Lập lịch thời vụ theo dự báo khí tượng

[Bài 3]: Làm nông ở Australia giữa bốn bề khí hậu cực đoan

Bảo Thắng - Chủ Nhật, 04/05/2025 , 10:12 (GMT+7)

Trước biến động khí hậu ngày càng cực đoan, nông dân Australia phải dựa vào dự báo mùa vụ để quyết định gieo trồng, một thói quen đã thay đổi cả tư duy sản xuất.

Sản xuất dựa vào dữ liệu

Ở Australia, đất đai rộng lớn nhưng khí hậu tương đối khắc nghiệt. Người nông dân nơi đây gieo trồng chẳng khác nào chơi một ván cờ với trời. Gieo sớm quá, gặp sương giá thì cây chưa kịp nảy mầm đã lụi; gieo muộn, trời đổ nóng, cây chưa kịp trổ bông đã khô xác.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, người nông dân giờ không còn phải đoán mò theo kinh nghiệm, mà có thể “soi gương khí hậu” trước mỗi mùa vụ, nhờ vào các bản tin dự báo khí hậu mùa vụ.

Bản đo độ ẩm tại các khu vực của tiểu bang Victoria, Australia. Ảnh: GPS.

Khác với những bản tin thời tiết chỉ dự đoán trong khoảng vài ngày, các bản tin khí hậu này cho biết xu hướng mưa, nhiệt độ trong vài tháng tới, dựa trên những tín hiệu lớn như El Nino, La Nina, hay IOD . Ở đó, IOD là dao động Ấn Độ Dương, là một hiện tượng khí hậu tự nhiên xảy ra trên vùng đại dương này, tương tự như El Nino ở Thái Bình Dương. IOD có thể dương, khiến nước biển phía Tây Ấn Độ Dương ấm hơn bình thường, còn phía Đông lại lạnh hơn, gây giảm mưa ở Australia. IOD âm sẽ ngược lại.

Do vị trí địa lý đặc biệt, Australia không chỉ chịu ảnh hưởng từ một, mà đồng thời từ nhiều kiểu hình khí hậu toàn cầu. Ít có quốc gia nào mà thời tiết vừa bị El Nino, vừa bị IOD tác động, lại còn thêm gió cực Nam (SAM) và đới cao áp cận nhiệt đới (STR). Những tác động đan xen này khiến khí hậu Australia biến động liên tục theo mùa và theo vùng, không theo khuôn mẫu cố định.

Chính vì vậy, nông nghiệp Australia buộc phải phát triển theo hướng “nhạy bén với khí hậu”. Việc đưa ra quyết định gieo trồng không thể chỉ dựa vào lịch truyền thống, mà luôn phải căn cứ vào tín hiệu khí hậu của từng thời điểm. Bản tin khí hậu vì thế trở thành công cụ sống còn trong sản xuất - giống như chiếc phong vũ biểu định hướng cả chu kỳ sản xuất.

Một điểm độc đáo trong cách làm của Australia là họ không đơn thuần chỉ đưa ra bản tin khí hậu, mà kết hợp chặt chẽ các công cụ dự báo với điều kiện thực tế tại ruộng đồng, đặc biệt là độ ẩm đất - yếu tố sống còn trong canh tác tại vùng khí hậu khô hạn. Đây cũng chính là điểm khác biệt giúp dự báo khí hậu ở Australia trở nên thiết thực hơn.

Khi có tín hiệu El Nino, gắn liền với thời tiết khô nóng, ít mưa, nông dân không chỉ biết rằng “năm nay trời khô”, mà còn lập tức đo độ ẩm trong đất để biết đất còn tích nước không. Nếu đất đã khô ở tầng sâu, họ sẽ chuyển sang giống chịu hạn hoặc giảm mật độ gieo trồng. Ngược lại, nếu có tín hiệu La Nina, thường mang lại mưa nhiều, họ cũng không vội mở rộng sản xuất mà vẫn phải đối chiếu với số liệu độ ẩm để tránh “mưa ngoài ruộng mà đất vẫn khát”.

Nông dân Australia ứng dụng nhiều cơ giới, công nghệ vào làm nông nghiệp. Ảnh: iStock.

Thay vì chỉ nghe dự báo khí hậu như một lời cảnh báo chung, nông dân Australia biến nó thành tín hiệu khởi động cho chuỗi hành động kiểm tra thực tế, đánh giá rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Điều này chỉ hiệu quả khi họ có công cụ đo đạc, mô hình hóa và. Quan trọng hơn cả là tư duy quản lý sản xuất dựa vào dữ liệu.

Gia đình Hunt ở vùng Mallee, tiểu bang Victoria, là một trong những điển hình. Trang trại rộng gần 1.500 ha của họ từng đối mặt với cảnh mưa nắng thất thường khiến vụ được, vụ mất. Nhưng từ khi lắp thiết bị đo độ ẩm đất, theo dõi sát bản tin “The Break” - bản tin khí hậu mùa vụ hàng tháng do cơ quan Agriculture Victoria phát hành - và dùng thêm phần mềm dự báo năng suất, mọi thứ đã khác.

Mỗi lần có dự báo mùa khô, họ liền kiểm tra lại đất. Nếu đất khô ở lớp sâu - nơi rễ cây canola (một loại cây họ cải, thường được dùng lấy dầu, hoặc thức ăn chăn nuôi) vươn tới - họ cắt giảm diện tích, chuyển sang trồng lúa mì chịu hạn tốt hơn. Như năm 2018, cả vùng thiệt hại nặng, nhưng Hunt vẫn có doanh thu tạm ổn, đủ để duy trì sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở chuyện trồng cây gì, gia đình này còn thay đổi cả thời điểm gieo. Trước đây, họ gieo vào tháng 5 theo kinh nghiệm. Nhưng nay, nếu thấy nắng nóng sẽ đến sớm, họ đẩy sớm thời gian xuống giống lên đầu tháng 4. Làm vậy, cây kịp lớn trước khi trời nắng gay gắt. Nguy cơ bị sương đầu mùa có tăng, nhưng họ chấp nhận “hy sinh một chút để cứu cả vụ”.

Một tấm gương khác là ông Tony Andrews ở bán đảo Yorke, bang Nam Australia. Trên cánh đồng 800 ha, ông từng nhiều phen lao đao vì trồng sai thời điểm. Nhưng rồi ông bắt đầu theo dõi các bản tin khí hậu.

Năm 2018, khi thấy các mô hình khí hậu đồng loạt báo hiệu IOD chuyển sang pha dương, ông lập tức cắt bớt diện tích trồng đậu - loại cây rất kén nước - thay bằng lúa mạch. Nhiều người bảo ông lo xa, nhưng cuối mùa, đậu thất bát, còn lúa mạch của ông thì dư chút đỉnh. Ông nói: “Tôi không cần dự báo đúng hoàn toàn, chỉ cần biết năm nay trời không chiều lòng người, để mình chủ động xoay xở.”

Nông dân tiểu bang Victoria bên cánh đồng trồng canola. Ảnh: Foodbev.

Câu chuyện đào tạo khuyến nông

Bản tin khí hậu không còn là thứ xa lạ hay học thuật nữa, mà đã thực sự thành bạn đồng hành của người trồng trọt. Nó giống như chiếc la bàn cho người đi biển, không chỉ giúp tránh bão mà còn chỉ đường đi hợp lý. Nhưng quan trọng hơn, người cầm la bàn phải biết nhìn và hiểu nó.

Các chuyên gia ở Agriculture Victoria khuyên rằng không phải lúc nào cũng có tín hiệu rõ ràng, nhưng nếu năm nào El Nino hoặc IOD chuyển sang pha khô , các bản tin từ “The Break” trở nên cực kỳ hữu ích, vì không chỉ thông báo thời tiết mưa hay nắng, mà còn có lời khuyên cụ thể cho từng vùng.

Chính phủ Australia và các tổ chức như Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Ngành Ngũ cốc Australia (GRDC) đã đầu tư bài bản để mở rộng hệ thống này, bao gồm: đào tạo cán bộ khuyến nông, tổ chức tập huấn, làm video, bản tin đều đặn, giúp nông dân đọc hiểu bản tin như đọc… nhãn thuốc trừ sâu. Họ còn tạo nền tảng online để ai cũng truy cập được.

Với những quốc gia có hệ thống khuyến nông trải khắp cả nước như Việt Nam, đây là một gợi ý rất đáng chú ý. Từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, khuyến nông viên chính là cánh tay nối dài để đưa kiến thức đến từng thửa ruộng, từng hộ nông dân. Họ cũng là những người am hiểu địa bàn, nói được đúng “ngôn ngữ nông dân” và có kinh nghiệm giải thích những khái niệm tưởng chừng rất phức tạp một cách dễ hiểu, dễ làm.

Vấn đề đặt ra là cần tiếp thêm cho họ công cụ, kiến thức và nội dung cập nhật, đặc biệt là các bản tin khí hậu mang tính địa phương hóa. Nếu được đào tạo bài bản về cách đọc, hiểu và giải thích các bản tin khí tượng, đội ngũ khuyến nông sẽ trở thành cầu nối không thể thiếu giữa dự báo và hành động của nông dân.

Hiện Việt Nam từng bước nâng cao khả năng dự báo các hiện tượng như El Nino. Vấn đề là làm sao chuyển hóa được thông tin đó thành hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng cho từng vùng trồng trọt. Bài học từ Australia là rất rõ: Chỉ khi người dân được hỗ trợ đúng cách, áp dụng sát thực tế thì bản tin khí hậu mới phát huy hiệu quả.

Nếu được cung cấp các bản tin dự báo có tính vùng hóa và sát với mùa vụ địa phương, đội ngũ khuyến nông hoàn toàn có thể chủ động mang kiến thức đó đến tận ruộng đồng. Khi ấy, người nông dân ta không còn phải “gieo trồng trong mù mịt”, mà sẽ có niềm tin vững chắc hơn trước khi thu hoạch.

Bảo Thắng
Tin khác
[Bài 5]: Israel cá nhân hóa dự báo khí tượng đến từng nông dân
[Bài 5]: Israel cá nhân hóa dự báo khí tượng đến từng nông dân

Từ những dự báo thời tiết chính xác, nông dân Israel đã biết gieo trồng theo nhịp điệu của thiên nhiên nhờ công nghệ, giúp cá nhân hóa lịch mùa vụ cho từng hộ.

[Bài 2]: Nông dân Brazil 'canh trời' bằng máy móc
[Bài 2]: Nông dân Brazil 'canh trời' bằng máy móc

Brazil đã biến dự báo khí tượng thành công cụ định hình lịch gieo trồng ngô và đậu tương, giúp hàng triệu nông dân tránh rủi ro và tăng năng suất.

[Bài 4]: Tấm khiên mùa vụ từ bảo hiểm thời tiết tại châu Phi
[Bài 4]: Tấm khiên mùa vụ từ bảo hiểm thời tiết tại châu Phi

Dự báo khí tượng kết hợp bảo hiểm thời tiết đang giúp nông dân Senegal và Kenya lên lịch gieo trồng chính xác hơn, vững tin trước rủi ro khí hậu thất thường.

[Bài 1]: Ấn Độ đưa dự báo vào tận ruộng
[Bài 1]: Ấn Độ đưa dự báo vào tận ruộng

Hệ thống tư vấn khí tượng Agromet Advisory Services (AAS) tại Ấn Độ giúp nông dân nhỏ lẻ ứng phó thời tiết cực đoan, giảm thiệt hại mùa vụ và tăng thu nhập.

Lào mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhằm xuất khẩu sang Trung Quốc
Lào mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhằm xuất khẩu sang Trung Quốc

Chính quyền tỉnh Attapeu (Lào) cấp phép đầu tư cho 3 công ty trong nước, cho phép trồng sầu riêng hơn 273 ha, nhằm thúc đẩy sản xuất trái cây này theo hướng thương mại.

Indonesia đẩy mạnh startup xe điện, chiếm lĩnh chuỗi giá trị
Indonesia đẩy mạnh startup xe điện, chiếm lĩnh chuỗi giá trị

Indonesia đang nuôi tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện và pin toàn cầu, nhờ tài nguyên, chính sách thuận lợi và làn sóng startup sáng tạo.

Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản
Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản

Trường Excel Career College triển khai một chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, nhằm trang bị kiến thức về ứng dụng AI cho lực lượng lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng
Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng

Một nữ tiếp viên hàng không ở Trung Quốc đã nghỉ việc và quay về quê nhà để làm nghề nuôi lợn, kiếm được 28.000 USD, tương đương 686 triệu đồng chỉ trong 2 tháng.

Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024
Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024

Xét theo toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm chăn nuôi và bán lẻ, Tây Ban Nha có ngành công nghiệp thịt đang tạo ra khoảng 700.000 việc làm...

Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học
Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học

Với quy hoạch cẩn thận, có thể mở rộng nuôi biển để cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học biển.

Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?
Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?

Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch ABCC Itamar Rocha, ngành tôm Brazil cần đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, nâng cao năng lực chế biến…