Giữa mùa rùa biển sinh sản, Côn Đảo mang đến cho du khách không chỉ khoảnh khắc kỳ diệu của tự nhiên, mà còn là sự đồng hành với chương trình bảo tồn, giàu giá trị sinh thái.
Bảo tồn rùa ở Côn Đảo gắn với du lịch trải nghiệm
Từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là mùa sinh sản của rùa biển tại Côn Đảo. Sẽ có khoảng khoảng 400 - 500 rùa mẹ lên bãi cát đẻ trứng với số lượng ấp nở thành công và thả về biển hơn 150.000 trứng rùa con. Đây cũng là khoảng thời gian để khách du lịch được trải nghiệm khoảnh khắc thiêng liêng này. Mỗi năm có hàng nghìn du khách đến đây để trải nghiệm dịch vụ này.
Chị Hoa Thị Mỹ Linh, Khách du lịch tại tỉnh Tây Ninh:Em cảm giác điều này rất thiêng liêng, nó như một mái nhà để rùa mẹ quay trở về để đẻ trứng. Một môi trường rất tự nhiên để rùa về đẻ. Nó không cần phải lo lắng gì cho lần vượt cạn, đẻ con của nó.
Côn Đảo hiện là nơi có quần thể rùa biển lớn nhất Việt Nam, với hơn 1.000 tổ đẻ mỗi năm. Côn Đảo cũng được ghi nhận là khu vực hiếm hoi còn giữ được quy luật quay lại đẻ trứng của rùa mẹ sau 25 - 30 năm. Từ cuối những năm 1990, công tác bảo tồn đã được triển khai bài bản với các chương trình theo dõi dài hạn, cơ sở dữ liệu lưu trữ hàng nghìn mẫu cá thể, phục vụ cho nghiên cứu và giám sát biến động quần thể.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo:Rùa biển là loài nguy cấp, quý hiếm và quần thể rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo hiện nay có thể là nói là nhiều nhất trong cả nước. Trong mấy chục năm qua thì Vườn quốc gia Côn Đảo luôn có một cái kế hoạch bảo tồn, bảo vệ cái quần thể rùa này rất là bài bản. Anh em phải thường xuyên tuần tra, canh gác, duy trì cái lực lượng bảo vệ rồi hỗ trợ cứu hộ cho rùa mẹ lên đẻ, rồi thả rùa con về biển cũng như là cái công công tác theo dõi, ghi chép các cái số liệu, dữ liệu để phục vụ cho các cái hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tính đến nay, hơn 2 triệu rùa con đã được thả về biển từ các đảo thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo. Đây là con số không chỉ cho thấy hiệu quả của một chương trình bảo tồn tại Việt Nam, mà còn nhận được sự đánh giá cao từ nhiều tổ chức quốc tế. Việc bảo vệ từng tổ trứng hôm nay chính là cách tạo dựng nền tảng đa dạng sinh học cho nhiều thập kỷ tới.
Bà Marianne Henkel, Trưởng đại diện Chương trình châu Á, WWF - Đức:Sáng nay tôi được đi thả những chú rùa con và những chú rùa này nó mang một cái ý nghĩa hết sức là quan trọng. Ngày hôm nay là một chú rùa bé nhỏ nhưng sau hai 30 năm nữa chú sẽ trở thành những con rùa lớn, tức là những rùa mẹ nó tượng trưng cho cái hình ảnh mà nỗ lực của chúng ta hiện nay. Bây giờ chúng ta đang có những cái nỗ lực nhỏ nhưng sau này nó sẽ trở thành một cái tác động rất lớn cho tương lai.
Mỗi tổ trứng được di dời, mỗi cá thể rùa con được thả về biển là kết quả của hàng chục năm kiên trì gìn giữ hệ sinh thái. Việc gắn liền công tác bảo tồn với phát triển du lịch, trải nghiệm ngắm rùa đẻ và thả rùa con về với biển còn là cách để cộng đồng thể hiện trách nhiệm với các thế hệ tương lai.