
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Đồng bằng sông Cửu Long có 4 vụ lúa trong năm là vụ đông xuân, vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa (trên vùng sản xuất lúa 1 vụ/năm hoặc trên vùng lúa – tôm).
Trong điều kiện thời tiết bình thường, trên đất sản xuất lúa 3 vụ (đông xuân, hè thu và thu đông), thì vụ hè thu là vụ chịu nhiều yếu tố bất lợi nhất. Chẳng hạn, đầu vụ có thể bị khô hạn hoặc bị “dập” bởi mưa lớn. Cuối vụ thì thu hoạch vào những tháng mưa nhiều nhất.
Vì vậy, ông Tùng cho rằng, sản xuất lúa vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang càng ngày càng khó khăn hơn trước những yếu tố bất lợi của thời tiết khí hậu nếu chúng ta vẫn giữ vững cơ cấu sản xuất 3 vụa lúa như hiện nay.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), cho biết, việc vụ hè thu kém hiệu quả đã là một vấn đề tồn tại đã rất lâu.
Cách đây khoảng 20 năm, Khoa Nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ đã xem xét các vấn đề của vụ hè thu. Kết quả cho thấy khoảng cách năng suất giữa vụ đông xuân và vụ hè thu là rất lớn.
Tại điểm thí nghiệm ở Cần Thơ, năng suất trong vụ đông xuân là 6,3 tấn/ha, trong khi vụ hè thu là 3,4 tấn/ha. Tại điểm thí nghiệm ở Tiền Giang, năng suất vụ đông xuân là 6,7 tấn ha, vụ hè thu là 4 tấn/ha. Tại điểm thí nghiệm ở Đồng Tháp, năng suất vụ đông xuân là 6 tấn/ha, vụ hè thu 4 tấn/ha.
Tại An Giang, năng suất đông xuân 7,2 tấn/ha, hè thu là 5 tấn/ha. Ở Long An, năng suất đông xuân là 7,3 tấn/ha, thu 3,3 tấn/ha. Còn ở Vĩnh Long, năng suất đông xuân và hè thu lần lượt là 6,1 và 4,1 tấn/ha.
Tính bình quân ở cả 6 điểm thí nghiệm, năng suất lúa vụ hè thu kém vụ đông xuân tới 2,6 tấn/ha. Đây là một sự chênh lệch rất lớn về năng suất giữa 2 vụ lúa chính của Đồng bằng sông Cửu Long.
Do năng suất có sự chênh lệch lớn nên lợi nhuận trong vụ hè thu cũng rất thấp, bình quân chỉ 2 triệu đồng/ha trong khi vụ đông xuân là 6,2 triệu đồng/ha (thời điểm cách đây 20 năm), tức là lợi nhuận vụ hè thu chỉ bằng 1/3 vụ đông xuân.
Đến năm 2021, những số liệu mà GS.TS Nguyễn Bảo Vệ thu thập được từ các mô hình canh tác lúa thông minh cũng cho thấy vẫn có sự chênh lệch lớn về năng suất và lợi nhuận giữa 2 vụ lúa chính ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Năng suất, lợi nhuận của vụ lúa hè thu luôn kém xa so với vụ đông xuân. Ảnh: Sơn Trang.
Cụ thể, trong vụ đông xuân, năng suất bình quân ở các mô hình canh tác lúa thông minh là 8,08 tấn/ha và lợi nhuận bình quân là 32,81 triệu đồng/ha. Còn trong vụ hè thu, năng suất bình quân là 6,27 tấn/ha và lợi nhuận bình quân 18,27 triệu đồng/ha.
Như vậy, trong suốt hàng chục năm qua, năng suất và lợi nhuận của vụ hè thu luôn kém xa so với vụ đông xuân trong khi chi phí sản xuất của 2 vụ lại gần như tương đương nhau.
Vì sao chi phí gần như tương đương nhưng năng suất của vụ hè thu lại kém xa vụ đông xuân như vậy? Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, dù đã được cải thiện nhiều về quy trình canh tác, nhưng ngay trong các mô hình canh tác lúa thông minh, vẫn có sự chênh lệch lớn về số bông/m2 và số hạt chắc/bông giữa 2 vụ đông xuân và hè thu, khiến cho năng suất vẫn có sự chênh lệch lớn giữa 2 vụ này.
Số bông/m2 được quyết định trong thời kỳ đầu của cây lúa. Trong giai đoạn này, nếu bị khô hạn hay mưa lớn sẽ ảnh hưởng tới việc đẻ nhánh của cây lúa. Số hạt chắc trên bông được quyết định ở giai đoạn trổ và hình thành hạt gạo, mà mưa gió khiến khả năng thụ phấn của cây lúa bị giảm. Kể cả khi thụ phấn được thì mưa gió cũng khiến cho dinh dưỡng không đủ để hạt lúa được mẩy, được chắc.
Về đất đai, đặc tính thổ nhưỡng giữa 2 vụ đông xuân và hè thu không có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, dung dịch đất đầu vụ hè thu lại rất khác so với vụ đông xuân như độ pH rất thấp trong khi hàm lượng độc chất sắt lại rất cao. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng tới sự đẻ nhánh của cây lúa, qua đó tác động tới năng suất sau này.