Chè Tán Ma là giống chè cổ của người dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, được trồng và sản xuất thủ công, không dùng phân bón hóa học và chất bảo quản.
Chè Tán Ma là một sản phẩm truyền thống lâu đời của người Thái tại Quan Sơn, Thanh Hóa. Chè được làm từ những búp chè tuyển chọn khắt khe nhất từ những đồi chè cổ đã được trồng tại địa phương từ hơn 50 năm nay, những đồi chè này không bón phân và thuốc trừ sâu hóa học. Bản Phụn, xã Trung Xuân có 4,5ha trồng chè. Chè Tán Ma được trồng và sản xuất có hương vị đậm đà, mùi thơm đặc trưng và được người lớn tuổi trong làng cho biết, một phần do thổ nhưỡng của địa phương và kĩ thuật vò chè, ủ chè từ lâu đời.
Phỏng vấn: Bà PHẠM THỊ CAN
Bản Phụn, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa:
Từ khi về làm dâu, tôi đã được mẹ chồng dạy cách hái và sơ chế chè. Có những cây chè trong đồi của gia đình đã có từ đời cha ông. Chè phát triển tự nhiên không dùng phân bón. Trong quá trình sản xuất cũng làm hoàn toàn bằng tay, không có chất bảo quản. Việc trồng và sản xuất chè giúp vợ chồng tôi có thu nhập ổn định hàng năm từ 20-30 triệu đồng.
Chè Tán Ma được sản xuất theo quy trình hoàn toàn thủ công, truyền thống gồm hái chè buổi sáng những ngày trời nắng đẹp, phơi trong bóng râm, vò chè đã héo bằng tay, ủ chè và ướp sương ban mai, phơi nắng tự nhiên, bảo quản trong chum, vại. Chè có mầu đỏ vàng, vị ngọt, hương thơm tự nhiên. Uống chè tán ma vừa không bị cồn ruột, mất ngủ, lại tốt cho sức khỏe.
Phỏng vấn: Anh ĐINH CÔNG KHẨN
Bí thư, Trưởng bản Phụn, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Bản Phụn, xã Trung Xuân có 4,5 ha trồng chè. Nghề trồng và sản xuất chè có từ xa xưa, trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, biếu người thân. Từ năm 2021 mở rộng bán ra thị trường. Có 30 hộ trong bản sản xuất chè Tán Ma, sản lượng ước tính mỗi năm đạt 3 tấn chè khô. Trồng và sản xuất chè đều tự nhiên, thủ công, không dùng phân bón hóa học và chất bảo quản
Phỏng vấn: Ông HÀ HOÀNG THANH TÂM
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa:
Trong thời gian tới, định hướng phát triển chè Tán Ma, xã Trung Xuân thành sản phẩm OCOP cần mở rộng diện tích vùng trồng để đảm bảo nguyên liệu sản xuất quy mô lớn. Áp dụng khoa học kĩ thuật đối với diện tích đang thu hoạch để tăng năng suất. Cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dụng. Tiếp tục phát triển thị trường, tổ chức lại khâu sản xuất, cần thành lập HTX để nâng quy mô sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ của chè Tán Ma, một sản phẩm nôi tiếng, đặc trưng của huyện Quan Sơn.
Định hướng xây dựng chè Tán Ma thành sản phẩm OCOP sẽ góp phần duy trì và phát triển được các đồi chè cổ của người Thái. Nâng cao được năng lực sản xuất sản phẩm hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị bền vững mang lại hiệu quả về kinh tế cho người dân.