| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang: Đánh thức tiềm năng du lịch từ những trái vải thiều xuất khẩu

Thứ Tư 28/05/2025 , 13:25 (GMT+7)

BẮC GIANG Tân Yên không chỉ được biết đến 'thủ phủ' vải thiều sớm chất lượng cao, chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, mà còn đang dần trở thành điểm du lịch độc đáo.

Lợi ích kép từ hướng đi bền vững

Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã nổi tiếng với giống vải thiều cho thu hoạch sớm, quả to, mã đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng. Đặc biệt, việc người nông dân nơi đây tiên phong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như VietG.A.P, GlobalG.A.P. đã giúp trái vải Phúc Hòa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc... Chính uy tín và chất lượng đã được khẳng định này là nền tảng vững chắc để xã Phúc Hòa tự tin tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Vùng trồng vải xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Mười.

Vùng trồng vải xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, vào mỗi mùa vải chín, từ khoảng cuối tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, nhiều nhà vườn tại Phúc Hòa đã bắt đầu mở cửa đón khách. Du khách đến đây không chỉ được đắm mình trong không gian xanh mướt của những vườn vải bạt ngàn, sai trĩu cành, mà còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thú vị.

“Thật tuyệt vời. Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm hái vải ngay tại vườn, lại là những trái vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, quả to, ngọt và rất thơm. Không khí ở đây trong lành, người dân thì thân thiện và nhiệt tình chia sẻ về cách họ trồng ra những trái vải chất lượng này. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè và quay lại vào mùa vải năm sau”, chị Hoàng Mai Anh, một du khách đến từ Hà Nội không giấu được sự thích thú khi tự tay hái những chùm vải chín đỏ.

Không chỉ dừng lại ở việc hái quả, du khách còn có cơ hội trò chuyện, tìm hiểu từ chính những người nông dân tâm huyết về quy trình chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều tour còn kết nối du khách đến tham quan các điểm thu mua, cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu, tận mắt chứng kiến quy trình sơ chế, lựa chọn, đóng thùng chuyên nghiệp, cảm nhận không khí lao động khẩn trương, hối hả chuẩn bị vào vụ.

Nhận thấy tiềm năng lớn từ lĩnh vực này, những năm qua chính quyền địa phương đã và đang có những động thái tích cực để hỗ trợ và định hướng cho mô hình du lịch nông nghiệp. Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Yên có khoảng 1.300 ha trồng vải, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn, trong đó riêng xã Phúc Hòa đóng góp hơn 700 ha với sản lượng khoảng 9 nghìn tấn.

Nhiều người thích thú khi đến với vườn vải chín sớm phục vụ xuất khẩu tại xã Phúc Hòa. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều người thích thú khi đến với vườn vải chín sớm phục vụ xuất khẩu tại xã Phúc Hòa. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Tiệp cho biết, khoảng 2 đến 3 năm nay, bên cạnh giá trị kinh tế từ bán vải, việc quảng bá, phát triển du lịch đã được huyện Tân Yên và xã Phúc Hòa đặc biệt quan tâm. Với sự hỗ trợ của cấp trên, nhiều hình thức quảng bá đã được triển khai, giúp ngày càng nhiều người biết đến vải thiều Phúc Hòa. "Riêng năm 2024, xã đã đón hơn 100 đoàn khách, trong đó có những đoàn lên tới 200 người, đến thăm vườn vải và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp ngay tại vườn," ông Tiệp phấn khởi chia sẻ.

Tiềm năng lớn

Việc kết hợp du lịch với vùng vải thiều xuất khẩu tại Phúc Hòa mang lại lợi ích kép. Trước hết, nó tạo ra một kênh tiêu thụ mới, gia tăng giá trị cho sản phẩm vải thiều. Quan trọng hơn, mô hình này góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa cho thương hiệu vải Phúc Hòa. Hình ảnh những vườn vải sạch, đẹp, quy trình canh tác an toàn được lan tỏa sẽ củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nó cũng là cơ hội để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa bản địa, khơi dậy niềm tự hào của người nông dân về sản vật quê hương.

Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững và chuyên nghiệp, Phúc Hòa cũng như huyện Tân Yên cần tiếp tục có những đầu tư và định hướng rõ ràng. Việc quy hoạch các vùng trồng vải kết hợp du lịch, cải thiện hạ tầng giao thông, các điểm dịch vụ cơ bản là rất cần thiết. Công tác đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, kết nối với các điểm đến khác trong huyện và tăng cường quảng bá là những giải pháp quan trọng cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Ông Ngô Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa chia sẻ với PV về những ưu thế, đặc điểm của vải chín sớm. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Ngô Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa chia sẻ với PV về những ưu thế, đặc điểm của vải chín sớm. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Ngô Văn Tiệp – Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, du lịch ở đây trước mắt chủ yếu mang tính chất quảng bá hình ảnh, để du khách biết đến các sản phẩm nông nghiệp của địa phương nhiều hơn. Sau khi họ biết và trải nghiệm, họ sẽ tin tưởng, hướng đến và tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn. Từ đó, giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Sự đồng lòng của người dân cũng là yếu tố then chốt. Nhiều chủ vườn không chỉ mở cửa đón khách mà còn chủ động đầu tư cải tạo cảnh quan, xây dựng các điểm dừng chân, khu vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị các sản phẩm chế biến từ vải để phục vụ du khách.

Thời gian tới, ngoài vấn đề du lịch sinh thái vườn đồi, địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch vùng sản xuất kết hợp với các địa danh văn hóa lịch sử và một số sản phẩm văn hóa phi vật thể như hát chèo, các điểm di tích như: chùa Bạch Vân, cây vải tổ, cùng các vùng cây trái lân cận để tăng thêm sự trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.

“Thời gian tới, ba xã ven sông Thương gồm Hợp Đức, Phúc Hòa và Liên Chung sẽ sáp nhập thành xã Phúc Hòa mới. Đây là cơ hội rất lớn để chúng tôi quy hoạch và phát triển du lịch một cách bài bản hơn, kết nối các vùng sản xuất và các điểm du lịch tiềm năng trong xã mới”, ông Tiệp thông tin thêm.

Vải tại xã Phúc Hòa có ưu điểm là ngọt thanh, không quá đậm, thứ hai là chín sớm, trước vải Thanh Hà và vải chính vụ Lục Ngạn nên cơ bản không đủ sản lượng để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành 21 mã vùng sản xuất, trong đó có 5 mã đi Mỹ và EU, 2 mã đi Nhật Bản, 2 mã đi Thái Lan và 11 mã đi Trung Quốc.

Xem thêm
Tính toán 'thị trường đường xa' cho cà phê Việt

Trong khi tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, ngành cà phê Việt Nam đang có những toan tính về thị trường sau khi thuế đối ứng được Hoa Kỳ áp dụng.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Kết nối công-tư giải cơn khát lao động

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) góp phần kết nối công - tư để giải cơn khát lao động trước tình trạng thiếu lao động chất lượng và bất cập nơi thừa, chỗ thiếu.

Mavin số hóa dữ liệu nhà cung cấp, nâng tầm chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp

Tập đoàn Mavin khởi động Dự án Số hóa dữ liệu Nhà cung cấp, đánh dấu bước đi chiến lược tiếp theo trong hành trình chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững.

Thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất đưa đối tượng này vào diện xử phạt hành chính, nhằm kiểm soát rủi ro và tạo nền tảng pháp lý cho thị trường đang thí điểm.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.

Bình luận mới nhất