Hỗ trợ hơn 6,3 tỷ đồng phát triển chăn nuôi ở Trạm Tấu
Thứ Ba 20/05/2025 , 10:36 (GMT+7)
Từ Nghị quyết 69 cho tới thực tiễn hỗ trợ cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều mô hình chăn nuôi trâu bò và vật nuôi đặc sản ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phát triển giúp người dân ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ hơn 6,3 tỷ đồng phát triển chăn nuôi ở Trạm Tấu
Từ một hộ gia đình thuần nông với thu nhập bấp bênh, gia đình bà Giàng Thị Vang ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh. Trước đây, cuộc sống của gia đình bà Vang chủ yếu dựa vào 2 con trâu lấy sức kéo và vài con gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Nguồn thu nhập không ổn định, khiến cuộc sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, gia đình bà Vang đã nhận được 30 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi 10 con trâu, bò hàng hóa. Với số tiền được hỗ trợ, gia đình bà Vang đã xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh, trồng thêm cỏ voi và mua thêm con giống chất lượng. Đến nay, mô hình chăn nuôi hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm từ việc bán con giống và bán thịt.
Bà GIÀNG THỊ VANG, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái: “Cuộc sống khó khăn nên chúng tôi không có tiền đề mở rộng sản xuất. May mắn, được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò nên gia đình tôi đã có thu nhập ổn định.”
Không riêng gia đình bà Vang, nhà chị Lò Thị Mắc ở xã Hát Lừu cũng đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen và gà đen - hai giống vật nuôi đặc sản bản địa, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 69. Được hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm lợn, gà giống, dụng cụ chăn nuôi để nuôi 5 lợn nái, 15 lợn thịt và đàn gà Mông 1000 con/lứa. Đây là hướng đi đầy tiềm năng bởi lợn đen và gà đen không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là những sản phẩm đặc trưng, thu hút sự quan tâm của thị trường và khách du lịch.
Chỉ sau một năm triển khai, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Mắc đã thu được kết quả khả quan. Năm 2024, nguồn thu nhập từ việc bán lợn và gà đã mang về hơn 100 triệu đồng, giúp gia đình chị có một cuộc sống ổn định hơn, từng bước thoát khỏi những khó khăn. Hiện, gia đình chị đang ấp ủ kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm thu nhập và góp phần quảng bá những sản vật quý của địa phương đến khách du lịch.
Chị LÒ THỊ MẮC, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái đã thực sự khơi dậy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong lĩnh vực chăn nuôi. Việc tập trung hỗ trợ phát triển các giống vật nuôi bản địa như trâu, bò, dê, lợn đen, gà Mông… đã mang lại những chuyển biến tích cực, giúp người dân Trạm Tấu thoát nghèo bền vững. Những mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giống vật nuôi quý của địa phương.
Ông HẢNG A THÀO, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ PTNN huyện Trạm Tấu, Yên Bái:
Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 69, huyện Trạm Tấu đã ghi nhận những kết quả hết sức ấn tượng. Toàn huyện đã có 286 hộ dân và tổ hợp tác được hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa và các giống vật nuôi bản địa với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Những con số này không chỉ thể hiện sự quan tâm và đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp mà còn là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả thiết thực mà Nghị quyết 69 mang lại cho đời sống của người dân vùng cao Yên Bái.