tuyển tổ hợp C00 cho ngành Luật. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thủ đô, Đại học Kiểm sát Hà Nội... đều đã loại bỏ khối thi truyền thống này. Các ngành chịu ảnh hưởng chính vẫn là Báo chí, Luật, Tâm lý học, Quan hệ công chúng...

Đại diện một số trường cho rằng thay đổi nhằm phù hợp với thực tiễn đào tạo, xu hướng quốc tế hóa chương trình và các định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về nguyên tắc, theo Luật Giáo dục đại học, các cơ sở được tự chủ trong phương thức tuyển sinh.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng quyết định được đưa ra quá gấp, trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn chưa đầy một tháng. Nhiều học sinh đã ôn luyện tổ hợp C00 từ lớp 10 và đăng ký môn thi từ tháng 4. Không ít em chọn thi Sử và Địa, không chọn Ngoại ngữ – trong khi đây là môn bắt buộc trong các tổ hợp thay thế.

Việc thay đổi khiến nhiều thí sinh không kịp xoay trở, mất cơ hội xét tuyển vào các ngành học đã chuẩn bị từ lâu.

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, các trường phải công bố phương án tuyển sinh ít nhất 30 ngày trước khi mở đăng ký đợt đầu. Năm nay, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 16/7 đến 28/7.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần nhấn mạnh nguyên tắc “công bằng đối với thí sinh” là yêu cầu đầu tiên trong tuyển sinh. Các trường được quyền tự chủ, song cần bảo đảm tính hợp lý, minh bạch và đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra ngày 26–27/6, điểm thi dự kiến công bố ngày 16/7. Năm 2024, trong tổng số gần 615.000 thí sinh trúng tuyển đại học, hơn 52% đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi này.

Xem thêm

Bình luận mới nhất