Giai đoạn 2024 - 2025, thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Chính phủ Australia đã và đang tài trợ 26 dự án nghiên cứu nông nghiệp với tổng kinh phí lên tới 6,9 triệu AUD, bao phủ nhiều lĩnh vực như: kinh doanh nông nghiệp, biến đổi khí hậu, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt (cây ăn quả, hoa màu, cây lương thực), quản lý đất, nguồn nước và hệ thống xã hội. Bốn dự án tiêu biểu đang được triển khai gồm:
Dự án “Các hệ thống sản xuất sắn kháng bệnh bền vững khu vực Mekong” giai đoạn 2023–2028, với ngân sách 3,5 triệu AUD, nhằm bảo vệ ngành sắn – sinh kế quan trọng của hàng triệu nông hộ nhỏ tại Việt Nam. Dự án tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống sắn có khả năng kháng bệnh, hàm lượng tinh bột cao và đưa ra các mô hình canh tác có khả năng nhân rộng. Hiện dự án được triển khai tại ba vùng sinh thái là Tây Ninh, Đồng Nai và Lâm Đồng, và sẽ mở rộng sang Lào, Campuchia, hướng tới hình thành một ngành công nghiệp sắn cạnh tranh, bền vững tại tiểu vùng Mekong.

Vốn ODA của Australia tại Việt Nam theo nhóm ngành, ước tính ngân sách trong giai đoạn năm 2024-2025. Ảnh: Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM.
Dự án “Giải quyết các rào cản kỹ thuật trong chuỗi cung ứng cá mú” giai đoạn 2024–2027, với kinh phí khoảng 2,6 triệu AUD. Mục tiêu chính là cải thiện chất lượng thức ăn, thúc đẩy sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá mú lai, đồng thời nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung trứng, cá bột và cá giống chất lượng cao. Dự án kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành thủy sản tại Việt Nam và Australia.
Dự án “Nâng cao năng lực sản xuất và kỹ thuật nuôi hải sâm ở Việt Nam và Philippines” với kinh phí tài trợ gần 2,6 triệu AUD trong giai đoạn 2016–2024. Bên cạnh việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nuôi, dự án còn hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các cộng đồng nuôi hải sâm cát, đồng thời nghiên cứu phát triển các giống hải sâm quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Dự án hướng đến mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý, phát triển bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này tại cả hai quốc gia.
Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê – hồ tiêu ở Tây Nguyên” (V-SCOPE), do ACIAR tài trợ khoảng 3,5 triệu AUD trong giai đoạn 2021–2025. Dự án tập trung vào cải thiện sinh kế cho nông hộ sản xuất nhỏ thông qua nâng cao hiệu quả canh tác và giá trị chuỗi cung ứng, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương. Mục tiêu cuối cùng là góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2025–2030, ACIAR dự kiến đầu tư thêm 23 triệu AUD cho các chương trình nghiên cứu nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng hiện đại và bền vững hơn.