Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra môn Ngữ văn. Nếu thực hiện được như vậy thì đây là một bước ngoặt trong thi cử. Cách đây 16 năm, nhân bài văn của một học sinh, chúng tôi đã có buổi thảo luận "Cuộc đời đâu chỉ có anh Dậu, anh Pha".
Chuyện là năm 2008, một cô giáo ở Nghệ An ra đề “kể về người thân của em”. Bài văn của một học sinh đã làm cả thành phố Vinh (Nghệ An) xúc động. Em học sinh này đã viết về cha mình, một người cha bình thường, đau dạ dày, nuôi con bằng nghề xe ôm. Sự mưu sinh nhọc nhằn và tình yêu, đức hy sinh của người cha, bản thân nó đã làm xúc động lòng người. Em học sinh chỉ chép lại câu chuyện của cha mình, tình cảm thật nhất của lòng mình. Bài văn đó đã được phô-tô truyền đọc trong mọi ngõ ngách của đời sống thành Vinh.

Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra môn Ngữ văn. Ảnh: Minh họa.
Tại sao một câu chuyện bình thường lại gây ấn tượng mạnh? Phải chăng vì lâu nay có chuyện không bình thường? Trước hết là không bình thường trong cách ra đề thi? Cứ xem lại các đề văn mấy chục năm, hết anh Dậu, đến anh Pha, rồi đến anh A Phủ… Không năm này thì năm khác, không trường nọ thì trường kia, không đại học thì cao đẳng, các đề văn cứ same same, na ná như nhau xoay quanh một số tác phẩm.
Nhu cầu lớn đến nỗi người ta luyện thi theo bộ đề. Cứ thuộc bấy nhiêu nhân vật, tác phẩm thì thế nào cũng đỗ đạt (trăm bó đuốc vớ được con ếch). Học trò luyện bộ đề càng đỗ nhiều thì thày dạy càng uy tín. Thày trò càng sáng giá thì thành tích nhà trường càng hoành tráng. Trong khi cuộc sống thực đâu chỉ có anh Dậu, anh Pha? Cuộc đời này còn bao nhiêu vấn đề cần quan tâm khác. Phải chăng đây là một lý do khiến học sinh ngày càng không thích học văn?
Lại nhớ câu chuyện khiến người yêu quý môn văn cả nước băn khoăn. Đề ra đại ý yêu cầu học sinh phân tích cái hay cái đẹp của tác phẩm "Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc". Một học sinh đã nói rằng, em không thấy cái hay cái đẹp nên không phân tích được. Đành rằng đây là hiện tượng cá biệt, nhưng không phải số đông bao giờ cũng đúng. Em học sinh ấy đã dám nói một phần sự thật của việc dạy học văn kiểu nhồi nhét, áp đặt. Một trong những lý do khiến học sinh không thích học văn học cổ là khoảng cách về tâm lý tiếp nhận. Tuổi của em rất khó hình dung được cái hay cái đẹp của những câu thơ như "Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”.
Lời nói thật của em học sinh trên có thể làm chúng ta buồn, nhưng không đáng sợ. Sợ nhất là những học sinh không thấy hay vẫn bảo là hay, không thích vẫn bảo là thích, rồi phân tích, diễn giải dài dòng để đẹp lòng thầy cô giáo.
Vậy làm thế nào để trước đề thi, học sinh được nói thật lòng mình, chứ không phải nói theo người khác? Câu hỏi không dễ trả lời. Học sinh làm sao mà nói thật, mà sáng tạo khi đáp án môn văn chấm quá chi li. Vậy thôi, để an toàn, đành phải nói theo sách, theo thầy, theo đáp án. Tôi mạo muội nghĩ rằng, khi nào học sinh được nói tiếng nói của chính các em, khi đó, chúng ta sẽ có những bài văn hay và thật. Và quan trọng hơn, là có những thế hệ biết sống thật và dám sống thật lòng mình, không quanh co, trí trá.
Nói rộng ra ngoài trang sách, ra cuộc sống, nhu cầu thị trường quyết định sản xuất hàng hóa. Đã hết rồi cái thời kham khổ, cơ sở nhà nước làm ra cái gì, người dân phải tiêu dùng cái đó "vừa bán vừa la vẫn đắt hàng". Đương nhiên không thể coi học sinh là sản phẩm hàng hóa thông thường, nhưng cũng phải thấy rằng, chúng ta dạy dỗ thế nào để khi học sinh, sinh viên Việt Nam ra sân chơi chung được thế giới chấp nhận. Vì thế, không thể đào tạo cái mà các trường chỉ quen đào tạo. Dạy thế nào, thi thế ấy, học sao thi vậy sẽ trở thành chuyện của ngày hôm qua. Xã hội hôm nay mong muốn nên đổi thành: dạy thế nào, học thế nào để thi ở đâu cũng được, trong tỉnh, trong nước, kể cả nước ngoài, những học sinh có khả năng đều đỗ đạt, để khi ra trường, đều có được việc làm tốt.

Thay đổi để học sinh ngày càng yêu môn Ngữ văn. Ảnh: Minh họa.
Ngày xưa, có lúc ông cha ta chọn người tài cũng một phần thông qua thi cử. Đề thi chọn người tài cứu dân giúp nước quyết không cho phường “giá áo túi cơm”, biết dăm ba câu “chi hồ giả dã” có cơ hội để khoe khoang. Đề thi nhiều khi do đích thân hoàng thượng ra đề chủ yếu đề cập đến những vấn đề quốc kế dân sinh cần giải quyết chứ không chỉ ra đề để khoe chữ, để tán tụng nhau.
Dạy văn là dạy làm người. Ta không thể vui khi có học sinh viết anh Pha cởi trói cho A Phủ, hay Chị Mỵ phải bán con và ổ chó để cứu anh Dậu thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra (?!)… Đó là do học sinh nhầm nhân vật của các tác phẩm văn học. Nhưng cũng có thể do các em khi làm bài, chán môn văn quá, viết bừa đi "thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi". Văn học cho ta thấy cuộc sống đói nghèo, tăm tối của anh Dậu, anh Pha dưới chế độ cũ để giúp ta hôm nay sống nhân văn hơn và quyết không nghèo hơn. Vì vậy đề bài xin đừng trói các em luẩn quẩn mãi với anh Pha, anh Dậu.
Tôi không biết nói cho tường tận thế nào là một đề văn tốt, nhờ các thầy dạy văn nói giúp. Nhưng tôi quyết tin rằng, đề văn tốt cần giúp cho học sinh qua hình tượng, ngôn ngữ văn học mà nói được những điều các em quan tâm và xã hội ngày nay quan tâm. Văn học nếu chỉ dừng ở trang sách, thì nó cũng sẽ bị rơi khi các em ra khỏi cổng trường. Không riêng gì môn văn cần thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và xã hội. Chúng ta quen học kiểu hàn lâm, kinh viện, giáo điều mà rất kém thực hành. Ra sân quốc tế, điểm lý thuyết cao chót vót, nhưng khi thực hành lóng ngóng như gà mắc tóc, có khi đổ nhầm cả ống nghiệm.

Chúng ta cần đổi mới dạy môn Ngữ văn một cách đồng bộ. Ảnh: Minh họa.
Một bạn đã tâm sự: sau bốn năm đại học, tôi cảm thấy cái gì mình cũng biết, nhưng hóa ra chỉ biết sơ sơ lý thuyết. Xin lỗi các vị bỏ quá cho, nước ta có quá đông người học cao, nhưng hình như nhiều năm nay, dư luận vẫn công nhận cái máy cắt lúa do một nông dân Nam bộ chế tạo là phát kiến đáng kể. Bởi nói như nhà thơ vẫn nói "nghìn câu thơ nước chảy, chửa vì người bằng một bữa cơm ăn".
Chúng ta muốn đổi mới dạy văn một cách đồng bộ, quá đúng. Tôi chỉ lạm bàn một việc nhỏ xíu là đề thi. Bởi nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ lực thì cứ việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hoành tráng. Nếu chưa đủ thì cứ chọn từng việc mà làm, làm đâu được đấy, tránh tình trạng lĩnh vực nào cũng là trọng điểm, cái gì cũng là mũi nhọn, kết quả được một quả mít, nhọn toàn diện mà vẫn là mít đặc.