UBND tỉnh Bình Định giao Trường Đại học Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025-2030 trong tháng 5/2025.

Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng tại Bình Định. Ảnh: BBĐ.
Tính đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 3 cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Quang Trung và Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Quy Nhơn; 2 trường cao đẳng có nhiệm vụ gần với mục tiêu của đề án, gồm: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Quy Nhơn.
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tại tỉnh Bình Định hướng đến nhiệm vụ triển khai hoạt động đào tạo về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo; góp phần xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: Phát triển tiểu vùng Trung Trung bộ trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ của đất nước; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng tại Bình Định phải nỗ lực phát huy hết năng lực để có thể cung cấp tốt nhất các nguồn lực về con người phục vụ nhu cầu của địa phương trong bối cảnh hội nhập, phát triển phù hợp với quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trình bày tham luận với chủ đề “Bình Định - Trung tâm nguồn lực AI - bán dẫn - an ninh mạng” tại Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng được tổ chức tại Bình Định. Ảnh: BBĐ.
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tại Bình Định trong những năm qua đã, đang và sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và quốc gia trong những năm tới.
Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn vẫn còn những hạn chế, chưa đủ cơ sở thực hành, thực tập, thực tế trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn và an ninh mạng (ANM).
Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 13/3/2024 của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và công lập thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050 nêu rõ: Cần quan tâm phát triển các tổ chức nghiên cứu cơ bản; tăng cường đầu tư cho các tổ chức ứng dụng để đẩy mạnh thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển đồng bộ các tổ chức dịch vụ KH&CN và các tổ chức KH&CN công lập đáp ứng yêu cầu về cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN.
Tuy nhiên, cơ sở giáo dục trên địa bàn Bình Định hiện nay chưa cung cấp, đào tạo đầy đủ cán bộ đáp ứng yêu cầu liên quan đến lĩnh vực công nghệ bán dẫn, AI, an toàn và ANM.
“Trước thực tế trên, Bình Định đặt mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025-2030 sẽ đào tạo 4.020 cử nhân, kỹ sư thuộc các chuyên ngành; trong đó, có 2.120 người đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch; 1.900 người được đào tạo lĩnh vực AI, an toàn và ANM; đào tạo 980 kỹ sư thực hành, bao gồm 380 kỹ sư thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch; 800 kỹ sư trong lĩnh vực AI, an toàn và ANM”, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay.