10 năm thay đổi cục diện nhờ trồng cây ăn quả trên đất dốc
Thứ Năm 22/05/2025 , 16:12 (GMT+7)
Sơn La đã thực sự chuyển mình, tạo ra dấu ấn rõ nét của tư duy sản xuất mới về cách làm nông nghiệp bền vững, gắn với thị trường, chế biến và xuất khẩu.
Sơn La đưa cây ăn quả lên đất dốc: Nền tảng cho tương lai bền vững
Vào năm 2015, tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đặc biệt, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp độ dốc lớn, chủ yếu canh tác cây hàng năm như ngô, sắn, lúa nương, hiệu quả kinh tế không tốt.
Thời điểm điểm đó, để tạo bứt phá về phát triển cây ăn quả, làm giàu cho người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo kết luận về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Sau một thập kỷ triển khai chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc, Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên 85.000 ha, sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn; giá trị sản xuất cây ăn quả trung bình đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình tiêu biểu đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, so với năm 2016 giá trị đã tăng gấp từ 4-10 lần.
Bà HÀ THỊ NGUYỆT
Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc
"Trước đây trồng ngô rất bất bênh, nhưng giờ nguồn thu ổn định qua hàng năm. Sau khi trồng cây xoài thì độ che phủ, giúp nhiệt độ giảm xuất. Cây xoài quanh năm rất phù hợp với đất nóng. Phát triển xanh tốt, rất tốt cho khí hậu".
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Xuân Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc của Sơn La sau 10 năm đã trở thành thành tựu thay đổi cục diện, bộ mặt hạ tầng, sản xuất, đời sống, vật chất tinh thần người dân.
Trước đây ít người biết đến Sơn La, giờ nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao là nhắc đến Sơn La; thành quả của Sơn La còn lan toả đến các vùng khác.
Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
"Từ thành quả đó, đặt nền tảng cho thời gian tới. Có cách làm này tư duy người nông dân khác hẳn. Người cán bộ khác hẳn. Đặt nền móng. Trước đây ít người biết đến Sơn La. Nhưng giờ đây nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao Sơn La ai cũng biết. Biết họ sẽ quan tâm, tới du lịch, đầu tư".
Sau 10 năm kiên trì thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La đã thực sự chuyển mình.
Những triền đồi khô cằn, trước kia chỉ trồng ngô, sắn kém hiệu quả, nay đã phủ kín một màu xanh trù phú của xoài, nhãn, bơ, mận… Không chỉ là sự thay đổi về cảnh quan, đó còn là dấu ấn rõ nét của một tư duy sản xuất mới: làm nông nghiệp hàng hóa, gắn với thị trường, chế biến và xuất khẩu.
Nông dân không còn canh tác manh mún, nhỏ lẻ mà đã biết liên kết, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất.
Những hợp tác xã, doanh nghiệp ra đời, trở thành cầu nối giữa người trồng và thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Từ chỗ chỉ lo đủ ăn, nay nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Sơn La không chỉ thay đổi trong cách làm nông nghiệp mà còn chuyển biến trong nhận thức, khát vọng vươn lên – một hành trình bền bỉ, chứng minh rằng đất dốc, nếu biết cách khai thác, cũng có thể sinh vàng.