| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam hướng tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân

Thứ Năm 15/05/2025 , 16:15 (GMT+7)

Dự luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi tạo hành lang pháp lý để Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ hạt nhân, phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Sáng 15/5, giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Việt Nam sẽ tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân, từng bước phát triển ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, hướng đến mục tiêu tự chủ năng lượng và trung hòa carbon.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng.

Điện hạt nhân là năng lượng xanh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điện hạt nhân đang được nhiều quốc gia xác định là nguồn năng lượng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện nay, các nước đặt mục tiêu điện hạt nhân sẽ chiếm từ 10-30% tổng nguồn cung năng lượng điện quốc gia.

"Đây không chỉ là chiến lược năng lượng mà còn là cách để tái định vị công nghệ và nâng cao năng lực tự chủ quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Việt Nam đặt mục tiêu từng bước làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân, hình thành ngành công nghiệp hạt nhân nội địa.

Luật sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực từ nghiên cứu, đào tạo, đến chế tạo thiết bị, sản xuất hoạt chất phóng xạ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ưu tiên nội địa hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một trong những định hướng lớn là phát triển thị trường nội địa về công nghệ hạt nhân, ưu tiên nội địa hóa thiết bị quan trắc phóng xạ và các công cụ bảo đảm an toàn. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ hạt nhân nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Song song đó, Nhà nước sẽ triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực hạt nhân; có chính sách ưu đãi và trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; hỗ trợ tài chính cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nguyên tử.

Dự luật cũng quy định cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân như cho phép chỉ định thầu, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và của nhà cung cấp, cũng như bố trí kinh phí cho thẩm định và đào tạo nhân lực.

Sau 8 năm tạm dừng, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ tiếp tục được triển khai. Ảnh minh họa.

Sau 8 năm tạm dừng, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ tiếp tục được triển khai. Ảnh minh họa.

Khuyến khích xã hội hóa, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ

Dự thảo luật lần này mở rộng chính sách xã hội hóa, cho phép tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức quốc tế, tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngoài hình thức đối tác công tư (PPP), các tổ chức có thể vay vốn để xây dựng hạ tầng, trang bị thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân phục vụ sản xuất và nghiên cứu.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về phạm vi xã hội hóa. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ, giới hạn các nội dung được xã hội hóa, tránh hiểu nhầm về việc tư nhân có thể tự xây dựng lò phản ứng hạt nhân. “Lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất đặc thù, rủi ro cao, cần kiểm soát chặt chẽ, không thể mở rộng xã hội hóa một cách tràn lan”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đầu tư có trọng điểm, ưu tiên công nghệ ứng dụng cao

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đồng tình với định hướng phát triển năng lượng nguyên tử, nhưng cho rằng cần xác định rõ các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư công để tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Ông đề xuất lộ trình ưu tiên theo mức độ rủi ro và tính phức tạp của công nghệ.

Cụ thể, trong y tế nên đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vào chẩn đoán hình ảnh và xạ trị ung thư. Trong công nghiệp, cần ưu tiên công nghệ chiếu xạ khử trùng, kiểm tra mối hàn bằng phóng xạ - những lĩnh vực có tính thương mại cao, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Về đào tạo, ông Bình đề nghị đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm để phát triển công nghệ lõi và đào tạo nhân lực chuyên sâu.

Riêng về điện hạt nhân, đại biểu Bình cho rằng, đây là mục tiêu dài hạn, mang tính chiến lược, cần triển khai từng bước thận trọng, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn và hành lang pháp lý phù hợp.

Hướng tới làm chủ công nghệ, hoàn thiện khung pháp lý

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Luật sửa đổi không chỉ hướng tới phát triển điện hạt nhân mà còn củng cố tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Luật cũng sẽ cụ thể hóa nguyên tắc phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và phát triển bền vững ngành công nghiệp hạt nhân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật vào ngày 16/6 tới.

Xem thêm
Xây dựng bản đồ dự báo để phân vùng nguy cơ rủi ro thiên tai

Đoàn công tác Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-MT Việt Nam xây dựng bản đồ dự báo để phân định các vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai.