Sinh viên tham gia phòng chống bệnh dại nơi vùng biên
Chủ Nhật 25/05/2025 , 23:49 (GMT+7)
Những sinh viên chuyên ngành Thú y (Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh) đến từng thôn xóm vùng biên giới các xã nghèo thuộc tỉnh Long An để tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Hành động của họ không chỉ góp phần giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh dại mà còn góp phần xây dựng hình ảnh những bác sĩ thú y tương lai giàu trách nhiệm với cộng đồng.
Thưa quý vị, bệnh dại đang cướp đi hàng trăm sinh mạng mỗi năm ở Việt Nam. Tại các huyện vùng biên giới tỉnh Long An, bệnh dại vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây chết người do chó mèo không được tiêm phòng đầy đủ.
Từ năm 2019, một chương trình phối hợp giữa trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Sở Nông nghiệp tỉnh Long An và công ty Boehringer Ingelheim đã đưa sinh viên thú y đến tận hộ dân, tiêm vắc xin miễn phí, khống chế dịch bệnh từ gốc. Trong 5 năm qua, hàng trăm sinh viên ngành thú y đã trực tiếp đến từng hộ dân, tiêm vắc xin miễn phí, góp phần ngăn chặn căn bệnh chết người này ngay từ cộng đồng.
Huyện Đức Huệ của tỉnh Long An là một trong những địa phương có tình hình bệnh dại diễn biến khá phức tạp và có ca tử vong thương tâm từ chó, mèo. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, chỉ dưới 60% chưa đủ sức bảo hộ cho đàn vật nuôi. Do người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ tham gia tiêm vacxin ngừa dại có thu phí vẫn còn rất thấp.
Hơn nữa, việc đến tận nhà người dân để tiêm vacxin ngừa bệnh dại cũng gặp nhiều khó khăn khiến tỉ lệ tiêm phòng tại huyện biên giới này cũng còn khá thấp.
Từ năm 2019, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cùng công ty Boehringer Ingelheim đã triển khai chương trình phòng chống bệnh dại cộng đồng tại huyện Đức Huệ. Sau 5 năm, hơn 25.000 lượt chó mèo đã được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ phủ 80% - một con số đáng kể tại vùng biên giới còn nhiều khó khăn.
Điều đặc biệt là lực lượng triển khai chính không phải bác sĩ thú y chuyên nghiệp, mà là những sinh viên thú y. Họ mang theo kiến thức, sự tận tâm và từng bước đi vào cộng đồng - không chỉ phòng bệnh, mà còn góp phần thay đổi nhận thức người dân về căn bệnh chết người này.
Không chỉ vậy, chương trình phòng chống bệnh dại tại cộng đồng còn giúp các sinh viên thú y được thực hành, hoàn thiện kĩ năng khi còn trên ghế nhà trường.
Không chỉ góp phần đẩy lùi bệnh dại tại cộng đồng, chương trình còn là một ‘lớp học không tường’ để nhà trường đánh giá năng lực thực tế của sinh viên.