Truyền thông đa nền tảng
Ấn Độ, quốc gia có hơn 80% dân số phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nông nghiệp, đã chủ động lồng ghép dự báo khí tượng vào điều hành sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt thông qua mô hình Dịch vụ Tư vấn Khí tượng Nông nghiệp (Agromet Advisory Services - AAS).
Đây là mô hình điển hình cho thấy cách thức một hệ thống dự báo khí tượng, nếu được tổ chức bài bản, phổ cập đến tận nông hộ nhỏ, có thể góp phần nâng cao năng suất, giảm thiệt hại mùa vụ và tăng lợi ích kinh tế bền vững.

Ấn Độ có tới 80% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp. Ảnh: WMO.
AAS là chương trình phối hợp giữa Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), Bộ Khoa học Trái đất và mạng lưới các trường đại học nông nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức khuyến nông trên toàn quốc. Hệ thống này vận hành dựa trên việc tích hợp các bản tin dự báo thời tiết trung hạn (3–10 ngày) và dài hạn (1 tháng đến 1 mùa vụ) với các khuyến cáo kỹ thuật được thiết kế riêng cho từng cây trồng, vùng đất và thời điểm canh tác.
Dự báo được phát triển từ các mô hình số trị hiện đại như Global Forecast System (GFS) do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) phát triển và vận hành. Cùng với đó, là dữ liệu quan trắc từ mạng lưới các trạm thời tiết tự động, radar thời tiết Doppler, và ảnh vệ tinh. Các chỉ số như NDVI (chỉ số thực vật), độ ẩm đất, chỉ số hạn khí hậu cũng được tích hợp để tăng độ chính xác của khuyến cáo.
TS Nabansu Chattopadhyay, Trưởng phòng Khí tượng Nông nghiệp IMD, là một trong những người đặt nền móng cho hệ thống này. Ông không chỉ dẫn dắt phát triển các mô hình dự báo đa biến (multi-model ensemble forecast) mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển hóa thông tin khí tượng thành hành động cụ thể.
“Dự báo không phải là để biết, mà là để quyết định. Chúng ta phải giúp nông dân ra quyết định trúng, đúng lúc và có lợi", ông chia sẻ.
Từ cách tiếp cận này, IMD đã triển khai mạng lưới các Đơn vị Tư vấn Khí tượng Nông nghiệp cấp huyện (DAMUs) để tăng độ chính xác của thông tin và khả năng phản hồi thực tế. Đến năm 2019, Ấn Độ có tổng cộng 130 DAMUs được thành lập, tiến tới mục tiêu phủ sóng 660 đơn vị trong cả nước.
Để thông tin thực sự đến được với nông dân, đặc biệt là nhóm nông hộ nhỏ lẻ, AAS sử dụng hệ thống truyền thông đa kênh gồm: tin nhắn SMS bằng ngôn ngữ địa phương, chương trình phát thanh qua đài All India Radio, đài truyền hình Krishi Darshan, các nhóm WhatsApp, cổng thông tin “Kisan SMS”, cùng sự hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông như Reliance Foundation, IFFCO Kisan và NABARD.
Ngoài ra, các buổi tập huấn cộng đồng, phát tờ rơi, hội thảo đầu bờ cũng được tổ chức định kỳ để củng cố hiểu biết của nông dân về cách sử dụng thông tin khí tượng trong sản xuất.

Một trung tâm trả lời tư vấn cho người nông dân tại cấp huyện của Ấn Độ. Ảnh: KCC.
Những hiệu quả rõ rệt
Tác động tích cực của AAS không chỉ thể hiện ở quy mô mà còn ở câu chuyện thực tế của người sử dụng. Tại vùng Rajasthan khô hạn, ông Shankar Lal, một nông dân trồng đậu xanh ở huyện Barmer, từng chịu cảnh thất thu liên tiếp vì gieo trồng sai thời điểm và không có thông tin mưa.
Sau khi tham gia chương trình AAS, ông bắt đầu nhận được khuyến cáo thời tiết và hướng dẫn về chọn giống chống chịu hạn. Trong 3 năm, năng suất đậu xanh của ông tăng từ 4 tạ/ha lên 7 tạ/ha, thu nhập tăng từ 30.000 lên 52.000 rupee mỗi vụ (hơn 600 USD), giúp ông trả hết nợ ngân hàng và đầu tư cải tạo hệ thống tưới nhỏ giọt.
Một ví dụ khác là ở bang Maharashtra, nơi thường xuyên hứng chịu các đợt hạn hán bất thường, nhóm nông dân thuộc HTX Shirdi Farmers Group đã chủ động điều chỉnh lịch tưới tiêu và gieo trồng lúa miến nhờ vào khuyến cáo thời tiết bất thường được gửi qua hệ thống WhatsApp do khuyến nông viên địa phương phụ trách.
Nhờ điều chỉnh sớm 10 ngày trước khi một đợt nắng nóng kéo dài xảy ra, họ đã giữ được tỷ lệ sống của cây non ở mức 90%, so với mức trung bình chỉ khoảng 60% ở những khu vực không tiếp cận được khuyến cáo.
Tại Tamil Nadu, một nhóm nông dân trồng hoa màu ở huyện Villupuram, thông qua buổi tập huấn thuộc chương trình do DAMU phối hợp tổ chức, đã lần đầu tiên tiếp cận được với bản tin dự báo lượng mưa cụ thể cho vùng thôn của họ.
Ông K. Muthu, một trong những nông dân cao tuổi trong nhóm, chia sẻ: "Chúng tôi đã quen làm nông theo kinh nghiệm, nhưng giờ đây, với các bản tin cụ thể từng tuần, tôi có thể tính toán việc gieo hạt, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi trời cho nữa."
Tại bang Bihar, Rajesh Kumar, một nông dân trồng lúa, chia sẻ rằng, nhờ cuộc gọi đến Trung tâm “Kisan Call Centre”, anh nhận được cảnh báo mưa lớn sẽ xảy ra trong 48 giờ tới và khuyến cáo nên thu hoạch ngay để tránh ngập úng. “Không có bản tin đó, có lẽ tôi mất sạch cả vụ,” Rajesh nói.

TS Nabansu Chattopadhyay.
TIềm năng, dư địa lớn
Một nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Ứng dụng Quốc gia Ấn Độ (NCAER) cho thấy, việc áp dụng các khuyến cáo từ AAS giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 10-25%, giảm chi phí đầu vào từ 2-5%, và trong nhiều trường hợp, tỷ suất sinh lời có thể tăng đến 83%.
Năm 2010, NCAER ước tính nếu chỉ 24% nông dân sử dụng AAS, lợi ích kinh tế toàn ngành nông nghiệp có thể lên tới 7 tỷ USD. Khi mở rộng ra 100% nông hộ, con số này có thể lên tới 30 tỷ USD. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cho hệ thống này được đánh giá là thuộc hàng cao nhất trong các chương trình hỗ trợ nông nghiệp quy mô quốc gia.
Ngoài ra, để đảm bảo việc chuyển giao khuyến cáo khí tượng đến đúng đối tượng, hệ thống AAS được tổ chức theo cấu trúc 3 tầng: cấp trung ương (IMD và Bộ Khoa học Trái đất), cấp bang (các trung tâm khí tượng khu vực) và cấp huyện (DAMUs). Các đơn vị này hoạt động phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, viện nghiên cứu và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo khuyến cáo khí tượng được cập nhật, chính xác, phù hợp và kịp thời.
Mô hình AAS có thể là gợi ý hữu ích cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nông hộ nhỏ lẻ chiếm đa số và thời tiết ngày càng khó lường. Kết hợp dự báo khí tượng với khuyến cáo nông nghiệp, lên lịch thời vụ canh tác, gieo trồng là hướng đi thiết thực để giảm rủi ro và nâng hiệu quả sản xuất.