| Hotline: 0983.970.780

Australia hoàn tất khâu cuối, mở cửa chính ngạch cho bưởi tươi Việt Nam

Thứ Tư 07/05/2025 , 20:47 (GMT+7)

Báo cáo cuối cùng về an toàn sinh học vừa được Australia công bố, góp phần tăng thêm thị trường cho mặt hàng có sản lượng gần 1 triệu tấn tại nước ta.

Thông tin được TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ với Báo Nông nghiệp và Môi trường tối 7/5. Công văn chính thức số 88/SPS-BNNMT, đã được gửi tới Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai các bước tiếp theo đưa quả bưởi tươi Việt Nam sang thị trường Australia.

Bưởi Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang Australia. Ảnh: minh họa.

Bưởi Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang Australia. Ảnh: minh họa.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) vừa chính thức ban hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”, khẳng định bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia nếu tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.

Báo cáo cho thấy Australia đã hoàn tất đánh giá rủi ro với toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và vận chuyển quả bưởi từ tất cả các vùng sản xuất thương mại ở Việt Nam. Qua phân tích, DAFF xác định có 19 sinh vật gây hại cần biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo an toàn sinh học. Trong số này, đáng chú ý có rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ là những loài đã từng gây ảnh hưởng tới sản phẩm cây có múi của nhiều quốc gia.

Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái và nền nông nghiệp bản địa, Australia đề xuất các biện pháp kiểm soát bao gồm: vùng trồng hoặc cơ sở sản xuất được công nhận không có dịch hại (PFA), xử lý bằng chiếu xạ hoặc Methyl bromide và kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu.

Với bệnh loét cam (Citrus canker), phía Australia yêu cầu áp dụng “Hệ thống tiếp cận”, bao gồm chuỗi biện pháp tổng hợp từ vườn trồng đến xử lý sau thu hoạch.

Việc đánh giá không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật. Phía Australia cho biết, đã tham vấn ý kiến từ 7 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trước khi hoàn thiện báo cáo cuối cùng. Các điều chỉnh về thông tin sản xuất, quản lý dịch hại và cập nhật dữ liệu mới đều được phản ánh trong bản báo cáo tháng 4/2025.

Đáng chú ý, cơ quan kiểm dịch Australia nhấn mạnh 3 loài sinh vật trong danh sách trên như nhện đỏ và rệp sáp là đối tượng kiểm dịch vùng tại Tây Australia. Do đó, dù được nhập khẩu vào Australia, các sản phẩm bưởi vẫn cần tuân thủ thêm quy định riêng khi vận chuyển giữa các bang.

Việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho ngành bưởi. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng bưởi cả nước đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ 50.000 ha năm 2015 lên hơn 100.000 ha, sản lượng đạt gần 1 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Các giống bưởi như Năm Roi, Da Xanh, Diễn, Tân Lạc... hiện được xuất khẩu sang nhiều thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như Hoa Kỳ, EU, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, khoảng 5.000 tấn/năm, chủ yếu do hạn chế về quy chuẩn kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Với việc mở cửa thị trường Australia, bưởi Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng trưởng bền vững.

Theo kế hoạch, sau khi báo cáo được công bố, phía Australia sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng với Việt Nam để đảm bảo năng lực triển khai các biện pháp kiểm dịch. Khi hoàn tất, các điều kiện nhập khẩu chính thức sẽ được công bố trên hệ thống BICON của Australia - cổng thông tin quy định nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.

Việc hoàn thiện báo cáo này không chỉ đánh dấu bước tiến trong đàm phán mở cửa thị trường mà còn thể hiện năng lực ngày càng được cải thiện của lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn sinh học quốc tế.

Thông tin chi tiết bản báo cáo TẠI ĐÂY

Tính đến thời điểm hiện tại, bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường lớn kế tiếp lần lượt là Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, bưởi Việt Nam đã xuất hiện tại các thị trường như Canada, New Zealand, Đức, Hà Lan, UAE, Hồng Kông và Na Uy.

Xem thêm
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

KHÁNH HÒA Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp 311 người quay lại thị trường lao động.

Mavin Foods giành 2 giải thưởng xuất sắc tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt

Tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt (IFFA DFV) ở Frankfurt (Đức), Mavin Foods xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc ở Giải thưởng Sản phẩm thịt toàn cầu 2025.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.