| Hotline: 0983.970.780

Bộ Công Thương công bố khung giá mua điện rác

Thứ Tư 14/05/2025 , 14:16 (GMT+7)

Bộ Công Thương vừa công bố khung giá mua điện từ chất thải rắn sinh hoạt, với mức tối đa 2.575,18 đồng/kWh (chưa gồm VAT), thay thế cơ chế giá cố định trước đây.

Mức giá này sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án điện rác trong thời gian tới, thay thế mức giá cố định 10,05 cent Mỹ/kWh từng được quy định tại Quyết định 31/2014/QĐ-TTg.

Việc thiết lập khung giá này diễn ra trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã đưa điện rác vào danh mục các loại hình cần ưu tiên phát triển. Không chỉ là một nguồn năng lượng tái tạo, điện rác còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong xử lý ô nhiễm đô thị và khu công nghiệp - một dạng nhà máy "hai trong một", vừa tạo điện, vừa xử lý chất thải.

Nhà máy điện rác tại Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Internet.

Nhà máy điện rác tại Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Internet.

Theo mục tiêu quy hoạch, đến năm 2030, công suất các nhà máy điện rác dự kiến đạt từ 1.441 đến 2.137 MW và có thể đạt hơn 1.700 MW vào năm 2050. Tuy nhiên, hiện thực hóa các con số này là thách thức lớn, khi nhiều dự án điện rác vẫn đang “dậm chân tại chỗ” do vướng mắc pháp lý và thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ.

Theo báo cáo từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là sự thiếu vắng hành lang pháp lý cho mô hình “đặt hàng” dịch vụ xử lý rác. Đây là điểm đặc thù của điện rác, khác với các nhà máy điện thương mại truyền thống.

Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư hoặc ký kết hợp đồng công dài hạn cho xử lý chất thải rắn. Hệ quả là nhiều dự án dù có công nghệ và vốn đầu tư vẫn không thể vận hành vì không đảm bảo được nguồn rác đầu vào.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, quy hoạch chất thải rắn còn sơ sài, hợp đồng giữa chính quyền và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ “xây xong bỏ không” do không có lượng rác ổn định, cả về khối lượng lẫn chất lượng.

Trước thực trạng này, VCCI kiến nghị cần sớm thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp xử lý rác. Đồng thời, đề xuất thành lập một tổ công tác trung ương nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai ở các tỉnh, thành.

Một kiến nghị khác được đưa ra là phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường và xây dựng. Việc công bố khung giá điện rác là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư và một bước tiến trong thúc đẩy năng lượng tái tạo gắn với môi trường. Tuy nhiên, nếu không đi kèm cải cách về thể chế, quy hoạch và bảo đảm đầu vào, mức giá trần này khó có thể tạo ra cú hích thực sự.

Muốn điện rác phát huy vai trò kép - xử lý rác và cung cấp điện - Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm đầu vào ổn định và thiết kế các cơ chế hợp đồng đủ hấp dẫn. Chỉ khi đó, điện rác mới có thể "lên lưới" và chuyển từ kỳ vọng sang thực tiễn.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại ở xã biên giới Na Loi

Nghệ An Trong những ngày qua, xã Na Loi xảy ra mưa lớn làm hư hỏng đường giao thông, chia cắt một số bản làng, một số nhà dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất